Việt Nam nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản Vịnh Hạ Long

(VOV5) - Các giá trị đặc biệt độc đáo của Vịnh Hạ Long đang được giữ gìn và bảo tồn tốt, những tiềm năng, thế mạnh của Vịnh Hạ Long được phát huy đem lại những thay đổi tích cực trong phát triển các ngành du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.


20 năm trước, Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới về địa chất và địa mạo. Đây là di sản thế  giới thứ 2 ở Việt Nam được công nhận, sau di sản cố đô Huế năm 1993. Dù lần đầu tiên thực hiện quy trình quản lí bảo tồn di sản theo những quy định và chỉ dẫn của UNESCO, nhưng với ý chí và nỗ lực tự thân, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam đã hoàn thành tốt công tác này. 

Việt Nam nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản Vịnh Hạ Long - ảnh 1
Lễ kỷ niệm 20 năm vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới diễn ra long trọng vào tối 1/11 tại Quảng Ninh


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


20 năm kể từ khi Vịnh Hạ Long được công  nhận di sản thiên nhiên thế giới, những chiến lược, chương trình, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Di sản đã và đang được triển khai tích cực. Các giá trị đặc biệt độc đáo của Vịnh Hạ Long đang được giữ gìn và bảo tồn tốt, những tiềm năng, thế mạnh của Vịnh Hạ Long được phát huy đem lại những thay đổi tích cực trong phát triển các ngành du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long hiện cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cần phải giải quyết như áp lực  từ các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, vấn đề thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chiến lực quản lý tổng thể vịnh Hạ Long…


Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, 20 năm chưa phải là thời gian dài, nhưng cũng đủ để đánh giá một cách khách quan, toàn diện công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản. Bên cạnh những giá trị tự nhiên của di sản được bảo tồn tuyệt đối, những điểm tham quan du lịch trên Vịnh đã có diện mạo mới, nhiều sản phẩm du lịch độc đáo được hình thành, hấp dẫn và thu hút du khách: “Trong những năm tiếp theo, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của cộng đồng người dân và các tổ chức để giữ gìn, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long; tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, bảo đảm môi trường sinh thái; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá để Hạ Long trở thành điểm đến của du khách, là trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam và quốc tế”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 850 cơ sở lưu trú trên bờ với 13.000 phòng, trong đó 86 khách sạn từ 1-5 sao; trên 500 tàu du lịch các loại, trong đó 150 tàu lưu trú cao cấp; hơn 40 doanh nghiệp lữ hành, hàng trăm nhà hàng, điểm mua sắm…Với nguồn nhân lực và hạ tầng du lịch như thế, việc đảm bảo các yếu tố môi trường, cảnh quan là mối quan tâm không nhỏ. Trong quá trình khai thác giá trị của di sản vịnh Hạ Long cũng sinh ra những tác động tiêu cực đến di sản cả về mặt cơ học, hoá học, môi trường văn hóa, cảnh quan và sinh thái của khu vực di sản. Chính vì vậy, việc phát huy giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới phải được kiểm soát, phải xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý du lịch bền vững. Một trong những vấn đề then chốt là công tác dự báo lượng khách du lịch, nghiên cứu những tác động từ khách du lịch, quản lý, điều phối lượt khách tham quan và kế hoạch tạo công ăn việc làm, trách nhiệm giữa đơn vị chức năng và cộng đồng sở tại.


Việt Nam nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản Vịnh Hạ Long - ảnh 2


Nhiều năm qua, Cơ quan hợp tác và phát triển Nhật Bản (JICA) đã đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh để bảo tồn thiên nhiên Vịnh Hạ Long. Nhiều chương trình, dự án được thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo vệ môi trường của ngư dân làng chài và du khách trên Vịnh Hạ Long. Ông Koji OTSUKA, giáo sư trường đại học OSAKA, Đại diện Tổ chức JICA, nhấn mạnh yếu tố quan trọng để bảo tồn nguyên trạng một di sản thiên nhiên, đó chính là nhận thức và ý thức của con người chủ nhân của di sản đó: “Đối với kinh nghiệm bảo vệ Vịnh Osaka (Nhật Bản), chúng tôi cũng gặp rất nhiều vấn đề. Chúng tôi cũng rút ra điều quan trọng nhất đó là việc giáo dục cho giới trẻ ngày hôm nay nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường. Làm sao truyền lại ý thức đó cho các thế hệ tiếp theo? Đó cũng công việc cần bắt đầu sớm giúp cho việc bảo tồn Vịnh Hạ Long trong tương lai”.

Một số du khách trong và ngoài nước từng trải nghiệm Vịnh Hạ Long đều có chung nhận xét, Vịnh Hạ Long vẫn còn như một nàng công chúa ngủ trong rừng. Các loại hình dịch vụ, du lịch trên thắng cảnh này hiện nay còn nghèo nàn và thiếu chuyên nghiệp. Đặc biệt, những sản phẩm du lịch mang phong cách của Hạ Long gần như chưa có. Các cơ sở kinh doanh mới chỉ giới thiệu những sản phẩm chung của các địa phương ở Quảng Ninh và Việt Nam. Đây cũng là một hạn chế mà như lời Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn đã nói, nếu Quảng Ninh không sớm triển khai tích cực các hoạt động xây dựng sản phẩm đặc trưng, quảng bá thương hiệu thì du lịch Hạ Long vẫn chỉ ở mức tiềm tàng, không thể cất cánh: “Chúng ta sẽ là người bị tổn thất đầu tiên nếu môi trường của Vịnh Hạ Long không được đảm bảo. Bên cạnh đó là vấn đề phát triển sản phẩm, đây là điều mà không ai làm thay cho doanh nghiệp được. Chúng ta phải tăng cường quảng bá xúc tiến. Vấn đề tạo dựng niềm tin cho điểm đến, đóng góp cho công tác quản lý điểm đến. Hạ Long hội tụ được những yếu tố đầy đủ và hoàn hảo nhất để trở thành thương hiệu du lịch Quốc gia”.

Giá trị của di sản Vịnh Hạ Long đã vượt ra tầm quốc gia, mang giá trị nhân loại, toàn cầu. Bởi vậy, để Vịnh Hạ Long phát huy hết các giá trị và vẫn bảo tồn nguyên vẹn theo Công ước của UNESCO, đòi hỏi sự cố gắng và quyết tâm cao hơn nữa của mọi ban, ngành, đơn vị, tổ chức, địa phương của Việt Nam, chứ không chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác