Hải Hậu: Những năm bom Mỹ trút trên mái nhà

(VOV5) - Về vùng biển giàu truyền thống lịch sử văn hóa của Hải Hậu (Nam Định), chúng tôi thực sự xúc động khi được nghe những câu chuyện về “những năm bom Mỹ trút trên mái nhà/Những năm cây súng theo người đi xa” của người dân nơi đây…

Ký ức “Cồn Cỏ” của Nam Hà

Tôi được ông Nguyễn Sơn Chung 78 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Hải Hậu (một trong số người chỉ đạo và biên soạn cuốn “Lịch sử LLVTND huyện Hải Hậu”) kể cho nghe chuyện về cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong kháng chiến chống Pháp, Hải Hậu có chiến thắng Đông Biên lẫy lừng được mệnh danh là “Điện Biên Phủ” đồng bằng. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, xã Hải Thịnh (nay là thị trấn Thịnh Long) được nhân dân trong tỉnh gọi là “Cồn Cỏ” của Nam Hà, là “túi đựng bom” của bọn cướp trời khi tháo chạy ra biển… Ông bảo: “Mục tiêu bắn phá của không quân và hải quân Mỹ không chỉ là những căn cứ quân sự, mà còn là các mục tiêu kinh tế, giao thông, thủy lợi và khu dân cư”.  

Hải Hậu: Những năm bom Mỹ trút trên mái nhà - ảnh 1

Nữ dân quân Hà Thị Nhiên kéo xác máy bay Mỹ bên bờ biển Hải Thịnh, Hải Hậu, Nam Định ngày 25/5/1966

Ông Phan Minh Ích, 73 tuổi, ở tổ dân phố số 21, thị trấn Thịnh Long, là một trong 13 người lập lên chiến công đầu tiên của Hải Thịnh và cũng là của chiến thắng mở đầu trên địa bàn Hải Hậu và cả tỉnh Nam Hà, Nhà nước đã tặng thưởng dân quân Hải Thịnh Huân chương Chiến công Hạng Ba. Đó là trận cứu tàu vào khoảng 9h sáng ngày 22/5/1965, 13 dân quân xã Hải Thịnh đã giương buồm ra khơi để ứng cứu kịp thời 2 chiếc tàu hải quân ta tại vùng biển Hải Thịnh khi đang bị một tốp máy bay F4 của Mỹ điên cuồng bắn phá. Theo phương án hiệp đồng tác chiến, 13 du kích do đồng chí Nguyễn Hữu Tước, chính trị viên trung đội và Phan Minh Ích (khi ấy là xã đội phó chỉ huy) đã giương buồm ra khơi chiến đấu. Vượt qua lửa đạn dày đặc của địch, các chiến sĩ đã dũng cảm chèo lái đưa thuyền đến cứu tàu của hải quân bị trúng đạn. Nữ y tá Ninh Thị Xuyến đã cùng đồng đội băng bó, cấp cứu cho các chiến sĩ bị thương. Sau hơn 1 giờ vật lộn với sóng gió và bom đạn, các chiến sĩ dân quân Hải Thịnh đã cứu được 32 thủy thủ trở về với đất liền trong tiếng reo hò, mừng vui chiến thắng của quân dân Hải Thịnh. Giọng nói sang sảng của ông Ích, như sống lại thời khắc cách đây 50 năm: “Sáng sớm, chúng tôi men theo đường chùa tùng 6 (nay là Chùa Linh Ứng) xuống 1 cái tàu của xí nghiệp. Mặc dù mang theo vũ khí và súng… nhưng chúng tôi ngụy trang bằng lưới giả làm tàu đánh cá. Vừa bước lên tàu, máy bay Mỹ ào ào quần trên đầu, còn rốc két bắn ào ào nhưng tàu chỉ thủng 5-7 lỗ buồm nhưng chúng tôi không được phép bắn trả. Lúc ấy, tuy có chút hoang mang, chúng tôi quán triệt tác chiến với tinh thần của một đội cảm tử quân”.


Hải Hậu: Những năm bom Mỹ trút trên mái nhà - ảnh 2

Nghe đến đây, bà Ninh Thị Xuyến 70 tuổi, khu 14, thị trấn Thịnh Long tiếp lời: “Tôi phải xé áo ra để băng cho thương bệnh binh, rồi lấy dây lưới thả xuống để các vị bám lấy tàu… Lúc ấy sóng to gió lớn, trong khi máy bay vẫn quần quật trên đầu nhưng không hề sợ”.

Hải Hậu: Những năm bom Mỹ trút trên mái nhà - ảnh 3

(Ảnh: từ trái sang phải: ông Dương, bà Xuyến, ông Thoại, ông Tuyển, ông Đương, ông Sự, ông Ích và bà Mậu tại nghĩa trang Thịnh Long)

Chiến công nối tiếp chiến công khi dân quân du kích Hải Chính bằng 19 viên đạn súng trường đã bắn cháy máy bay F105 của bọn cướp trời và quân dân Hải Thịnh lại bắn tan xác 1 “chim ưng nhà trời”, xác máy bay tơi tả ngay trên trận địa… Hình ảnh Hà Thị Nhiên, nữ du kích Hải Thịnh kéo xác máy bay trên miền biển quê hương đã lọt vào ống kính của phóng viên nhiếp ảnh Quang Văn đã nhanh chóng được giới thiệu với nhân dân cả nước và bè bạn năm châu.

Những chiến công đó còn có phần đóng góp thầm lặng của những thầy thuốc ở trạm xá xã, đã thường trực suốt ngày đêm, băng bó thương binh trong khói lửa ngút trời của bom đạn địch. Ông Trần Văn Thoại 77 tuổi, nguyên Phó trưởng Phòng Y tế huyện Hải Hậu nhớ lại thời kỳ làm trưởng trạm y tế xã Hải Thịnh, nói: “Có hôm thương bệnh binh lên tới hơn 50 người, tôi phải gửi bệnh nhân nằm nhờ khắp xóm. Có lúc không thể đủ bông băng để cứu bộ đội. Chính vì thế, tôi đã nghiên cứu ra cái nồi hấp bông băng để cứu chữa thương binh”. Hiện nay nồi hấp bông băng đó được triển lãm ở Bảo tàng tỉnh Nam Định.

Tất cả vì tiền tuyến

Quân dân Hải Hậu ngay từ khi có lệnh động viên thời chiến đã nô nức thi đua thực hiện khẩu hiệu “Tất cả vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc” vừa kiên cường bám trụ, vừa sản xuất vừa chiến đấu, với khẩu hiệu đóng góp “thóc thừa cân, quân thừa người”, hết lòng hết sức chi viện sức người sức của cho tiền tuyến, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Lan (SN 1937), xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu là một điển hình của phụ nữ ba đảm đang. Dù 5 đời độc đinh, thuộc diện miễn đi bộ đội nhưng năm 1960, ông Nguyễn Minh Phương (chồng bà) vẫn xung phong đi bộ đội khi con thứ hai mới 6 tháng tuổi. Bà ở nhà một nách 2 con dại, lại phải chăm nom bố mẹ già. Bà Lan còn đảm nhiệm Đội trưởng đội sản xuất nông nghiệp (phụ trách hơn 400 hộ). Suốt ngày cặm cụi sổ sách, điều hành cày bừa cấy hái, ghi điểm và phân chia sản phẩm… góp phần đưa xã Hải Bắc dẫn đầu phong trào thi đua sản xuất. Bà chia sẻ: “Mỗi hộ được chia 10kg thóc, còn lại sản lượng đem nộp Nhà nước để chi viện cho tiền tuyến”.

Ông Phương là lớp người được đào tạo nhảy dù đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khóa huấn luyện, ông Phương thi tuyển vào đội đặc công dù. Sau 4 năm nhảy dù, ông được đi học sĩ quan hậu cần - công tác ở Tổng cục chính trị (Hà Nội). Đến năm 1970, ông lại tiếp tục vào Quân đoàn 2 đến tận giải phóng miền Nam. Năm 1987 ông Phương về hưu - là Sư đoàn phó Sư đoàn 325, Quân đoàn 2.

Bà Phạm Thị Mậu (SN 1948), ở tổ 4, thị trấn Thịnh Long, cưới chồng được 10 tháng, bà Mậu đi học trung cấp y thì năm 1967 ông Tài chồng bà lên đường vào Nam chiến đấu. Suốt quãng thời gian dài, bà không nhận được một dòng tin tức của chồng. Rồi một ngày năm 1972, bà lặng người khi nhận được giấy báo tử và tư trang của chồng cùng lá thư ông vẫn để túi áo ngực chưa kịp gửi cho vợ: “Anh đi chiến đấu, em ở nhà gắng giữ gìn sức khỏe, chăm sóc bố mẹ già thay anh”. Không ngờ lá thư đầu tiên cũng là lời trăn trối ông để lại…

Và diện mạo hôm nay

Hải Hậu: Những năm bom Mỹ trút trên mái nhà - ảnh 4
Đường nông thôn mới ở xã Hải Đường, Hải Hậu

Ông Nguyễn Văn Tìm, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết, nhìn về quá khứ chúng ta càng thêm tự hào về các thế hệ cha anh mình. Với nhiệm vụ đưa Hải Hậu lên bước phát triển bền vững theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, dồn điền đổi thửa… nâng cao năng xuất và thu nhập cho nhân dân. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao như: nuôi tôm thẻ chân trắng, mô hình nuôi cá điêu hồng. Nhiều cụm công nghiệp phát triển như: Cty cổ phần may Sông Hồng 7 tại xã Hải Phương, CTy CP Đạt Thành… tạo việc làm cho trên 3.000 công nhân lao động. Đến nay có 40 làng nghề được công nhận, tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Ngoài ra, chúng tôi còn trú trọng công tác điện - đường - trường - trạm, đáp ứng 19 tiêu chí của T.Ư nhằm tiếp tục phát triển xây dựng nông thôn mới, để khắp các xóm làng vùng quê Hải Hậu đạt mục tiêu Nhà sạch/ Vườn xanh/ Đường bê tông/ Sông không rác.


Hải Hậu: Những năm bom Mỹ trút trên mái nhà - ảnh 5
Cầu ngói ở Hải Hậu

Có lẽ, những ngày tháng Tư này càng ý nghĩa hơn khi Hải Hậu được Trung ương chọn 1 trong 5 huyện điểm xây dựng nông thôn mới. Sau 20 năm hình thành và phát triển, thị trấn Thịnh Long được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại 4. Với lợi thế về phát triển kinh tế biển và phát triển các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, hàng năm đón hàng chục nghìn lượt khách du lịch về bãi biển Thịnh Long. Và chắc chắn du khách khi về miền quê được ví như “Cồn Cỏ” của Nam Hà này sẽ nhớ mãi một vùng biến sáng miền quê anh hùng./.

Phản hồi

Các tin/bài khác