Hệ thống bảo tàng ở Hà nội trong hành trình trở thành điểm đến của Citytour

(VOV5)-  Như mọi Thủ đô khác trên thế giới, Hà nội có hàng chục bảo tàng đã và đang hoạt động phục vụ công chúng. Tuy nhiên, không nhiều bảo tàng ở Hà nội  là những điểm đến hấp dẫn du khách. Chính vì vậy, trong quá trình phát triển của mình, hệ thống bảo tàng ở Hà nội đang dần đổi mới để khai thác nguồn tư liệu, hiện vật có ý nghĩa nhân văn này cho sự phát triển của du lịch Thủ đô

Hệ thống bảo tàng ở Hà nội trong hành trình trở thành điểm đến của Citytour - ảnh 1
Hiện vật trưng bày trong Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Tọa lạc ở Trung tâm Hà nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, với diện tích gần 2 nghìn m2 và hệ thống kho lưu hơn 25 nghìn tư liệu, hiện vật phản ánh những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử và cuộc sống đương đại, là trung tâm truyền thông kiến thức về lịch sử văn hóa của phụ nữ VN cho công chúng. Từ mô hình trưng bày lịch sử văn hóa, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Pháp, bảo tàng đã mạnh dạn chuyển đổi sang trưng bày theo chuyên đề về giới, năng động và hiện đại hơn. Bảo tàng có 3 chủ đề trưng bày chính, gồm phụ nữ trong gia đình, phụ nữ trong lịch sử và thời trang nữ nhằm thể hiện sinh động các nghi lễ, phong tục hôn nhân, sinh đẻ, tổ chức cuộc sống gia đình, trang phục truyền thống và những câu chuyện về người phụ nữ trong chiến tranh bảo vệ đất nước...Cùng với việc trưng bày, giới thiệu các hiện vật, Bảo tàng Phụ nữ Việt nam còn tổ chức các sự kiện dành cho công chúng, các hoạt động giáo dục và triển lãm chuyên đề, tổ chức các hội thảo. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng, cho biết đa dạng, đổi mới là những gì mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã và đang hướng tới để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan. Bà Nguyễn Thị Bích Vân cho biết: “Cùng với những sản phẩm trưng bày mới thì chúng tôi cũng kiện toàn hoạt động của bảo tàng. Chúng tôi có một nhà hàng để sẵn sàng phục vụ đồ uống, phục vụ ăn nhanh cho khách tham quan. Chúng tôi cũng cải tạo lại toàn bộ hệ thống dịch vụ, bên cạnh đó còn có một phòng khám phá dành cho trẻ em.”

 
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho rằng cách trưng bày hiện nay của Bảo tàng Phụ nữ Việt nam đã đáp ứng được tiêu chí là một điểm đến của khách du lịch. Ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: “Đây là một điểm bảo tàng không xa lạ nhưng lại rất xa lạ và chúng ta bất ngờ vì phong cách rất mới so với các bảo tàng hiện hữu ở Việt Nam hiện nay. Nghĩa là tiếp cận một phương án, phương thức trưng bày mới. Đối với bảo tàng này, cảm nhận của chúng tôi, với tư cách là những người được đi, được hiểu về khách du lịch thì thực sự, đây là một điểm hết sức cuốn hút đối với khách du lịch.”


Trước đó, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cách trung tâm Hà Nội chừng 8 km, cũng trở thành một điểm hấp dẫn du khách bởi những vật trưng bày bình dị, phản ánh mọi khía cạnh văn hoá vật thể, phi vật thể, những nét tiêu biểu trong đời sống và sự sáng tạo của các dân tộc  Việt Nam. Bên cạnh việc trưng bày hiện vật theo chủ đề, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã rất thành công với các chương trình sự kiện, các hoạt động ngoài trời, các cuộc trưng bày đặc biệt, các chương trình trao đổi hiện vật, phối hợp với các Bảo tàng ở Mỹ trưng bày hiện vật tại nước ngoài. Ông Alain Philippe, du khách đến từ Pháp, sau khi tham quan Bảo tàng đã bày tỏ cảm xúc: “Thật là tuyệt vời. Tôi chưa từng biết là ở Việt Nam có đến 54 dân tộc thiểu số. Tôi đã nhìn thấy những bộ trang phục truyền thống mang đậm chất văn hoá các dân tộc phía Bắc Việt Nam. Tôi nghĩ là các bạn cần trưng bày nhiều hơn những hiện vật này.Tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời ở nơi này.”

Hệ thống bảo tàng ở Hà nội trong hành trình trở thành điểm đến của Citytour - ảnh 2
Bảo tàng Cách mạng Việt Nam

Những Bảo tàng tìm ra được hướng đi và thành công trong việc trở thành điểm đến của du khách ở Hà nội như Bảo tàng Dân tộc học Việt nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quân sự, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam…chưa nhiều. Nếu muốn thu hút khách du lịch, điều cần thiết nhất là phải thoát ra khỏi những quan niệm cũ, tổ chức trưng bày hiện vật và hoạt động của bảo tàng theo hướng hiện đại. Bà Lê Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định đây là xu hướng hoạt động mới của các bảo tàng: “Nhiều người cứ nghĩ là cứ phải cổ thì mới là hiện vật bảo tàng. Và phải có hiện vật cổ thì mới ra trưng bày. Tôi muốn chứng minh là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ra đời năm 1997, không hề có hiện vật cổ, chỉ có những hiện vật bình thường trong cuộc sống. Nhưng chúng ta đều phải thừa nhận là Bảo tàng dân tộc học Việt nam là một bảo tàng hấp dẫn, là một địa chỉ mà du lịch VN ghi nhận là không thể thiếu được trong hành trình đến Hà nội. Và mọi đoàn nguyên thủ quốc gia đến Hà nội đều đến thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Tại sao lại nó lại có giá trị. Vì các nhà nghiên cứu họ đã chỉ ra rằng những giá trị nó ẩn chứa trong các hiện vật bình thường mà các Bảo tàng này trưng bày.”


Như vậy, để có thể thu hút khách du lịch Citytour, chắc chắn hệ thống bảo tàng ở Hà nội phải có cuộc cải tổ mạnh hơn nữa trong quan niệm hoạt động trưng bày, cần thiết có những hoạt động bổ sung hay sự kiện làm nổi bật hay thu hút du khách quan tâm đến các hiện vật, đồng thời làm rõ những giá trị văn hóa phi vật thể của hiện vật trưng bày. Đồng thời cũng quan tâm đến việc đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ, chú trọng quảng bá hình ảnh và thương hiệu, lắng nghe lắng nghe nhu cầu của các hãng lữ hành nhiều hơn để tự đổi mới và tăng sức hấp dẫn cho từng bảo tàng./.

Phản hồi

Các tin/bài khác