Người nuôi ong dưới tán rừng

(VOV5) - Nguồn mật ong chất lượng cao nhất nhờ ong nuôi từ rừng, và cũng vì ong mà cần giữ rừng hơn.

Nghe âm thanh tại đây:

Hôm nay, chúng tôi theo chân chị Hà Bích Thủy, đại diện một công ty Nhật đang có dự án hợp tác phát triển đàn ong lấy mật bản địa của người dân ở Văn Tiến, về Văn Tiến, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình gặp người nuôi ong tại đây.

Người nuôi ong dưới tán rừng - ảnh 1Đường vào nhà anh Lê Đình Khuê 

Đường vào nhà anh Lê Đình Khuê, một trong số ít những hộ nuôi ong giỏi nhất, băng ngang một con suối nhỏ, ngày thường hiền hòa nhưng mùa lũ cũng lên ngập.    

Người nuôi ong dưới tán rừng - ảnh 2Những thùng ong trong vườn đồi nhà anh Khuê.

Nhà của vợ chồng Khuê ở gần chân núi, bên tán rừng, làm vườn ao chuồng nuôi cả lợn rừng, gà vịt, thả cá và nguồn thu chính là từ cả trăm chuồng ong đang nuôi dưới tán rừng thấp.

Lê Đình Khuê đang làm công an viên kiêm phó trưởng thôn ở xóm Văn Tiến. Anh bảo: "Ngoài công tác xã hội ra, về nhà phát triển thêm kinh tế gia đình. Trước còn chạy xe chạy cộ, giờ xe bán rồi quay ra nuôi ong.”

Người nuôi ong dưới tán rừng - ảnh 3

Thực ra, vợ chồng Khuê nuôi ong đã được 15 năm, kể từ khi anh mới đi bộ đội về, làm bảo vệ nông nghiệp, khoảng năm 2000. Khuê kể : “Đi chơi thấy người ta nuôi ong thì bắt đầu nuôi từ bấy giờ. Người ta nuôi cũng ngay trong bản này. Thấy hay, bắt đầu nuôi hai đàn, dần dần thành. Quanh quanh đây lúc bấy giờ ít người nuôi lắm, có ông cụ Biểu (giờ ông mất rồi), nhà ông giáp núi đá ngoài này. Ông kể chuyện ngày xưa 1 lít mật đổi hơn yến gạo, lúc bấy giờ yến gạo giá trị lắm, nuôi cả đàn con ăn học. Bây giờ giá mật so với ngày xưa thì không bõ gì. Ngày xưa toàn mật vắt, nuôi ít. Bây giờ thì nuôi nhiều. Mật về cơ bản cũng như nhau thôi. Ong vào rừng lấy mật chứ có chui vào thùng gạo lấy đâu. (cười) Ở đâu thì nó cũng ra hết ngoài trời lấy về. Lấy về thì sẵn đấy mình khai thác thôi. Cơ bản là bây giờ kinh tế mạnh nên nuôi cũng mạnh mẽ (nuôi nhiều) hơn.

Người nuôi ong dưới tán rừng - ảnh 4 Mật chất lượng cao, vì ong bản địa sinh sống bằng hoa rừng. "Ong vào rừng lấy mật chứ có chui vào thùng gạo lấy đâu" - Anh Khuê cười bảo thế.

Vợ chồng và hai con ăn ở với rừng, với bà con chòm xóm, tình cảm và chất phác như cây rừng vậy, Câu chuyện về ong với anh Khuê không dứt. Bây giờ nhiều người, nhiều nơi nuôi ong, và cho năng suất cao hơn là giống ong nhập ngoại của Ý, di cư lang bạt nhiều. Nhưng người ở Văn Tiến này như anh Khuê, thì chỉ nuôi thuần giống ong Việt.

Người nuôi ong dưới tán rừng - ảnh 5 Anh Lê Đình Khuê bên vườn nhà

Anh Khuê bảo: “Thực ra lấy giống dễ ấy mà. Một con ong bay lên đồi, hay mình đào hang hốc trên đồi bắt được về nhà mình nuôi vô tư luôn, về thành một bầy nhân ra bao nhiêu ong. Ong rừng về là thành ong nhà ngay, mà ong nhà bốc bay là cũng lên rừng ở, nó có đi đằng nào đâu! Rừng còn mênh mông bể sở. Một số rừng người ta còn bảo tồn. Ngay như từ nhà mình lên khe đây vẫn còn bát ngát. Giờ khoán hộ hết, phải giữ rừng. Ngoài rừng kinh doanh ra, thì các hộ phải giữ rừng đầu nguồn. Nuôi ong gần như phụ thuộc hoàn toàn vào rừng, vào thiên nhiên, thời tiết. Nếu không có rừng thì bó tay luôn.”

Người nuôi ong dưới tán rừng - ảnh 6 Chị Hà Bích Thủy trong vườn chanh đào của vợ chồng anh Khuê.

Chị Hà Bích Thủy cho biết, cơ duyên gặp gỡ khi chị giúp một tổ chức của Nhật chuyên hỗ trợ, định hướng phát triển cho những người nuôi ong, đến gặp gia đình Lê Đình Khuê: “Lúc đầu cũng biết Khuê ở đây là hộ nuôi tiên tiến nên muốn nhờ nhân giống ong mang đi những chỗ khác nữa chứ không phải chỉ mỗi địa phương này. Khi người ta đến thấy cách nuôi và mọi thứ cúng giống bên Nhật, và giống ong cũng là ong bản địa. Người ta đánh giá cao bởi vì đây là một hình thức bảo tồn thiên nhiên, tức là chung sống không có sự xung đột nào và giữ gìn sự tự nhiên ở rừng. Ví dụ nuôi ong thì lại thúc đẩy cho các cây rừng ra hoa thụ phấn, rồi lấy mật từ hoa rừng thì lại mang lại nguồn mật tốt cho sức khỏe…

Người nuôi ong dưới tán rừng - ảnh 7 Ông Masaru Sato, chuyên gia của Dự án Shibuya về nuôi ong trong thành phố và giáo dục trẻ em của Nhật Bản, đang xem xét mẫu cây trong vườn rừng nhà anh Khuê.

Vì thế họ động viên là hãy phát triển hơn nữa để có thể khuyến khích những người dân ở xung quanh có thể nuôi được thêm, vừa bảo vệ rừng lại vừa có nguồn mật tốt. Họ cũng ngỏ ý hợp tác vì mật ong của Việt Nam, đặc biệt là mật ở những khu rừng tự nhiên chất lượng rất tốt. Và họ muốn lấy nguồn mật ong đó để mang về bên Nhật.”

Ở vùng này, chủ yếu dân Văn Tiến giáp rừng nuôi ong, ngoài ra còn xóm Hữu Nghị cũng có một số nhà. Nghề nuôi ong không quá khó, nhưng cũng không dễ, vì phải tinh ý một chút, phải để tâm thực sự vào đàn ong nên không phải ai nuôi cũng được. Anh Khuê bảo. chung sống với thiên nhiên mà.

Nhớ lại ngày đầu, vợ chồng anh mua được hai đàn ong mang về, vào dịp tháng Mười: “Đến tháng 11 mưa phùn gió bấc rét, cho ăn ong không ăn, mà không biết tại sao. Cuối cùng phải đi hỏi, người ta mới bày cho lý do như thế như thế. Mà đàn nào không ăn là biểu hiện chuẩn bị bốc bay, mất, đàn ấy hư, hỏng. Sau này nhân giống, đàn cứ đông lên thì mình chia ra thôi. Thực ra trước kia nuôi ba bốn chục đàn, đến khi thấy nó phát triển thì mình nhân ra, gỗ lạt ở đây mình cũng sẵn, tự đóng thùng, tự làm hết chứ chẳng phải đi mua cái gì cả.”

Thời kỳ đầu, tiếng là nuôi ong thế, nhưng giá mật không cao, chỉ là nguồn thu nhập thêm, anh Khuê vẫn phải chạy thêm xe tải chở hàng. Thành ra người ở nhà trông nom chính lại là vợ và hai con.

Người nuôi ong dưới tán rừng - ảnh 8Vợ chồng anh Khuê, chị Thoa lấy mật ong. 

Chị Nguyễn Thị Thoa, vợ anh Khuê nói, vì là một nguồn thu nhập nên cả hai vợ chồng đều tâm huyết nuôi ong. Chị Thoa khoe “Cả hai đều thích. Ngày trước chồng em đi lái xe thì chủ yếu là em làm, có lần lấy mật chỉ có ba mẹ con tự lấy không nhờ ai. Còn mùa làm tướng thì em cũng làm được. Bây giờ chồng em lấy mật khéo không giỏi bằng em (cười). Vì nhà em bị ong đốt còn sưng, chứ em giờ không bị, dù ngày xưa thì sưng lắm. Em cũng làm được (ong) chúa, làm chúa thay tướng ngày xưa chỉ có chồng em còn giờ em làm nhiều hơn. Nói chung ở xóm này chẳng ai làm được như em. Nhiều người con trai còn nể em làm tướng, lấy mật đấy”

Người nuôi ong dưới tán rừng - ảnh 9Nhìn con ong, Khuê biết con nào nặng mật, con nào chưa có được tí phấn hoa nào. 

Hai cậu con trai lớn của vợ chồng Khuê đều đang đi học, cậu cả Lê Đình Khánh cũng đã rất thạo quay mật phụ mẹ. Khánh bảo, cháu thường hay phát cỏ, cọc ong kém thì thay cọc., có gián mối thì thay thùng. Em trai cũng giúp quay mật.

Nhưng cũng như em trai, như những chàng thiếu niên sắp lớn khác, mắt Khánh nhìn qua tán rừng, còn có những ước mơ tới những miền đất khác. Em còn chưa hiểu được nhiều giá trị của rừng, của đàn ong, của công việc mà cha mẹ mình và những người dân trong xóm đang làm.

Việt Nam là một trong những nơi bịn ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Nhưng thực chất tình trạng lũ ống, lũ quét thời gian qua tại nhiều nơi từ miền Trung đến miền núi phía Bắc, không chỉ do thiên nhiên mà còn do con người đã không biết bảo vệ thiên nhiên.

Một năm, hàng trăm chuồng ong đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình Khuê, giúp vợ chồng anh vững vàng hơn về kinh tế. Anh chị bán mật, bán giống ong cho nhiều nơi. Nhưng hơn tất cả, Khuê biết vợ chồng anh cũng như những người dân ở đây phải giữ rừng, là giữ nguồn sinh kế, nguồn sống của chính mình, và của cả thế hệ con cháu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác