Câu lạc bộ “Mì tôm xanh” lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng

(VOV5) - Ngày 5/9/2020, sáng kiến tái chế vỏ mì tôm của Câu lạc bộ “Mì tôm xanh” đã giành giải Ba tại cuộc thi Sáng kiến Thanh niên Trả xanh cho biển.

Đã thành thông lệ, cứ vào mỗi buổi chiều thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần, các thành viên Câu lạc bộ “Mì tôm xanh” lại tập trung tại phòng làm việc để cùng nhau làm ra những sản phẩm đan lát đẹp mắt từ những chiếc vỏ mì tôm. Câu lạc bộ thành lập được gần 4 năm, nhưng hiệu quả mang lại rất rõ ràng trong việc góp phần bảo vệ môi trường. Do vậy, Câu lạc bộ đã thu hút được sự quan tâm, sẻ chia của những tình nguyện viên, cộng tác viên trên khắp các vùng miền của Tổ quốc

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

 Câu lạc bộ “Mì tôm xanh” do cô giáo Vũ Thị Thảo, giáo viên Trường Trung học phổ thông Vinschool (Hà Nội) thành lập tháng 7 năm 2020. Tới nay, Câu lạc bộ “Mì tôm xanh” quy tụ hàng trăm thành viên là học sinh Trường Trung học phổ thông Vinschool và các trường Trung học phổ thông khác trên địa bàn Hà Nội cùng hàng trăm cộng tác viên trên cả nước.

Câu lạc bộ “Mì tôm xanh” lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng - ảnh 1Tại câu lạc bộ “Mì tôm xanh”, mỗi người một việc, người phân loại, người cắt, người vê các vỏ mì tôm đã cắt thành sợi, người vẽ, người đan lát. Ảnh: Phạm Minh

Tại câu lạc bộ, mỗi người một việc, người phân loại, người cắt, người vê các vỏ mì tôm đã cắt thành sợi, người vẽ, người đan lát... Bạn Trần Ngọc Hiền, thành viên Ban tiếp thị Câu lạc bộ “Mì tôm xanh”, cho biết: Vỏ mì tôm sau khi được thu gom về sẽ được giữ cẩn thận. Sau đó sẽ được cắt các viền, lau bằng khăn khô cho sạch. Tiếp theo được cuộn vào một sợi thép cứng.  Các sợi vỏ mì này sẽ được liên kết với nhau bằng keo nến. Sau khi đã hình thành được sợi dài rồi thì áp dụng công thức mây tre đan truyền thống để tạo thành các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Vỏ mì tôm tưởng như là rác bỏ đi nhưng dưới bàn tay khéo léo của thành viên trong Câu lạc bộ Mì tôm xanh đã trở thành những sản phẩm handmade đẹp mắt. Các sản phẩm tái chế của câu lạc bộ khá đa đạng, đó là những chiếc hộp bút, hộp đựng giấy, túi xách, miếng lót cốc, giỏ đựng hoa quả… Dường như dưới đôi bàn tay khéo léo của cô giáo Thảo và các thành viên trong câu lạc bộ, vỏ mì tôm không còn là “rác thải” mà chúng đã trở thành những nguyên liệu có ích với môi trường. Chị Thanh Nga, Trưởng nhóm sản phẩm Câu lạc bộ “Mì tôm xanh”, cho biết:Tôi đã làm ra những sản phẩm đơn giản. Chỉ mất 15 đến 30 phút là có thể hoàn thành được 1 sản phẩm. Còn những sản phẩm phức tạp thì mất nhiều thời gian hơn y theo độ lớn của từng sản phẩm mà cần thời gian làm khác nhau. Có thể 10 - 12 tiếng làm ra những sản phẩm, như giỏ đựng hoặc là lọ.

Câu lạc bộ “Mì tôm xanh” lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng - ảnh 2Các sản phẩm do các thành viên Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh làm ra. Ảnh: Phạm Minh

Điểm đặc biệt, nguyên liệu thừa trong quá trình tạo sản phẩm được chuyển về cho dự án “Rác là vàng” (Dự án sử dụng công nghệ 4.0 nhằm tạo ra cuộc cách mạng về rác thải của Tiến sĩ Vương Thị Lan Anh, Đại học Công nghiệp) để sản xuất vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế. Có nghĩa là, toàn bộ rác thải đều được xử lý thay vì bị thải ra môi trường. Bạn Nguyễn Công Duy Anh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ “Mì tôm xanh”, chia sẻ: Nhờ công tác truyền thông, chúng tôi đã thu được rất nhiều vỏ mì tôm từ rất nhiều thành viên trong Câu lạc bộ, từ gia đình, bạn bè. Thêm vào đó, các bạn cộng tác viên trên khắp cả nước cũng thường xuyên đóng gói vỏ mì tôm gửi về Câu lạc bộ để chúng tôi đan lát, sử dụng. Đối với học sinh hay các bạn trẻ, chúng tôi dạy các bạn kỹ năng để có thể tự tái chế sản phẩm ở nhà. Câu lạc bộ lan tỏa một phần thông điệp về văn hóa để lưu giữ giá trị cổ truyền dân tộc.

Ngày 5/9/2020, sáng kiến tái chế vỏ mì tôm của Câu lạc bộ “Mì tôm xanh” đã giành giải Ba tại cuộc thi Sáng kiến Thanh niên Trả xanh cho biển (To blue the blue) do Quỹ ASEAN tổ chức cho các thí sinh từ 16 - 25 tuổi trên cả nước. Giờ đây, sản phẩm tái chế của cô Thảo được nhiều người đặt mua với số lượng lớn. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán hàng nghìn sản phẩm đều được câu lạc bộ ủng hộ vào các quỹ từ thiện. Sản phẩm tái chế của Câu lạc bộ “Mì tôm xanh” không chỉ bảo vệ môi trường, giáo dục lối sống xanh mà còn hướng tới thiện nguyện. Cô giáo Vũ Thị Thảo, giáo viên Trường Trung học phổ thông Vinschool, cho biết:Tôi rất hạnh phúc khi làm được những việc làm có ý nghĩa trong cuộc sống. Vỏ mì tôm bền, có độ bóng đẹp. Chúng tôi có thể thu gom được nguồn nguyên liệu đó lại không mất phí. Khi làm xong sản phẩm chúng tôi sẽ báo với người mua và họ sẽ chuyển khoản ủng hộ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Câu lạc bộ “Mì tôm xanh” đang hướng tới việc tái chế tuần hoàn bền vững bằng cách tái chế đa dạng các loại rác thải khác. Để tiếp tục lan tỏa những hoạt động “xanh” tới nhiều người hơn nữa, trong thời gian tới, Câu lạc bộ “Mì tôm xanh” sẽ đưa mô hình này tới các trường đại học, trung tâm bảo trợ xã hội ở thành phố Hà Nội.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác