Chính sách dân tộc giúp đời sống đồng bào Khmer vươn lên

(VOV5) - Các cấp uỷ đảng, chính quyền tỉnh Sóc Trăng quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, đưa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống. Từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc triển khai kịp thời đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trong tỉnh vươn lên, khởi sắc.

Chính sách dân tộc giúp đời sống đồng bào Khmer vươn lên - ảnh 1Bản sắc văn hoá đồng bào Khmer được giữ gìn, phát huy

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, địa phương và sự tự lực vươn lên của bà con, đời sống của đồng bào dân tộc khmer ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm ngày càng khấm khá. Đến các phum sóc của đồng bào Khmer, xã Vĩnh Quới sẽ không còn thấy nhà lá tạm bợ nữa mà được thay thế bởi nhà tường kiên cố, khang trang, nhà nhà có xe gắn máy, được sử dụng điện, nước hợp vệ sinh, được chăm sóc tốt về sức khỏe… Đại đức Sơn Phước Lợi, trụ trì chùa Ô Chum Prếk Chếk , xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, cho biết: “Đối với bà con phật tử ở đây phần lớn bà con làm nông nghiệp. Hiện nay có sự phát triển rất khá. Kết quả này là nhờ Nhà nước, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện tốt để bà con sản xuất nông nghiệp như: đầu tư thủy lợi nội đồng giúp bà con sản xuất trúng mùa, kinh tế phát triển đi lên”.
Chính sách dân tộc giúp đời sống đồng bào Khmer vươn lên - ảnh 2Gia đình anh Danh Giang vươn lên từ mô hình trồng màu kết hợp chăn nuôi.

Ghé thăm gia đình anh Danh Giang, người dân tộc Khmer ở ấp Phú Ninh, xã An Ninh, huyện Châu Thành, một trong những hộ chuyên trồng rau, củ, quả và chăn nuôi bò. Anh Giang chia sẻ, cuộc sống gia đình trước đây cũng khó khăn, sau này, anh đã cải tạo gần 1ha đất sản xuất lúa để trồng màu kết hợp chăn nuôi. Để giúp gia đình phát triển kinh tế đạt hiệu quả, tăng thêm lợi nhuận trong sản xuất, ngành nông nghiệp địa phương đã hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật trồng và hỗ trợ chi phí làm nhà lưới trồng màu và hệ thống tưới tiêu tự động. Từ đó từng bước giúp gia đình có nguồn thu ổn định, vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá tại địa phương. Anh Danh Giang, chia sẻ: “Ở trong nhà lưới thì mình trồng thu lợi nhuận cao hơn. Thuận lợi hơn việc trồng ở ngoài nhà lưới vì mình không phải tưới nước bằng thủ công mà đã có hệ thống tưới tiêu tự động. xuống giống màu xong thì mình chỉ chờ đến thu hoạch. Rau trong nhà lưới cũng sạch, đẹp nữa, bán được giá hơn. Ví dụ như mình trồng ở ngoài giá 10 ngàn, thì trong nhà lưới mình có thể bán được 15 ngàn đồng/kg”.

Chính sách dân tộc giúp đời sống đồng bào Khmer vươn lên - ảnh 3Bộ Công an hỗ trợ nhà ở cho bà con nghèo đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng

Tính đến cuối năm ngoái, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giảm còn hơn 15 ngàn hộ. Công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm thực hiện tốt. Cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc nội trú được đầu tư, nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị giáo dục, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học của giáo viên và con em đồng bào dân tộc. Ông Dương Si Thal, Trưởng Ban Quản trị chùa Prếk On Đớk (chùa Cần Đước) xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Đối với tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, về kinh tế-xã hội, an ninh trật tự có sự tiến bộ khá là rõ nét. Đồng bào Khmer chúng tôi luôn tin tưởng và kỳ vọng cao vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã quan tâm không chỉ riêng đồng bào Khmer mà tất cả các dân tộc trong tỉnh”.

Sóc Trăng là tỉnh thuần nông, đời sống người dân, nhất là người dân nông thôn, vùng ven biển, vùng có đông đồng bào dân tộc còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Các cấp uỷ đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng luôn quyết tâm, nỗ lực để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Chính sách dân tộc giúp đời sống đồng bào Khmer vươn lên - ảnh 4Tinh Sóc Trăng luôn quan tâm chăm lo đến đời sống đồng bào Khmer

Điển hình như từ năm 2019-2022, Sóc Trăng đã thực hiện 2 đợt vận động hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh với 5.200 căn nhà được xây dựng, từng bước giúp bà con có nơi an cư lạc nghiệp. Mới đây, lãnh đạo Bộ Công an đã vận động và hỗ trợ cho Sóc Trăng thêm 1.200 căn nhà, với tổng kinh phí 60 tỷ đồng, hiện nay đang được triển khai xây dựng và sẽ sớm trao đến bà con nghèo. Ông Điền Hùng, hộ dân tộc Khmer ở huyện Châu Thành, một trong những hộ gia đình được hỗ trợ một căn nhà đại đoàn kết, chia sẻ: “Trước đây tôi cứ nghĩ là không biết đến bao giờ mới xây dựng được căn nhà ở ổn định để ở như thế này, chỉ biết là cố gắng làm ăn vậy thôi. Giờ được địa phương xem xét, thấy tôi khó khăn thì hỗ trợ được căn nhà đại đoàn kết, tôi vui lắm. Tôi được địa phương hỗ trợ 50 triệu để xây dựng nhà, còn công thợ thì mình tự xây. Giờ có nhà rồi mình chỉ còn lo việc làm ăn để sớm vươn lên ổn định đời sống”.

Ông Lý Rotha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Năm 2022, sau khi mà tỉnh không chế được dịch Covid-19 thì đời sống kinh tế-xã hội của bà con, đặc biệt là bà con đồng bào Khmer có sự khởi sắc và phấn khởi. Đặc biệt trong giai đoạn mới này thì chính phủ đã ban hành những quyết định, chủ trương, chính sách mới đó là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện. Nói chung, kết quả bước đầu cũng phấn khởi, bà con rất vui mừng”.

Cũng theo ông Lý Rotha, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án và chính sách dân tộc tại địa phương, đặc biệt là triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hoá, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số… nhằm hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác