Đẩy mạnh Chính phủ điện tử trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

(VOV5) - Sáng 5/4, tại Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam tổ chức hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2017 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ”. 


Đẩy mạnh Chính phủ điện tử trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - ảnh 1
Toàn cảnh Lễ khai mạc Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử ngày 5/4/2017.



Nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại rất nhiều cơ hội phát triển to lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi các cơ quan chính phủ cũng như các tổ chức, doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ; Xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng các giải pháp an ninh thông tin phù hợp nhằm ứng phó kịp thời với những hiểm họa an ninh khi mà các cuộc tấn công mạng đang diễn biến ngày càng phức tạp. Ông Lê Dũng, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần giải pháp phần mềm Nhật Cường, cho rằng: "Cơ hội cho Chính phủ điện tử là rất lớn, chủ trương của Đảng là luôn đi tắt đón đầu. Cái mà chúng ta có thể đón đầu một cách tốt nhất là công nghệ. Người Việt Nam tương đối có lợi thế trong lĩnh vực này. Tuy nhiên cơ hội lớn như thế nhưng cách làm như thế nào lại là một vấn đề. Theo tôi rất cần sự vào cuộc rất bài bản từ Chính phủ, từ doanh nghiệp, từ người dân để có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội này".

Theo Báo cáo từ Liên Hợp Quốc, hiện Việt Nam xếp thứ 89 trong tổng số 193 trên thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tăng 10 hạng so với năm 2014, đứng thứ 6 trong ASEAN và cũng chính thức gia nhập nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao. Cũng trong báo cáo này, chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam được đánh giá ở mức cao với 0, 57 điểm, xếp hạng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, hiện đã có hơn 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh và nối mạng Internet. Với tỷ lệ này Việt Nam đang đứng thứ hạng cao ở Châu Á- Thái Bình Dương và trên thế giới. Những con số này có thể khẳng định rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2016 đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 tăng nhanh về số lượng dịch vụ và hồ sơ được trực tuyến.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác