Hoạt động an sinh xã hội tăng cường tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia

(VOV5) - Những hoạt động an sinh xã hội thể hiện tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác cùng phát triển của hai dân tộc có chung đường biên giới.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng trên mọi lĩnh vực, Việt Nam và Campuchia là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế cùng đóng góp trách nhiệm để xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển. Để thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển bền chặt, nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam cũng như các địa phương của Việt Nam cùng các tỉnh giáp ranh hai nước Việt Nam – Campuchia có nhiều hoạt động hợp tác về an sinh xã hội nhằm tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước.

Hoạt động an sinh xã hội tăng cường tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia - ảnh 1Các đại biểu người Campuchia có buổi trải nghiệm mô hình kinh tế tại Công ty TNHH một thành viên chè Tâm Lan, thành phố Tây Ninh. Ảnh: Lan Phương

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Tỉnh Tây Ninh có đường biên giới dài 240km giáp với ba tỉnh của Vương quốc Campuchia là Svay Rieng, Prey Veng và Tbong Khmum. Trong những năm gần đây, tỉnh Tây Ninh thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động giao lưu giữa thanh niên hai nước. Anh Võ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Tây Ninh, cho biết: "Tây Ninh và các tỉnh bạn tổ chức các chương trình gặp mặt thường xuyên, định kỳ. Trong bản ghi nhớ của hai tỉnh, cứ sáu tháng sẽ luân phiên tổ chức các hội nghị để trao đổi những kết quả làm được của sáu tháng trước và định ra những nội dung hoạt động của sáu tháng tiếp theo. Trên tinh thần đó, trong thời gian qua, chúng tôi đã kết nối các thanh niên của ba tỉnh Vương quốc Campuchia. Nói chung, quan hệ giữa Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Tây Ninh với Hội Liên hiệp thanh niên của Campuchia thân thiết và gắn bó".

Đã có nhiều buổi giao lưu nhân dân trong các ngày lễ lớn của hai nước thông qua các hoạt động từ thiện, công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cầu nối cho hợp tác thương mại như: tổ chức Đoàn 80 cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia và thân nhân liệt sĩ Việt Nam đi thăm Campuchia; đoàn nhà văn, nhạc sĩ đi thực tế tại Campuchia, đoàn thanh niên Campuchia thăm và trải nghiệm các mô hình thực tế tại các tỉnh biên giới Việt Nam...

Trong khuôn khổ Ngày hội giao lưu các nhà báo trẻ, thanh niên, sinh viên các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia năm 2019, 200 đại biểu có buổi trải nghiệm mô hình kinh tế tại Công ty TNHH một thành viên chè Tâm Lan, thành phố Tây Ninh. Đại biểu Him Chan Akrunrah coi đây là mô hình kinh tế hiệu quả cần học hỏi và áp dụng triển khai tại đất nước Campuchia: “Chúng tôi được đến đây để cảm nhận trà sạch và rất ngon. Mỗi chúng tôi cần học hỏi các kinh nghiệm ở đây. Khung cảnh Việt Nam rất đẹp, người dân Việt Nam thân thiện hòa đồng. Khi quay trở lại đất nước Campuchia, tôi sẽ chia sẻ những điều mới lạ này cho các bạn Campuchia biết để học tập và ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế”.

Hoạt động an sinh xã hội tăng cường tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia - ảnh 2Bà Sroy Socheath, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thanh niên, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Vương quốc Campuchia. Ảnh: Lan Phương. 

Bà Sroy Socheath, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thanh niên, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Vương quốc Campuchia, đề cao hoạt động giao lưu hợp tác giữa các tỉnh giáp biên của hai nước: “Với tư cách là lãnh đạo phái đoàn thanh niên Campuchia sang thăm và giao lưu tại Việt Nam, chúng tôi được tham quan mô hình kinh tế tỉnh Tây Ninh. Từ mô hình trồng lấy phân từ con giun quế bón cho cây trồng, theo đánh giá của chúng tôi đây là loại cây sạch 100% vì bảo đảm sức khỏe người dùng. Sau khi về nước, chúng tôi mang một thông điệp tới giới trẻ nước chúng tôi là thời gian không nhiều cũng không phải là ít, mỗi người cần phải cố gắng hàng ngày học hỏi theo những mô hình kinh tế mà các bạn Việt Nam đã giới thiệu và hỗ trợ”.

Việc chăm sóc sức khỏe y tế cho bà con vùng giáp biên của Việt Nam và Campuchia cũng được đồn biên phòng chú trọng. Hàng năm, Bộ đội Biên phòng Long An phối hợp với Bệnh xá 264 Bộ Quốc Phòng Việt Nam tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc và tặng quà cho hàng trăm lượt dân nghèo tại xã Xam Play, huyện Kom Pung Rồ, tỉnh Prey Veng của Campuchia. Theo đánh giá của xã trưởng Chanh Pin, đời sống bà con xứ Chùa Tháp còn gặp nhiều thiếu thốn. Đây là một hoạt động giúp nhân dân nghèo vùng biên giảm bớt được phần nào khó khăn, ổn định cuộc sống.

Những năm qua, hai bên đã có nhiều hình thức để đưa các thông tin về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi nước đến với công chúng. Ở Việt Nam, trong chương trình phát thanh và truyền hình của các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống ở khu vực biên giới như: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp luôn có chương trình thời sự và văn nghệ bằng tiếng Khmer.

Anh Chao Bon, Phó Trưởng phòng dân tộc, phụ trách chương trình tiếng Khmer của Đài Phát thanh và truyền hình An Giang, cho biết, nhờ công tác tuyên truyền này mà nhân dân hai bên biên giới hiểu được tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của nhau, thúc đẩy thêm tình đoàn kết, gắn bó của cư dân hai bên biên giới: “Hàng năm, tỉnh cũng như lãnh đạo cơ quan đều có kế hoạch cụ thể tuyên truyền liên quan đến lĩnh vực biên giới. Lực lượng phóng viên trẻ đặc biệt các phóng viên phụ trách tuyên truyền về đồng bào các dân tộc, thực hiện các tin, bài phản ánh cuộc sống chân thực của bà con. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phản ánh về hình ảnh bộ đội chiến sĩ biên phòng canh gác, tuần tra giúp nhân dân hai bên biên giới qua lại thuận tiện hơn. Hình ảnh chiến sĩ biên phòng ngày càng gắn kết, gần gũi với đồng bào vùng biên giới”.

Những hoạt động an sinh xã hội thể hiện tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác cùng phát triển của hai dân tộc có chung đường biên giới đồng thời giúp nhân dân nghèo vùng biên giảm bớt được phần nào khó khăn, ổn định cuộc sống góp phần cùng chính quyền, lực lượng vũ trang hai nước Việt Nam - Campuchia bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới trong mọi tình huống.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác