Những giọt mồ hôi trên đỉnh đèo mây

(VOV5) - Trên cung đường Hải Vân luôn có hơn 100 nhân viên đảm trách công việc tuần đường, gác hầm và duy tu sửa chữa đường.

Nếu đã từng một lần “dọc dài” đất nước trên tuyến đường sắt Bắc Nam hẳn quý vị sẽ cảm nhận được cảnh đẹp tuyệt vời qua mỗi vùng đất, và không ai phủ nhận rằng đèo Hải Vân dài 22 km chính là cung đường đẹp nhất. Từ đây, hành khách trên tàu có thể ngắm toàn cảnh vịnh Lăng Cô hòa quyện với mây – trời – biển xanh, cát trắng, cùng đoàn tàu uốn lượn theo dáng hình Tổ quốc. Là cung đường đẹp nhất nhưng cũng là cung đường nguy hiểm nhất với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu từ Bắc vào Nam và ngược lại. Hơn một thế kỷ qua, sự hiểm trở của con đèo đã được nhắc tới rất nhiều và thường xuyên đối với ngành đường sắt. Tuy nhiên, ít ai hiểu hết sự vất vả, hiểm nguy của công việc mà những kỹ sư, công nhân ngành đường sắt vẫn đang ngày đêm thực hiện cho mỗi chuyến tàu qua trên đỉnh Đèo Mây này.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Ngày nào cũng vậy, Nguyễn Văn Hồ đi bộ quãng đường 12 km cho 2 ca làm việc. Đó là chưa kể, những ngày trời mưa không có phương tiện nào lên đèo được, Hồ phải đi bộ từ ga Kim Liên – Đà Nẵng thêm 6-7 km. Có những hôm phải đi bộ từ 3-4h sáng. Ngày cũng như đêm, dù mưa bão hay nắng gắt, công việc luôn phải tỉ mỉ đến từng chi tiết, đảm bảo không mắc bất kỳ một sai sót dù nhỏ nhất:

"Công việc chính của em hàng ngày là đi tuần đường để kiểm tra dọc tuyến những hư hỏng nhỏ, sửa chữa nhỏ, đặc biệt là phải phòng vệ kịp thời những chướng ngại khi có sự cố. Trong mùa mưa bão thì càng phải nâng cao tinh thần bám hiện trường."

Tuyến đường sắt Bắc-Nam đi qua đèo Hải Vân dài 22km, men theo triền núi, qua 18 cầu và 6 hầm chui, trong đó hầm ngắn nhất là 85 m, hầm dài nhất là 600 m. Nằm ở độ cao gần 500 m so với mực nước biển, phần lớn tuyến đường được xây dựng với một bên là núi cao, một bên là vực sâu, có độ dốc 17 phần nghìn, nằm cách biệt với đường quốc lộ trên đèo. Muốn lên các ga trên đèo, công nhân chỉ có cách đi tàu, đi bộ dọc đường sắt từ phía nam ở ga Kim Liên (Đà Nẵng) hoặc phía bắc ở ga Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) hoặc theo đường bộ bằng cách cắt rừng mà đi.

Những giọt mồ hôi trên đỉnh đèo mây - ảnh 1Những công nhân đảm trách công việc tuần đường và sửa chữa đường ray trên tuyến đường đèo Hải Vân

Cùng với địa hình khó khăn, thời tiết nơi đây cũng vô cùng khắc nghiệt. Vào mùa mưa, các công nhân làm việc trên cung đường này phải đối mặt với nguy cơ  đất đá sạt lở từ đỉnh núi xuống tới tận đường ray bất cứ lúc nào. Mùa hè thì nắng nóng gay gắt, có khi lên tới trên 40 độ. Mùa đông thì rét cắt da. Điều kiện khó khăn là vậy nhưng không một phút nào thiếu vắng các anh. Công việc phải làm thường xuyên liên tục là kiểm tra, chèn đá vào thanh tà-vẹt, cào đá tạo độ dốc để thoát nước trên đường ray, siết lại đinh ốc hay dọn sạch cảnh quan môi trường hai bên đường ray… 

"Việc cào đá này rất là quan trọng. Nếu để nước đọng ở trong đường ray, khi tàu đi qua sẽ bị lún mặt đường và tàu sẽ bị chao, rung, lắc."

"Anh em đi bộ từ 5h sáng, đến đây là khoảng hơn 6h. Đội của tôi là 13 người. Công việc thì rất nhiều việc đề làm. Sáng 4 tiếng, chiều 4 tiếng. Cần thiết là cấp dưỡng mang đồ ăn lên đây, trưa nghỉ tại chỗ, đến 1h rưỡi lại làm việc. Thời tiết khắc nghiệt, ăn ở thì rất khó khăn, mỗi lần nghỉ trưa rất tội. Nhiều lúc nằm trên bờ, trên bụi, tránh nắng thôi. Trên này, chỉ biết công việc. Ta và chúng ta và chúng ta và công việc."

Trên cung đường Hải Vân luôn có hơn 100 nhân viên đảm trách công việc tuần đường, gác hầm và duy tu sửa chữa đường, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hàng chục chuyến tàu qua lại mỗi ngày. Công việc của tuần đường hay duy tu sửa chữa ở đỉnh Hải Vân  đòi hỏi yêu cầu cao hơn bởi tính chất đặc biệt của cung đường này.

Như chia sẻ của ông Hoàng Anh Dũng – Phó Giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng: "Công việc nặng nhọc và mang tính chất kỹ thuật cao thì những công nhân bậc cao thì mới thực hiện được. Thí dụ như chèn những thanh tà vẹt sắt như thế này. Kiểm tra độ chặt hay không không phải ai cũng làm được. Phải là người có nhiều kinh nghiệm. Thường phải bậc 3 mới có thể chèn tà vẹt cho chặt. Cư ly, phương hướng, thủy bình cao thấp của đường sắt cũng khó khăn vì đường cong biến đổi liên tục. Nên việc giữ được yếu tố kỹ thuật là vô cùng khó khăn. Phải là những anh em công nhân thợ bậc cao."

Với hơn 20 km lên dốc xuống đèo, quanh co với một bên là núi cao, một bên là vực sâu...  cung đoạn Hải Vân  thật sự là thách thức với các lái tàu. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, chuyển từ gác ghi, gác chắn rồi lái goòng vận chuyển vật tư, anh Phạm Trung Kiên cũng không nhớ nổi đã qua bao nhiêu cây số đường dài. Quãng đường đèo quen đến độ, chỉ nghe âm thanh thôi cũng có thể đoán được có vấn đề gì hay không. Nhưng một nguyên tắc với những người chạy tàu là không bao giờ được phép chủ quan, thời gian phải được tính chính xác tới từng giây, bởi nếu không, hậu quả sẽ vô cùng lớn:

"Mỗi một công việc đều có trách nhiệm và sự tập trung. Trước đây tôi có làm gác ghi, rồi chuyển sang gác chắn, mình phải chuẩn xác và chính xác thì nó mới đảm bảo an toàn các chuyến tàu qua lại trên các đường ngang cũng như người tham gia giao thông, các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến giao nhau giữa đường bộ và đường sắt đảm bảo tốt hơn." Anh Phạm Trung Kiên nói,

Công việc sửa chữa hay tuần tra đường sắt vượt đèo gian nan vất vả, nguy cơ rủi ro cao và không phải ai cũng đủ sức khỏe, cũng như bản lĩnh và kiên trì để theo nghề.  Nhưng tình yêu, trách nhiệm cùng những nụ cười của hành khách và những chuyến tàu an toàn đi qua chính là động lực để những cán bộ, công nhân đường sắt gắn bó với những cung đường, những âm thanh quen thuộc của tiếng còi tàu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác