Trả lại màu xanh cho cao nguyên đá Hà Giang

(VOV5) - Tuyên truyền tốt, chính sách tốt, cùng với chương trình cụ thể đã góp phần bảo vệ, phát triển rừng ở tỉnh Hà Giang.

Hà Giang là một trong những tỉnh ở Việt Nam hiện nay có độ che phủ rừng còn khá lớn. Thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao là bước đột phá của tỉnh Hà Giang. Đây là hướng đi đúng trong phát triển lâm nghiệp, góp phần vào công tác xoá đói, giảm nghèo, phục hồi nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, trả lại màu xanh cho Cao nguyên đá Hà Giang.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Quản Bạ là huyện có diện tích rừng và đất rừng lớn trong số 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang, với tổng diện tích rừng trên 26.000 ha, trong đó có hơn 22.000 ha là rừng phòng hộ đầu nguồn. Tại đây, có nhiều hộ gia đình sinh sống lâu đời trong vùng lõi rừng đặc dụng.
Trả lại màu xanh cho cao nguyên đá Hà Giang - ảnh 1Màu xanh mát mắt của những cánh rừng ở huyện Quản Bạ, Hà Giang

Từ khi giao cho cộng đồng thôn bản quản lý rừng đầu nguồn, mọi người dân đều ý thức giữ rừng và có trách nhiệm hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông Đặng Thanh Thắng và ông Chảo Thìn Mìn, hai người dân ở thôn Bình Dương, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, cho biết: "Trong mấy năm nay thôn Bình Dương không xảy ra chặt phá rừng, bà con thực hiện rất là tốt. Rừng phòng hộ là tuyệt đối không được chặt phá, phải bảo vệ rừng chứ!

- Riêng của mình được giao mười mấy héc ta. Giờ cũng chỉ vào rừng lấy cành củi thôi. Phải bảo vệ rừng.

Hiện nay, tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trực tiếp cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng và giao cho địa phương để sửa chữa, nâng cấp hạ tầng thôn bản. Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã khuyến khích, thu hút bà con nhân dân tại huyện Quản Bạ, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Qua đó, từng bước góp phần hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả.

Xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ đã xây dựng thành công nông thôn mới từ năm 2018. Nhiều công trình, cơ sở hạ tầng ở các thôn bản trong xã được xây dựng khang trang từ nguồn ngân sách dịch vụ môi trường rừng.

Trả lại màu xanh cho cao nguyên đá Hà Giang - ảnh 2Con đường bê tông làm từ tiền dịch vụ môi trường rừng ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, Hà Giang. Ảnh: VOV

Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, cho biết: "Tổ tuần tra rừng ở các thôn luân phiên kiểm tra hằng tuần, mỗi thôn có từ 1 đến 2 tổ. Để hỗ trợ cho tuần tra bảo vệ rừng, các thôn cũng trích quỹ cho tổ tuần tra. Thực ra, kinh phí không nhiều, chỉ hỗ trợ anh em đi tuần nhưng mọi người đều nâng cao ý thức."

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Quản Bạ, trong năm ngoái, đơn vị đã tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng tới hơn 12.000 lượt bà con trên địa bàn các xã, thị trấn. Gần 10.000 hộ gia đình tại 105 thôn, bản đã ký cam kết bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, hưởng ứng lễ phát động Tết trồng cây và thực hiện “Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, huyện Quản Bạ hỗ trợ cho các xã, thị trấn 88.000 cây giống lâm nghiệp. Đồng thời, huyện cũng có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho các hộ gia đình chuyển đổi trồng cây kém hiệu quả thu hoạch sang trồng rừng.

Không chỉ riêng huyện Quản Bạ, những năm qua, tỉnh Hà Giang cũng dành nhiều chính sách, chương trình cụ thể nhằm phục hồi và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao nguyên đá, gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Qua đó góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chấm dứt tình trạng đốt rừng làm nương rẫy, rừng được bảo vệ tốt hơn, độ che phủ của rừng không ngừng được tăng lên từ 39,9% năm 2000, đến cuối năm 2022 là 58,5%.

Ông Đào Duy Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi Cục kiểm lâm tỉnh Hà Giang, cho biết: "Người dân Hà Giang, đặc biệt là cao nguyên đá Đồng Văn, chấp hành tốt nhất chủ trương và có ý thức về bảo vệ rừng do trước khi đem lại giá trị cho cộng đồng thì chính người dân ở đó đã được hưởng lợi do bảo vệ rừng. Các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ là những huyện được hưởng tiền dịch vụ môi trường lớn nên đã cải thiện cơ bản đời sống của bà con và hạ tầng các thôn bản. Bà con không phải đóng góp gì nhưng vẫn có đường bê tông, trụ sở thôn khang trang."

Tuyên truyền tốt, chính sách tốt, cùng với chương trình cụ thể đã góp phần bảo vệ, phát triển rừng ở tỉnh Hà Giang. Độ che phủ  của rừng tại đây không ngừng được nâng lên, trong đó có độ che phủ rừng tại 4 huyện cao nguyên đá. Ngoài ra, bên cạnh giải quyết về an sinh xã hội, các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc còn giúp đồng bào ổn định cuộc sống, tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh vùng cao biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác