Vẻ đẹp từ “cánh hoa khuyết” Nguyễn Thị Yến Ly

(VOV5) - Nhiều năm qua, niềm vui của chị Yến Ly đơn giản là mỗi ngày được cùng các chị em khuyết tật phát triển nghề may.

Bị teo cơ bẩm sinh từ nhỏ nhưng chị Nguyễn Thị Yến Ly (ở phường 7, Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau) đã nỗ lực vượt khó, tìm hướng đi riêng để vươn lên trong cuộc sống. Bằng phương châm sống: “khiếm khuyết thể chất không đáng sợ, khiếm khuyết tâm hồn mới giết chết mình”, chị Yến Ly không chỉ thành công mà còn đang giúp những người đồng cảnh ngộ vượt khó.

Vẻ đẹp từ “cánh hoa khuyết” Nguyễn Thị Yến Ly - ảnh 1Chị Nguyện Thị Yến Ly (bên phải) bị teo cơ bẩm sinh từ nhỏ nhưng đã quyết tâm vươn lên. Ảnh: VOV
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Hằng ngày, hình ảnh Nguyễn Thị Yến Ly tập tễnh lên xuống cầu thang, tận tụy chỉ dạy từng đường kéo, mũi chỉ cho các học viên tại Cơ sở may Nguyễn Ly đã trở nên quen thuộc với người dân sống ở Phường 7, Thành phố Cà Mau. Tại cơ sở may Nguyễn Ly luôn có khoảng 10 nhân viên theo học và làm nghề. Có người bị khuyết tật như chị Ly, có những người hoàn cảnh khó khăn đến học nghề để mưu sinh. Chị Nguyễn Thị Thanh (ở xã Hòa Thành, Thành phố Cà Mau), hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mắc bệnh nhiều năm nên không thể đi làm xa. Cả gia đình đang sống nhờ nghề may gia công tại nhà của chị. Biết chị Thanh không đi lấy vải về làm tại nhà được, Cơ sở may Yến Ly cho người mang đến tận nơi. Chị Thanh chia sẻ: Từ lúc vào nghề, chị Yến Ly đã tận tình chỉ dạy, từ đó chị có thêm nghề may và có thu nhập ổn định: “Khi cơ sở may có hàng thì tôi làm. Cái nào mình không biết, mình sẽ hỏi  và chị Ly hướng dẫn, chỉ bảo. Tôi phải cảm ơn chị Ly rất nhiều vì đã tạo việc làm, giúp tôi tăng thu nhập cho gia đình”.

Không chỉ tận tình chỉ dạy các học viên mới vào học để họ tiếp cận nhanh với nghề, chị Yến Ly cũng rất đồng cảm với những người khuyết tật. Chị cho rằng những người khuyết tật luôn phải cố gắng, nỗ lực hơn người bình thường rất nhiều mới có thể thành công: “Giúp được người khác là tôi thấy vui rồi. Những người không có điều kiện họ mới tới đây, họ cần giúp thì tôi rất sẵn lòng. Người ta không đi được thì mình đưa hàng hóa về tới nhà cho họ làm”.

Vẻ đẹp từ “cánh hoa khuyết” Nguyễn Thị Yến Ly - ảnh 2Mặc dù đi lại khó khăn nhưng trong chị luôn nhiệt huyết ngọn lửa dạy nghề. Ảnh: VOV

Ít người biết rằng căn bệnh teo cơ bẩm sinh đã từng suýt làm chị Yến Ly gục ngã. Gia đình có 8 anh chị em, nhưng chỉ duy nhất chị bị khuyết tật. Người phụ nữ có gương mặt ưa nhìn từng nhiều lần thầm trách số phận. Nhưng tình yêu từ người thân đã kéo chị từ người bi lụy thành người lạc quan hơn. Năm 1988, khi chị 15 tuổi, mặc dù điều kiện kinh tế rất khó khăn nhưng gia đình vẫn lo cho chị lên Thành phố Hồ Chí Minh học tập. Tại đây, chị được tiếp xúc với nhiều người khuyết tật và có hoàn cảnh giống mình và dần lấy lại niềm tin trong cuộc sống.

Quá trình học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Yến Ly biết đến nghề may và xác định nghề này phù hợp với điều kiện của mình nên dồn hết tâm huyết để học. Máy may ngày đó phải đạp bằng chân, nhưng chị Ly chỉ có thể dùng một chân nên bắt nhịp rất chậm. Rồi với nỗ lực, quyết tâm, chị nhanh chóng thuần thục, làm chủ đường may. Khi đã thành thạo, chị tự mở tiệm may nhỏ ở Thành phố Hồ Chí Minh để mưu sinh. Khi mẹ già yếu, chị lại chuyển về Thành phố Cà Mau, tiếp tục lập nghiệp bằng nghề may. Sau quá trình làm việc và tích góp, đến năm 2019, chị Yến Ly đã có 1 cơ sở may khang trang, với nhiều máy móc, thiết bị để có thể hỗ trợ đào tạo khoảng 15 học viên cùng lúc. Trong quá trình phát triển cơ sở, chị Yến Ly đã giúp người khuyết tật thành thạo nghề may. Đặc biệt, chị  thường xuyên ủng hộ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Ông Trần Văn Nhân, Trưởng Khóm 4, Phường 7, Thành phố Cà Mau, cho biết: “Đứng ở góc độ địa phương, tôi đánh giá rất cao về nghị lực vươn lên trong cuộc sống của chị Ly. Chị là người khuyết tật nhưng mở được cơ sở này để tạo công ăn việc làm cho nhân viên. Đây là một điển hình rất tốt. Chị cũng rất tích cực tham gia những công tác từ thiện, những dịp vận động hỗ trợ cho bà con có hoàn cảnh khó khăn thì chị tham gia rất tích cực”.

Nhiều năm qua, niềm vui của chị Yến Ly đơn giản là mỗi ngày được cùng các chị em khuyết tật phát triển nghề may. “Cánh hoa khuyết” – Yến Ly không chỉ truyền nghề mà còn là tấm gương truyền lửa cho những người khuyết tật quyết tâm vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác