Khẳng định vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam

(VOV5) Từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6 năm 1986, nông nghiệp đã được xác định là mặt trận kinh tế hàng đầu. Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp và nông thôn, coi đây là một lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.


Nhờ vậy, nông nghiệp và nông thôn Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ. Sản xuất lương thực đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 1985.  Sản xuất thịt tăng gấp năm lần, thủy sản tăng gấp sáu lần, độ che phủ rừng tăng gần gấp ba lần. Nông nghiệp không chỉ đảm bảo đủ cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân trong nước mà còn xuất khẩu số lượng lớn nông, lâm, thủy sản. Đặc biệt, chính sách trao quyền tự chủ kinh doanh được xác định từ Đại hội đảng khóa 10 đã cho phép nông dân tiếp cận với đất đai và các tài nguyên khác như rừng, biển, mặt nước, thêm vào đó chính sách tự do hóa thương mại và đầu tư đã tạo cú hích thực sự cho nền nông nghiệp hàng hóa.


Từ chỗ thiếu đói và khủng hoảng lương thực, Việt Nam đã vươn lên đủ ăn và trở thành nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo. Ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban đối ngoại trung ương Đảng, nhận định: “Về đổi mới đất nước trong 25 năm vừa qua, riêng lĩnh vực nông nghiệp tôi có thể nói rằng, đất nước ta trải qua mọi biến động, càng có sự biến động thì càng thấy rõ vai trò của nông nghiệp. Ngay cả cuộc khủng hoảng gần đây về kinh tế, gần nhất là khủng hoảng năm 2008, cho thấy vị trí của nông nghiệp rất quan trọng trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước. Cụ thể, từ một quốc gia thiếu ăn thiếu mặc đến 1 quốc gia có vị thế rất rõ trên trường quốc tế.


Khẳng định vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam  - ảnh 1

Ảnh:Internet

Theo Viện trưởng Viện chính sách Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Đặng Kim Sơn, nhờ cơ chế thị trường, kinh tế Việt Nam nói chung, kinh tế nông nghiệp nông thôn nói riêng, đã có bước chuyển quan trọng. Sự bình ổn chính trị, xã hội trong bối cảnh thế giới đầy biến động cũng được tạo nên từ tốc độ giảm nghèo trung bình 2%/năm đều đặn liên tục hàng chục năm, trong đó nông nghiệp và phát triển nông thôn đóng vai trò quan trọng. Chính nông nghiệp tạo ra phần lớn việc làm và thu nhập cho bà con nông dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.


Ông Đặng Kim Sơn cho biết: “Chính cơ chế thị trường tạo ra động lực cho người dân. Làm ăn có hiệu quả tạo cho người dân ý thức sẵn sàng đầu tư tất cả công sức, trí tuệ để đem lại hiệu quả cao nhất. Hiếm nơi nào trên thế giới có hiện tượng năng suất lúa của người dân cao hơn viện nghiên cứu của nhà nước, tôm, cá da trơn, cà phê… đạt năng suất cao trên thế giới. Ở những nơi nào người nông dân thấy được lợi ích, hiệu quả, đem lại cuộc sống ổn định cho họ thì họ đầu tư rất nhanh, nắm bắt kỹ thuật, thị trường rất nhanh và hiệu quả”.


Cùng với những chính sách đổi mới mạnh mẽ nền kinh tế, trong lĩnh vực nông nghiệp, Đảng, Nhà nước luôn định hướng đúng đắn trong việc phát triển các vùng kinh tế trọng điểm. Thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích đất rừng sang trồng cây công nghiệp có giá trị cao, các địa phương đã tiến hành khảo sát, quy hoạch, lập hàng trăm dự án để chuyển đổi đất lâm nghiệp, rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp có giá trị cao, góp phần giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hàng triệu lao động, nhất là lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.


Ngày càng ý thức rõ hơn  về tầm quan trọng của kinh tế nông nghiệp, địa bàn nông thôn và yêu cầu phát triển con người nơi đây, năm 2008, Đảng ra nghị quyết 26 về nông nghiệp nông dân nông thôn. Chương trình thí điểm mô hình nông thôn mới đã được triển khai từ năm 2009 tại 11 xã điểm, đại diện các vùng miền trên cả nước, với mục tiêu thử nghiệm các phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách. Đến nay, chương trình thí điểm thành công bước đầu và đạt được kết quả quan trọng. Trên cơ sở của xây dựng nông thôn mới, triển khai nghị quyết 26 mấy năm qua, Việt Nam đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, theo đó phấn đấu đến năm 2015, cả nước sẽ có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.


Từ thành công của mô hình cánh đồng mẫu lớn ở An Giang, nhiều tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng đang áp dụng mạnh mẽ mô hình này, tạo sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hứa hẹn đem lại hiệu quả lớn nhất cho nền kinh tế. Viện trưởng Viện chính sách Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Đặng Kim Sơn, nhấn mạnh: “Vai trò đặc biệt của nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong 25 năm qua là một trong những yếu tố đột phá mà chúng ta nhìn nhận ra. Và yếu tố đó tiếp tục được nhìn nhận trong tương lai, vì theo các dự báo trong trung hạn và dài hạn, trong 50 năm tới, giá nông sản trên thế giới tăng cao do biến đổi khí hậu, quá trình cạn kiệt của nhiên liệu…, do vậy khả năng phát triển của nông nghiệp trong tương lai là một tiềm năng to lớn chưa từng có”.


Phát huy những thành tựu đạt được của hơn 25 năm đổi mới vừa qua, nông nghiệp Việt Nam đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ những chính sách quan trọng, để nông nghiệp thực sự phát triển phù hợp với tiềm năng và tầm vóc lớn hơn. Không chỉ là người lính xung kích trong mặt trận đổi mới, nông nghiệp Việt Nam  đang tiếp tục khẳng định vai trò là người lính chủ công trên mặt trận công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
                                                                                                                                                                                            Ánh Huyền

Phản hồi

nguyễn viết long

bài viết quá tuyệt vời

Các tin/bài khác