Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Hải Phòng cần chú trọng phát triển kinh tế biển

(VOV5) - Làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hải Phòng ngày 22/7, Chủ tịch nước Trương Tấn cho rằng Hải Phòng cần tổ chức tốt hệ thống trường đào tạo nghề để nâng cấp nguồn nhân lực, góp phần cùng cả nước chuyển dần mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, đón đầu các mốc thời gian hội nhập.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:  Hải Phòng cần chú trọng phát triển kinh tế biển - ảnh 1
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN


Về việc xây dựng các công trình trọng điểm, Chủ tịch nước cho rằng Hải Phòng có thể phát hành trái phiếu và tranh thủ tối đa nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt là từ các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn. Hải Phòng cần tiếp tục quan tâm thúc đẩy kinh tế biển tăng trưởng, tạo điều kiện để các địa phương như huyện đảo Bạch Long Vĩ làm tốt chức năng dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm cứu nạn.

Trước đó, Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đã thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Hải quân. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng trong bối cảnh đất nước hiện nay, hoạt động gìn giữ chủ quyền đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề, cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam phải khẳng định vai trò lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Chủ tịch đề nghị Hải quân Việt Nam ra sức xây dựng lực lượng, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, thực sự là chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho các hoạt động kinh tế biển.

Ngày 22/7, trong chương trình công tác tại Hải Phòng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dâng hương tưởng niệm ba vị tiền nhân từng lập nên những chiến công oanh liệt trên sông Bạch Đằng, tại khu tưởng niệm Tràng Kênh, huyện Thủy Nguyên. Đó là: Đền thờ Đức vương Ngô Quyền, đại thắng quân Nam Hán trên cửa sông Bạch Đằng, năm 938, chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc, là vị Tổ trung hưng, khai sinh nền văn minh Đại Việt. Đền thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, đại thắng Bạch Đằng năm 1288, đập tan dã tâm xâm lược nước ta của đế chế Mông - Nguyên, mở ra nền văn hóa Đông A rực rỡ. Đền thờ Hoàng đế Lê Đại Hành, người tái tạo chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 2 năm 981, có công đánh Tống, bình Chiêm, xây dựng Đại Cồ Việt, đứng bên Đại Hán./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác