Luật kinh doanh bất động sản(sửa đổi): góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản

(VOV5) - Nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định  dự án Luật đã có các quy định bảo đảm tính công khai, minh bạch về các thông tin thị trường bất động sản nhằm bảo vệ khách hàng, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước.

Thảo luận tại hội trường chiều nay về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định  dự án Luật đã có các quy định bảo đảm tính công khai, minh bạch về các thông tin thị trường bất động sản nhằm bảo vệ khách hàng, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước.

Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: Tôi đánh giá cao dự thảo luật lần này đạt được 2 mục tiêu, thứ nhất là tháo gỡ vướng mắc để phát triển thị trường bất động sản, thứ hai là một số quy định làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Những điểm rất mới như không bắt người dân có một căn hộ cho thuê để đăng ký lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hay thừa nhận kinh doanh bất động sản là một chuỗi giá trị thì các nhà đầu tư có thể tham gia chuỗi giá trị này thông qua quá trình chuyển nhượng.


Luật kinh doanh bất động sản(sửa đổi): góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản - ảnh 1
Chung cư với các điều kiện tiện nghi đang thu hút nhiều gia đình trẻ lựa chọn. Ảnh: CAO THĂNG

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu dự thảo Luật phải đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với luật nhà ở và các luật khác, khắc phục tình trạng lợi dụng kẽ hở của chính sách pháp luật để chiếm dụng, chiếm đoạt, đầu cơ, tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát các loại bất động sản đưa vào kinh doanh, điều kiện đối với một số bất động sản được đưa vào kinh doanh, cân nhắc việc quy định vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ khi kinh doanh bất động sản.

Trước đó, sáng nay Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi). Nhiều ý kiến thống nhất với quy định của dự thảo Luật về việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ hơn về thời hạn cư trú tại Việt Nam cũng như các điều kiện hạn chế cụ thể khác để tránh đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường nhà ở tại Việt  Nam.

Ngày mai theo chương trình, Quốc hội thảo luận báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; báo cáo về công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác