Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự những phiên họp quan trọng của WEF 2015

(VOV5) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại một số phiên thảo luận quan trọng.

Chiều ngày 23/1 (theo giờ địa phương), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại một số phiên thảo luận quan trọng của Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, trong đó có phiên thảo luận “Chương trình Nghị sự ASEAN”, phiên họp "Triển vọng địa chính trị toàn cầu 2015".

Theo Phó thủ tướng, những năm qua, sự phát triển năng động của các nền kinh tế ASEAN là một trong những nhân tố giúp khu vực châu Á duy trì tăng trưởng kinh tế khả quan. ASEAN đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực. Tuy nhiên, để các nền kinh tế ASEAN gặt hái được những lợi ích của hội nhập khu vực trong một bối cảnh kinh tế toàn cầu mới, ASEAN nên đảm bảo hiệu quả công tác hội nhập trong ASEAN; giúp các thành viên với trình độ phát triển thấp hơn hội nhập để bắt kịp và cùng tham gia với các nền kinh tế tiên tiến khác trong cộng đồng; cải cách mạnh hơn để chuyển hóa cơ hội thành lợi ích hữu hình... Ngoài ra cũng cần tôn trọng nguyên tắc trung lập của ASEAN trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực sâu và rộng hơn.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự những phiên họp quan trọng của WEF 2015 - ảnh 1
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại phiên thảo luận “Tái định hình ASEAN và các tác động đối với tăng trưởng tại Đông Á” trong khuôn khổ WEF Davos 2014. Ảnh VGP/Hải Minh

Nhân dịp này, trả lời phỏng vấn Hãng tin Reuters, chiều 22/1 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong hơn 20 năm qua. Hiện Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và quan hệ đối tác toàn diện với cả 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Một thay đổi ấn tượng nữa là Việt Nam ngày nay thịnh vượng hơn, trong đó đáng chú ý là sự phát triển của tầng lớp trung lưu với trên 30 triệu người trong tổng số 90 triệu dân. Trên cơ sở những thành tựu phát triển của đất nước, Phó Thủ tướng bày tỏ lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa trong thập kỷ tới.

Đề cập đến quan hệ của Việt Nam với các đối tác lớn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa hai bên có quan hệ tốt về mặt chính trị, kinh tế. Tuy nhiên giữa hai nước còn tồn tại vấn đề trên biển. Quan điểm của Việt Nam là giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982. Hiện tại Việt Nam mong muốn duy trì nguyên trạng trên Biển Đông.

Đánh giá về sự kiện Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là bước cuối cùng hướng tới việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước. Trong lĩnh vực kinh tế, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và rất quan trọng của Việt Nam, vì vậy Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ và một số quốc gia khác.

Về triển vọng quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, Phó Thủ tướng cho biết quan hệ hai nước luôn tốt đẹp trong cả quá khứ lẫn hiện tại. Ấn độ là đối tác quan trọng về chính trị, kinh tế và hai bên cũng có quan hệ tốt trong lĩnh vực quốc phòng.



Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác