Tất cả các tài liệu trên thế giới đều công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa

(VOV5) - Hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam” được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 26/7 đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Biển Đông.

Khác với các Hội thảo về Biển Đông trước đây có phạm vi rộng, hội thảo này tập trung đánh giá, phân tích sai trái của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam dưới góc độ pháp lý.

Tất cả các tài liệu trên thế giới đều công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Với 14 tham luận được trình bày tại 3 phiên làm việc, Hội thảo tập trung vào 3 chủ đề chính là: Luật quốc tế và sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981; Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp chính trị ngoại giao trong pháp luật quốc tế; Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý trong luật quốc tế. 

Các đại biểu đều nhận định: việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Không quốc gia nào ủng hộ hành động này bởi Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC). Các nước trong khối Asean cần đoàn kết, thống nhất, đồng thuận để cùng Trung Quốc ký Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm góp phần ngăn ngừa và giải quyết hiệu quả các bất đồng về lãnh thổ, đồng thời vận động các quốc gia ngoài khối ủng hộ tiến trình giải quyết bằng phương pháp hoà bình. 

Bà Jeanne Mirer, Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ thế giới, cho rằng: “Các hiệp định của Liên Hiệp quốc và luật pháp quốc tế có những quy tắc để giải quyết hòa bình những tranh chấp như thế này, yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên phải giải quyết ôn hòa những vấn đề liên quan đến tài nguyên quốc gia. Tôi hy vọng là các nước Asean có sự đồng thuận và sẵng sàng ứng phó cao, điều này sẽ là áp lực đối với Trung Quốc”.

Các ý kiến tại hội thảo cũng nhấn mạnh: Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch và có vị trí địa lý, chính trị đặc biệt quan trọng. Do vậy, duy trì môi trường ổn định, hợp tác phát triển ở Biển Đông là nghĩa vụ của các quốc gia và là yếu tố quan trọng để bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không quốc tế. Mặc dù từ ngày 15/7/2014, giàn khoan Hải Dương - 981 đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nhưng hành động này đã tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ pháp lý quốc tế. Vì thế, để chủ động ứng phó với những tình huống tương tự có thể xảy ra, sau các biện pháp đấu tranh ngoại giao, Việt Nam cần đánh giá đầy đủ các chứng cứ pháp lý và tổng hợp dự luận quốc tế ủng hộ các tuyên bố của mình về chủ quyền hợp pháp của mình trên Biển Đông. 

Ông Pierre Schifferli, Trưởng văn phòng luật sư Schifferli Avocat, Thụy Sĩ, cho rằng: “Tất cả những tài liệu đều chỉ rõ rằng Việt Nam có chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này cũng được lịch sử và luật pháp quốc tế công nhận. Vấn đề là dù Việt Nam có yêu cầu phân định rõ ràng về chủ quyền lãnh thổ quốc gia thì Trung Quốc cũng phủ nhận và từ chối phân định trong trường hợp này. Trung Quốc tuyên bố rằng đã xong việc thăm dò và bắt đầu ở nơi khác nhưng cũng không xa đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, của các bạn. Vì thế, Chính phủ Việt Nam hiểu rất rõ rằng điều này chưa kết thúc và biết chính xác mình phải làm gì”.  

Các kiến nghị của các học giả và đại biểu tham gia hội thảo sẽ được gửi cho các cơ quan hữu quan Việt Nam và các tổ chức quốc tế./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác