Hồ Gươm, trái tim của thủ đô Rồng bay

(VOV5) - Nằm giữa lòng Hà Nội, Hồ Gươm đẹp như một bức tranh. Cùng với các kiến trúc cổ như Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn..., Hồ Gươm không chỉ là điểm đến được yêu thích mà còn là nơi gắn bó, tình yêu và niềm tự hào của người Hà Nội. Với họ, dù sống ở đâu, mỗi khi nhắc đến Hà Nội là lại nhớ về Hồ Gươm với nỗi niềm tha thiết. 

Hồ Gươm, trái tim của thủ đô Rồng bay - ảnh 1

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Trước kia, Hồ Gươm có nhiều tên gọi như Hồ Lục Thủy, hồ Tả Vọng, Hữu Vọng, hồ Thủy Quân. Cái tên Hồ Gươm, còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 (khoảng năm 1428), gắn với truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ trả lại gươm báu cho Rùa thần, sau khi đánh đuổi giặc nhà Minh ra khỏi bờ cõi đất nước, được nhắc đến nhiều nhất, trở nên gần gũi, thân thương trong lòng người Hà Nội. Trải qua nhiều biến đổi của thời gian, Hồ Gươm đã trở thành di sản kiến trúc văn hóa, viên ngọc quý long lanh giữa lòng Hà Nội ngàn năm tuổi. Trước đây, kiến trúc khu vực quanh Hồ Gươm chủ yếu là nhà hai ba tầng, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ, kể cả trụ sở công quyền như Tòa Thị chính thành phố, rất hài hòa với cảnh quan Hồ Gươm với những kiến trúc nhỏ, giản dị như Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc… Ông Bùi Anh Tuấn gần 60 năm sinh sống trên phố Đinh Tiên Hoàng, con phố nằm bên bờ Hồ Gươm, cho biết: “Từ năm 1975 đến nay, Hà Nội thay đổi rất nhiều đặc biệt là quanh khu vực Hồ Gươm. Kiến trúc quanh Hồ Gươm cũng có nhiều thay đổi. Con đường Đinh Tiên Hoàng quanh Hồ Gươm ngày xưa có tàu điện leng keng, hình thức người dân kiếm sống hay những thói quen sinh hoạt quanh hồ ngày xưa đơn giản còn bây giờ thì nhộn nhịp, gấp gáp hơn, cung cách sống cũng thay đổi rất nhiều. Ngày xưa, hệ thống đài truyền thanh quanh Hồ Gươm là phương tiện thông tin đại chúng khá phổ biến, ngày nay cũng không còn nữa”.


Hồ Gươm, trái tim của thủ đô Rồng bay - ảnh 2
Tác phẩm "Trầm mặc" của nhiếp ảnh gia Xuân Chính


 Nằm ở vị trí trung tâm, Hồ Gươm là nơi kết nối giữa khu phố cổ gồm các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ... với khu phố Tây theo phong cách kiến trúc quy hoạch châu Âu mà người Pháp thực hiện cách đây hơn thế kỷ là Bảo Khánh, Nhà Thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng…. Hồ Gươm đẹp, không chỉ ở màu nước trong xanh, mà còn đẹp ở hàng cây xanh ôm trọn lòng hồ. Đó là những hàng lộc vừng cổ thụ trổ bông thơm ngát, những hàng liễu mượt mà, những hàng bằng lăng thay lá đang xanh mướt làm Hồ Gươm thêm sống động. Bên cạnh đó, cầu Thê Húc cong cong, yêu kiều như một dải lụa đỏ dẫn vào đền Ngọc Sơn trong lòng hồ. Các kiến trúc liên quan với Hồ Gươm như Tháp Bút, Tháp Hoà Phong tạo nên sự hài hoà của cảnh hồ. Giữa phố xá ồn ào, Hồ Gươm như một quần thể tách biệt với những khu còn lại, thực yên bình và trong lành thơ mộng. Đó cũng là một trong những lý do thu hút nhiều người dân đến dạo chơi, thư giãn, tập thể dục, hoặc ngồi trên ghế đá hàn huyên và ngắm cảnh hồ... Nét đẹp cổ kính mà nhẹ nhàng, quyến rũ ấy của Hồ Gươm không hề phai nhạt theo thời gian. Anh Đỗ Duy Quang ở phố Hàng Gai, Hà Nội chia sẻ:
 “Tôi sinh ra và lớn lên ở ngay gần Hồ Gươm và tôi đã sống ở đây hơn 30 năm vì vậy tôi có rất nhiều kỷ niệm với Hồ Gươm. Tôi vẫn nhớ hồi nhỏ được ông bà, bố mẹ dắt đi chơi quanh Hồ Gươm, được ăn kem Thủy Tạ, vào Đền Ngọc Sơn, thả diều trên cầu Thê Húc…Hồi tôi còn nhỏ, Hồ Gươm hoang sơ hơn bây giờ, bây giờ mọi thứ khang trang hơn. Tôi gắn bó với Hồ Gươm từ nhỏ nên khi đi đâu xa cũng nhớ về nơi này. Tôi đã đi nhiều nơi và thấy ít có nơi nào có phong cảnh  xanh mát, cổ kính như Hồ Gươm".     


Hồ Gươm, trái tim của thủ đô Rồng bay - ảnh 3
Tháp Hòa Phong bên Hồ Gươm


Vào những ngày lễ lớn như Ngày Quốc khánh hay dịp Tết Nguyên Đán, Hồ Gươm như một nơi đô hội, tập trung rất nhiều khách phương xa về thủ đô để vui chơi, giải trí. Ông Bùi Anh Tuấn cho biết thêm:
 “Hồ Gươm ngày càng trở nên trung tâm văn hóa lớn của thủ đô, ngoài quảng trường Ba Đình, Hồ Gươm là nơi có nhiều sự kịên nhất trong một năm. Vào những dịp lễ lớn, Hồ Gươm được trang hoàng, thay màu áo mới. Những sự kiện diễn ra thu hút được rất nhiều người từ những sự kiện sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, nghệ thuật và tiếp đón các đoàn du khách quốc tế đến thăm Hồ Gươm và Đền Ngọc Sơn. Người dân sống quanh Hồ Gươm rất tự hào vì địa danh này được người dân cả nước và quốc tế biết đến. Tôi là công dân ở đây cũng cố gắng làm hết trách nhiệm của mình để giữ gìn Hồ Gươm và khu vực xung quanh luôn luôn khang trang, đẹp đẽ”.


Hồ Gươm không chỉ đẹp trong lòng người dân thủ đô mà còn hấp dẫn du khách khi đến với Hà Nội. Anh Diego, người Tây Ban Nha, chia sẻ cảm xúc về Hồ Gươm: 
“Tôi rất thích khung cảnh Hồ Gươm, có rất nhiều cây xanh và rất đẹp. Xung quanh Hồ Gươm cũng có nhiều công trình đẹp và thú vị. Khi nào về nước, tôi sẽ giới thiệu Hồ Gươm cho bạn bè của mình.” 


Tuy không phải là hồ lớn nhất ở Hà Nội nhưng Hồ Hoàn Kiếm đã gắn liền với cuộc sống và tâm tư của nhiều người. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, Hồ Gươm vẫn bình dị, thân thương, khiến ai đã một lần đến đây sẽ muốn quay trở lại./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác