Từ Thăng Long tới Hà Nội

(VOV5) - Những dấu tích của kinh thành Thăng Long xưa và tầm vóc phát triển mạnh mẽ  của  thủ đô Hà Nội ngày nay  là niềm tự hào của người dân cả nước.

Kể  từ mùa thu năm Canh Tuất cách đây hơn 10 thế kỷ, khi vua Lý Công Uẩn chọn mảnh đất Thăng Long( Rồng Bay lên) làm kinh đô, dù phải trải qua bao biến cố lớn lao, những năm tháng chìm ngập trong khói lửa các cuộc chiến tranh giữ nước, nhưng Hà Nội vẫn luôn là trái tim của cả nước. Những dấu tích của kinh thành Thăng Long xưa và tầm vóc phát triển mạnh mẽ  của  thủ đô Hà Nội ngày nay  là niềm tự hào của người dân cả nước.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 Vào năm 1010, khi vua Lý Công Uẩn ( Lý Thái Tổ) rời Kinh đô từ Hoa Lư tỉnh Ninh Bình về thành Đại La, nhà vua đã ban chiếu có đoạn nói về vị thế của thành Đại La khi ấy: “Thành Đại La ở vào chính giữa trời đất, có cái thế Rồng cuộn, Hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện thế nhìn sông, tựa núi. Đất ấy rộng, lại bằng phẳng, cao ráo mà sáng sửa, dân cư không phải cái nạn tối tăm, ẩm thấp, muôn vật cực kỳ giàu thịnh đông vui, xem khắp nước Việt, đó là đất danh thắng, thật là đô hội trọng yếu để bốn phương sum họp và là đô thành bậc nhất đáng mặt làm kinh sư cho muôn đời”. Truyền thuyết lịch sử còn kể rằng vào mùa thu năm ấy, khi nhà vua rời đô lên thành Đại La thấy có áng mây hình con Rồng bay lên, nên đã đặt tên cho Kinh đô mới là Thăng Long ( nghĩa là Rồng bay lên). Sự lựa chọn kinh đô của nhà vua đã được các thế hệ ca ngợi. Đó là mảnh đất ở giao một điểm của nhiều sông ngòi để lên rừng, xuống biển, ra Bắc vào Nam đều dễ dàng, trở thành đầu mối giao thông thuận tiện, có lợi cho phát triển. Nằm giữa đồng bằng sông Hồng trù phú, nơi đây đã sớm trở thành một Trung tâm chính trị và tôn giáo ngay từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam. Đó cũng là vùng đất hội tụ nhân tài bốn phương, kết thành tinh hoa, làm thành nơi đô hội phồn thịnh.

 Qua hơn 10 thế kỷ, Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay trở thành Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước. Vào năm 2010, đúng dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều di tích lịch sử quan trọng trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long được phát lộ đã chứng minh Thăng Long- Hà Nội là Trung tâm của nhiều triều đại Phong kiến. Tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di tích Hoàng Thàng Thăng Long, cho biết: Thăng Long đã trải qua lịch sử phát triển gần 1.300 năm từ thời Cao Biền, cho tới thời Lý, Trần, Lê, Mạc rồi một phần của thời Nguyễn, trải qua những năm Thực dân Pháp đô hộ Việt nam. Như vậy lịch sử phát triển của kinh thành Thăng Long là liên tục trên 1000 năm, trong đó gần 1000 năm là kinh đô của nước Đại Việt và ngày nay là thủ đô của nước Cộng hoa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”

Từ Thăng Long tới Hà Nội - ảnh 1
Thủ đô Hà Nội

 Trong suốt thời kỳ của các triều đại Phong kiến từ các triều đại:  Lý, Trần, Lê, Mạc, Kinh thành Thăng Long là nơi buôn bán, trung tâm văn hóa, giáo dục của cả miền Bắc. Khi nhà Tây Sơn rồi nhà Nguyễn lên nắm quyền trị vì, Kinh đô được chuyển về Huế và Thăng Long chỉ bắt đầu mang tên Hà Nội từ năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng. Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương và được người Pháp xây dựng, quy hoạch lại. Hà Nội được hoàn toàn giải phóng khỏi ách thống trị của Thực dân Pháp năm 1954 và trở thành thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và nay là thủ đô của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngày nay trong sự nghiệp đổi mới, Hà Nội đang thay đổi từng ngày, hướng tới một đô thị hiện đại, văn minh và hạnh phúc. Một sự kiện có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của thủ đô, đó là từ ngày 1 tháng 8 năm 2010, nghị quyết của Quốc Hội  về điều chỉnh địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội chính thức có hiệu lực, Hà Nội đã được mở rộng thêm các vùng đất mới gồm một phần đất của tỉnh Vĩnh Phúc ( huyện Mê Linh), toàn bộ tỉnh Hà Tây và một phần đất của tỉnh Hoà Bình. Hà Nội hiện nay có diện tích hơn 3.300 km², rộng gấp 3,6 lần so với trước. Việc điều chỉnh và mở rộng thủ đô lần này có tầm vóc và  ý nghĩa lớn lao, bảo đảm cho Hà Nội có không gian phát triển trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Phát biểu với lãnh đạo thành phố Hà Nội trong dịp công bố bản quy hoạch mở rộng thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ:  “Thủ đô với hơn 3 nghìn km là là thủ đô loại lớn trên thế giới  và ý đồ của quy hoạch mở rộng Thủ đô để có thêm quỹ đất phát triển. Trong quy hoạch, lĩnh vực kinh tế, văn hoá cũng phải thực hiện cụ thể, tính đến  yếu tố phát triển. Quy hoạch mở rộng thủ đô là bước tiến dài. Hà Nội mở rộng là thủ đô của một đất nước trong tương lai có 120 triệu dân, thủ đô cho một đất nước văn minh hiện đại, công nghiệp hoá, hiện đại hoá ”

Với việc thực hiện quy hoạch thủ đô, ước mơ về` thành phố thơ mộng soi bóng xuống sông Hồng đang và sẽ trở thành hiện thực. Thủ đô Hà Nội vẫn giữ được thế đất Rồng cuộn, Hồ ngồi, tiện hướng nhìn sông, dựa núi, tiếp nối được những giá trị khoa học  và nghệ thuật, lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Việt Nam và luôn gắn với môi trường sống của con người và cảnh quan thiên nhiên./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác