Hội nhập là cơ hội để chúng ta trưởng thành

(VOV5)- Tính từ năm 1986 đến nay, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã trải qua 4 thang bậc. Nguyên Phó Thủ tướng (PTT) Vũ Khoan có nhiều trải nghiệm, suy ngẫm về quá trình này.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Hội nhập là cơ hội để chúng ta trưởng thành - ảnh 1
Ông Vũ Khoan - Ảnh: Nguyễn Khánh/ Báo Tuổi trẻ

Phóng viên: Thưa ông, là người tham gia ngay từ đầu và có nhiều đóng góp trong công cuộc hội nhập của Việt Nam, xin ông cho biết những khó khăn ban đầu khi Việt Nam tiến hành công cuộc hội nhập là gì?


Nguyên PTT Vũ Khoan:
Đối với quan điểm của riêng tôi, cái khó nhất là hiểu biết. Làm gì thì cũng phải hiểu biết, biết hội nhập là cái gì chứ, luật chơi ra làm sao chứ, làm ăn ra thế nào chứ? Thì hiểu biết của chúng ta về lĩnh vực này quá là èo ọt, quá sơ lược. Cái này cũng không nên trách chúng tôi vì chúng tôi cũng là thế hệ bị bao vây cô lập, thành ra có được học hành gì đâu, đi học thì toàn học các nước xã hội chủ nghĩa thôi, ở đó họ có dạy những môn này đâu. Đâm ra mình cũng chẳng biết luật chơi là thế nào, chẳng biết thế giới là thế nào, chẳng biết những đối tác là ai, ra làm sao... Thành ra khó nhất cần vượt qua là hiểu biết. Nhưng mà cái hiểu biết ấy trong điều kiện bình thường có thể học trường nọ trường kia để lấp đầy. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử thì thế hệ chúng tôi có được học đâu, thành ra phải học qua thực tiễn thôi, thành ra cứ phải lần đá qua sông, từ từ rồi làm đến đâu biết đến đấy. Tôi kể lại những câu chuyện nghe thì rất buồn cười là khi ta gia nhập ASEAN năm 1995, người ta yêu cầu phải ký hai văn bản. Một văn bản về chính trị là Hiệp ước hợp tác chính trị. Một văn bản về kinh tế là Hiệp định chung về quan thuế. Văn bản về chính trị thì chúng tôi làm ngoại giao thì chúng tôi hiểu ngay. Còn văn bản kinh tế thì chúng tôi chẳng biết, tại sao lại thế, tại sao lại quy định những cái rắc rối thế. Đâm ra là khi vào ASEAN năm 1995, chúng ta chưa ký được Hiệp định kinh tế ngay đâu, nhưng do nhu cầu chính trị của cả hai bên mà chúng ta cũng vượt qua được thủ tục đó, chúng ta bảo cứ vào đi rồi học tập dần rồi tính sau. Quả nhiên là mình vào mình cũng vượt qua được. Tôi nói một ví dụ như thế để thấy rằng cái quan trọng là hiểu biết. Nó đòi hỏi là tại sao chưa hiểu biết mà đã nhảy vào.Thì tôi lại hỏi lại rằng thế thì không nhảy vào thì làm sao hiểu biết. Tôi cứ nói đùa với anh em là cứ nhảy xuống ao thì biết bơi chứ ngồi trên bờ thì đến đời nào biết. Thế thì hoàn cảnh lịch sử nó đặt ta vào cái thế như vậy.

Phóng viên: Những khó khăn ban đầu rất lớn và như ông đã nói là chúng ta cần phải nhảy xuống ao để bơi rồi mới lớn lên được. Thưa ông, đâu là tâm thế của Việt Nam trong suốt quá trình hội nhập?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Tâm thế lúc đầu quyết tâm chính trị, lợi ích chính trị là chính. Nên lợi ích kinh tế lồng với lợi ích chính trị. Chứ còn chưa phải dựa trên cơ sở hiểu biết hoặc có nội lực. Bây giờ khác. Nhiều thế hệ đã vật lộn trong cái thương trường hội nhập ấy. Ngay cả các anh em đàm phán cũng vậy. Lúc đàm phán ban đầu thì thế hệ chúng tôi là thế hệ lớn lên trong bao vây cấm vận, không được đào tạo trong lĩnh vực này, đi đàm phán còn nhiều lúng túng, phải lắng nghe chuyên gia, rồi nghe các bạn Việt kiều có hiểu biết về phương Tây, hiểu biết về đàm phán tư vấn. Vật lộn trong các cuộc đàm phán rồi cũng trưởng thành dần lên nhưng thế hệ nối tiếp sau thì được đào tạo cơ bản ở các nước công nghiệp phát triển nên họ có kiến thức tốt hơn chúng tôi, cùng với đàm phán họ trưởng thành hơn về kỹ năng đàm phán. Thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia vật lộn trong trường học hội nhập thì trưởng thành lên. Tâm thế bây giờ khác nhiều.

Phóng viên: Cái khác đấy theo ông là gì?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Lão luyện hơn về kiến thức, kỹ năng, thị trường. Hai tâm thế khác nhau. Tâm thế ban đầu là tâm thế của người học việc “lần đá qua sông” để học việc. Còn tâm thế bây giờ là hiểu biết, có bài bản kiến thức và kỹ năng cần thiết. Rồi các doanh nghiệp Việt Nam cũng khác trước nhiều. Hồi chúng tôi đi lớ ngớ, chập chững chỉ vài doanh nghiệp. Ví dụ Vinafood thì bán có ít gạo vậy thôi. Bây giờ doanh nghiệp thành thạo rất nhiều, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã vươn ra thế giới trở thành những thương hiệu trên thị trường thế giới. Tất nhiên là ít thôi những đã có. Hai tâm thế khác nhau, trước là tương đối bị động, bây giờ là chủ động. Nhưng dù trình độ thay đổi, năng lực thay đổi song cốt lõi vấn đề của tất cả các thế hệ trong 30 năm qua đó là làm sao cho dân giàu nước mạnh. Làm gì cũng vì lợi ích tốt nhất có thể cho dân tộc. Đó là cái xuyên suốt, thế hệ chúng tôi hay bây giờ cũng vậy. Đàm phán cam go cứng rắn đến mấy cũng vì lợi ích đất nước, cụ thể là lợi ích phát triển.

Phóng viên: Thưa ông, trong từng ấy năm, đã có bao nhiêu thế hệ người Việt Nam tham gia vào quá trình đưa Việt Nam hội nhập quốc tế. Theo ông, thành quả hội nhập của Việt Nam đã thể hiện ở những mặt nào?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Có những thành quả có thể cân đong đo đếm được nhưng cũng có những thành quả vô hình nhưng vô cùng quan trọng. Cân đong đo đếm được thì rất dễ thấy. Xuất khẩu tăng bao nhiêu, đầu tư nước ngoài như thế nào, ODA, kiều hối được bao nhiêu. Tất cả những cái đó là đo đếm được. Nhưng cái vô hình mới là quan trọng. Đó là cái gì? Tôi cho là cái đầu tiên là vấn đề đồng thuận của xã hội về hội nhập. Lúc đầu ý kiến còn khác nhau, hiểu biết còn lơ mơ lắm nhưng bây giờ tôi chả thấy ai nói là Việt Nam đừng hội nhập. Chứ thời ấy rất nhiều ý kiến bảo là không, bây giờ chả ai nói như vậy. Điều đó quan trọng lắm chứ. Thứ hai là hiểu biết thế giới. Ngày xưa số người hiểu biết thế giới nhất là thế giới tư bản ít lắm, ngay chúng tôi làm ngoại giao cũng biết rất ít, là do điều kiện khách quan. Còn nay thì cả nước trở thành công dân toàn cầu rồi, tất nhiên ở những mức độ khác nhau nhưng không còn quá bỡ ngỡ nữa. Cái đó cũng quan trọng chứ, đi ra chợ mà không hiểu biết về cách buôn bán ở chợ thì làm sao mua bán được hàng. Đến bây giờ tất cả mọi người, dù chưa được đúng như mong muốn, nhưng đã khác trước lắm rồi. Hiểu biết thế giới, đó là sức mạnh mềm thứ 2. Kết quả không cân đong đo đếm được thứ ba đó là vị thế Việt Nam. Ngày xưa người ta chỉ biết đến một nước Việt Nam chiến đấu thôi, còn bây giờ nhiều nước đã coi Việt Nam là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Hiện tại, vì sao một số nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia có những quyết sách về đầu tư mạnh mẽ vì họ nói thẳng ra là Việt Nam bây giờ sắp có TPP, thì họ phải vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. Tức là họ đã nể mình rồi chứ ngày xưa về kinh tế họ coi mình là gì đâu. Ngày xưa thế giới chỉ coi Việt Nam là một anh rất kiên cường chiến đấu thôi. Chứ bây giờ về kinh tế chúng ta không vỗ ngực, nhưng rõ ràng người ta cũng coi mình là một đối tượng để cạnh tranh. Ngược lại mình cũng phải nhìn họ để mà cạnh tranh. Và do mình đứng chân ở rất nhiều chỗ nên thế chân vạc của mình cũng vững rất nhiều, cả về kinh tế lẫn chính trị. Đấy, tôi cho là có 3 cái không cân đong đo đếm được nhưng nó là quyết định. Không có đồng thuận thì làm sao làm được, không hiểu biết thì làm được cái gì và không được người ta nể trọng thì làm được cái gì. Cái đó là những cái đã được.

Phóng viên: Không có hội nhập thì không có thành quả. Với chặng đường đất nước đi qua, rõ ràng là mình phải hội nhập, vì chỉ có hội nhập mới phát triển kinh tế? Ông nghĩ gì về điều này, thưa ông?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Đúng vậy. Làm sao mà ra ốc đảo sống được. Không phải ngẫu nhiên mà các nước lớn người ta cứ hay áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế vì người ta hiểu rất rõ ý nghĩa của hội nhập quốc tế. Anh không hội nhập nghĩa là chết, không có ôxy mà thở. Nhưng tôi luôn nhấn mạnh hội nhập chỉ là công cụ, phương tiện thôi chứ không phải quyết định hết mọi thứ. Không có nó thì không có không khí thở, sẽ yếu sức. Nhưng mở toang cửa ra thì lại gió máy, bão bùng thì lại phải có đủ sức để ứng phó với cái đó. Nên phải lựa chọn. Cái gì cũng có hai mặt của nó nhưng so sánh hai mặt đó thì tôi thấy hội nhập vẫn có cơ hội nhiều hơn chứ đóng cửa thì chỉ có thách thức.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác