Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản

(VOV5) - Kể từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nông sản của Việt nam đạt hơn 17 tỷ 400 triệu USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản - ảnh 1



Dự báo thời gian tới, khi các Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP),Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu ( EU) được hoàn tất vào cuối năm nay, xuất khẩu nông sản Việt nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, giảm bớt phụ thuộc vào một vài thị trường nhất định, đảm bảo cho xuất khẩu ổn định và bền vững.

 Nghe chi tiết tại đây:


 Xuất khẩu cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ tiếp tục là ngành hàng có sự gia tăng cả về sản lượng cũng như giá trị. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản khác như rau, củ, trái cây của Việt nam đã xâm nhập vào các thị trường khó tính như: Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…Riêng bưởi da xanh,  thanh long đã có mặt tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với sản lượng xuất khẩu thanh long tươi năm 2013 đã đạt 326 nghìn tấn và giá trị xuất khẩu hơn 200 triệu đô la. Trong 7 tháng qua, xuất khẩu thanh long tiếp tục tăng  16 % so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Ban chỉ đạo phát triển thị trường xuất khẩu rau, hoa, quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: để đón bắt cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận, duy trì và phát triển những thị trường truyền thống qua việc nâng cao chất lượng và giá trị các mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế. Mặt khác, phải tăng cường đầu tư cho công nghệ chế biến sau thu hoạch đối với các mặt hàng nông sản:  Doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư cho công nghệ chế biến các mặt hàng nông sản trong nước. Đơn cử là chúng ta có thể xây dựng các nhà máy sản xuất xăng sinh học Ethanol sử dụng nguyên liệu từ sắn lát trong nước, hoặc sử dụng các dăm gỗ trong lĩnh vực lâm nghiệp để chế biến các sản phẩm đồ gỗ thay cho việc nhập khẩu các mặt hàng này.

     

Nhờ đẩy mạnh áp dụng công nghệ chế biến và tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thời gian qua nhiều mặt hàng nông sản của Việt nam đã thành công trong việc tìm kiếm thị trường mới, việc áp dụng công nghệ mới cũng đã mở ra hướng xuất khẩu cho loại quả của Việt nam. Trong khi đó, các thị trường mới nổi khác ở khu vực Trung Đông, Châu Phi cũng đang có nhu cầu nhập khẩu rất lớn, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: Các doanh nghiệp Việt nam cần chủ động hơn nữa trong việc khai thác các thị trường mới để tránh rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn phân tích: Muốn đảm bảo được thị trường thì trước hết phải nắm vững được kết cấu của thị trường. Tức là phải hiểu rõ sức mua của thị trường, kênh tiêu thụ của thị trường: chuỗi giá trị nào sẽ là người tiêu thụ sản phẩm của mình .

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hà Công Tuấn cho biết: Hiện nay Bộ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát các thị trường và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, với các Hiệp hội, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất bằng việc rà soát và thông tin kịp thời về tình hình thị trường  để có sự điều chỉnh phù hợp với quy mô sản xuất: Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung công tác quản lý Nhà nước, tiếp tục giải tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thích ứng với những biến đổi của thị trường, để duy trì thị trường và tốc độ tăng trưởng GDP 3%  của ngành trong năm nay

 

Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng gần 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Để mở rộng thị trường, tới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm cùng với việc sắp xếp lại các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu nhằm tăng cường tính cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam. Để thực hiện nhiệm vụ này, việc tái cơ cấu ngành được coi là khâu đột phá nhằm duy trì mức tăng trưởng. Mặt khác, Bộ cũng chú trọng nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý vật tư nông nghiệp nhằm xây dựng thương hiệu và khẳng định được chỗ đứng trên thị trường quốc tế./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác