Xuất khẩu gạo cao cấp, hướng đi mới cho ngành lúa gạo Việt

(VOV5) -  Mặc dù Việt Nam có sản lượng xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới nhưng về giá trị thì gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình thấp. Để gạo Việt Nam có thể thâm nhập các thị trường lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang hướng tới gạo chất lượng cao.

Xuất khẩu gạo cao cấp, hướng đi mới cho ngành lúa gạo Việt - ảnh 1
Xuất khẩu gạo cao cấp không chỉ mang về lợi nhuận cao hơn mà còn dễ dàng xây dựng thương hiệu. Ảnh minh họa: KT



Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Những năm gần đây, xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo dược liệu giá trị dinh dưỡng cao, đã góp phần gia tăng sản lượng gạo chất lượng cao trong cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam. Hiện gạo chất lượng cao chiếm 27% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu gạo chất lượng cao được xem là hướng đi quan trọng, từng bước khẳng định thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường, đồng thời góp phần thay đổi phương thức sản xuất gạo cấp thấp tồn tại nhiều năm qua của người dân. 

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều nhận định là dòng sản phẩm gạo cao cấp mang lại mức giá hấp dẫn hơn nhiều so với hàng phổ thông và cấp thấp. Cụ thể, với dòng gạo cao cấp, mức giá là khoảng 700 USD/tấn trong khi loại gạo trắng thông thường chỉ bán được với mức giá 370-380 USD/tấn. Do vậy, Tập đoàn Lộc Trời đang chuyển mạnh sang xuất khẩu loại gạo chất lượng cao. Ông Phạm Thanh Thọ, Phó Giám đốc ngành lương thực Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: “Mô hình sản xuất lúa gạo của Tập đoàn theo hình thức hợp tác với nông dân để mà làm theo chuỗi giá trị. Chúng tôi đầu tư cho nông dân từ vật tư nông nghiệp đầu vào và cùng với nông dân tổ chức canh tác lúa và ký kết hợp đồng, đến lúc thu hoạch sẽ thu mua theo giá cả thị trường. Tập đoàn hướng đến những thị trường cao cấp như Mỹ, Hồng Kông, Singapore và một số nước EU”.

Theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, nhu cầu về loại gạo chất lượng cao của thị trường thế giới ngày càng tăng, nhưng khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Một trong những khó khăn trực tiếp đó là phải cạnh tranh với Thái Lan, nơi có thương hiệu gạo thơm nổi tiếng cả về chất lượng và thương hiệu. Cùng với đó là dòng gạo lúa mùa nổi tiếng của Campuchia. Tuy nhiên, nếu bám sát vào nhu cầu thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo chất lượng cao, thì trong tương lai, ngành lúa gạo Việt Nam không chỉ mang về lợi nhuận cao hơn mà còn dễ dàng xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ. Đặc biệt, cần thay đổi tư duy xuất khẩu và tăng cường tìm kiếm các thị trường không lớn nhưng mang lại giá trị cao.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, trong bối cảnh thị trường lúa gạo của Việt Nam hiện nay, việc xây dựng và sản xuất thương hiệu gạo cao cấp là yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, công việc này không thể tiến hành trong ngày một, ngày hai và phải tuân thủ một quy trình khép kín từ cơ cấu giống đến thủy lợi, quy trình canh tác: “Để sản xuất gạo với chất lượng mới thì sẽ cần có thời gian nhất định. Chủ trương của ngành nông nghiệp cũng rất muốn tái cơ cấu ngành lúa gạo đi theo hướng chuyển từ thị trường cấp thấp sang dần các thị trường cấp cao. Bởi vì các đối thủ cạnh tranh của chúng ta hiện nay họ đã đuổi rất sát rồi”.

Ông Lê Văn Bành, Cục trưởng Cục chế biến nông-lâm-thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì cần phải xây dựng được các thương hiệu gạo chất lượng cao một cách bền vững:   “Hiện nay về giống lúa thì Việt Nam không thiếu, nhưng quan trọng nhất là phải có thương hiệu, có số lượng lớn, đồng đều, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo trong tiêu chuẩn cho phép. Muốn làm tốt việc sản xuất lúa gạo chất lượng cao thì doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu. Trong quá trình làm nguyên liệu thì phải có giống thuần chủng, đồng bộ thì chiến lược xây dựng thương hiệu gạo mới thành công được”.

Đề án Phát triển thương hiệu gạo quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Việt Nam đặt ra mục tiêu là đến năm 2030, gạo thơm và gạo đặc sản sẽ chiếm khoảng 30% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng để đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ, Nhật Bản, Australia thì các doanh nghiệp và người nông dân cần phải  đầu tư nhiều cho phát triển giống lúa, đảm bảo chất lượng gạo, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Đây cũng là những giải pháp cần thiết trong quá trình tổ chức lại sản xuất lúa gạo, từng bước nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt Nam.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác