Tiếng gọi từ đất Việt

(VOV5) - Đối với những thành viên trong đoàn, trại hè Việt Nam 2014 thật sự là một chương trình ý nghĩa, để lại trong lòng các bạn trẻ kiều bào những ấn tượng khó quên.

Tiếng gọi từ đất Việt - ảnh 1


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Gần 170 học sinh, sinh viên kiều bào có thành tích trong học tập và có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã được trải qua 20 ngày vui tươi và bổ ích trên quê hương. Với chủ đề xuyên suốt “Biển đảo quê hương tôi”, trại hè Việt Nam 2014 đã đưa các thanh thiếu niên kiều bào qua nhiều tỉnh, thành ven biển của đất nước. Lúc mới trở về, có một số người trong đoàn không biết tiếng Việt hoặc nói tiếng Việt chưa tốt thậm chí mặc cảm khi diễn đạt bằng tiếng Việt. Nhưng chỉ sau khoảng nửa chặng đường, với môi trường giao tiếp bằng một ngôn ngữ chung, cộng với sự trợ giúp đắc lực của các thành viên trong đoàn và ban tổ chức, ngôn ngữ tiếng Việt của các bạn này đã dần tốt lên.

Và học những bài hát Việt cũng là một cách để vốn tiếng Việt ngày càng phong phú hơn. Đào Thành Đạt, ở Slovakia, kể trên hành trình trại hè, cứ lên xe ô tô, Đạt lại được nghe và hát theo đến thuộc lòng những bài hát thấm đẫm hồn quê hay những giai điệu hào hùng ngợi ca đất nước. Cũng giống như Đạt, Phan Phương Trang, ở Ucraina rất thích những bài ca đi cùng năm tháng của dân tộc Việt Nam. Ca từ hào sảng trong những câu hát ấy đã gây xúc động mạnh trong cô sinh viên trường Đại học Y, Odessa này: “Em ở trong đội ca. Em thích bài Tổ quốc gọi tên mình. Em tâm đắc hai câu là: Ngọn đuốc hòa bình bao người đã ngã. Máu của người nhuộm mặn sóng Biển Đông. Những người chiến sĩ đã trả cái giá rất đắt để chúng ta có một cuộc sống như ngày hôm nay. Chúng em cần phải sống thật tốt và làm thật nhiều điều không chỉ bằng lời nói mà dùng những hành động mang những thông điệp hòa bình tới toàn thế giới”.

Tiếng gọi từ đất Việt - ảnh 2


Tới thăm bảo tàng Đà Nẵng và nghe đại diện lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư kể về việc thực thi pháp luật trên biển, các trại sinh đã được nhìn tận mắt những tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và hiểu về những người lính sẵn sàng xả thân bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Đoàn thanh niên kiều bào từ Cộng hòa Séc đã viết vào sổ cảm tưởng tại nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (huyện đảo Lý Sơn) như thế này: “Xin cảm ơn những người lính biển đã giữ gìn bờ cõi và lãnh thổ Việt Nam để hôm nay chúng em có dịp đến thăm đảo và có nhiều kỷ niệm đẹp và quý báu”. Còn Phạm Thị Hồng Thắm, sinh viên người Việt tại Liên bang Nga thì tâm sự: “Lúc đi thăm bảo tàng, có các bản đồ, chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Các anh, chị giải thích trên bản đồ viết những cái gì, em cũng hiểu. Em thấy tất cả mọi người đều yêu nước. Vào thăm ngư dân, người ta kể chuyện đánh bắt trên biển. Em thấy họ khổ, vất vả, bị tàu Trung Quốc xua đuổi và còn bị đánh nữa thì thấy rất khổ thân”.

Với Hồng Thắm, trại hè thật sự là một chương trình bổ ích, lý thú và thu được nhiều hiệu quả hơn cả mong đợi: “Em đến thăm nhà Bác. Nghe chị hướng dẫn viên kể về cuộc đời của bố mẹ Bác Hồ và cuộc đời của Bác Hồ và các anh chị em. Em rất cảm động. Em khóc luôn. Vì thấy, rõ ràng Bác là một vị lãnh tụ mà sống rất đơn sơ. Các hành động của Bác cho thấy rất thương dân. Em thấy rất kính phục”.

Nguyễn Thị Hồng Nhung, sinh viên Đại học Kinh tế ở Ba Lan kể ở Ba Lan một năm cũng tổ chức một, hai lần cho các sinh viên Việt ở các nơi trên khắp Ba Lan được gặp gỡ, giao lưu với nhau. Tuy nhiên, trại hè Việt Nam dành cho các thanh thiếu niên kiều bào này có một ý nghĩa đặc biệt: “Ở Ba Lan chỉ tới một nơi để giao lưu. Còn ở đây được đi tham quan đất nước, học về lịch sử, hiểu biết nhiều hơn, lại được quen biết, gần gũi người dân. Ở đây em cảm thấy vui hơn”.

Trong chuyến hành trình này, Lê Vũ, du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc đã gửi lời yêu thương tới ông, bà đang sống ở Việt Nam như thế này: “Ông, bà đã khá lớn tuổi rồi. Ông, bà đang sống ở Hà Nội. Nhân chuyến đi này, cháu rất vui có cơ hội được chúc ông, bà mạnh khỏe. Chuyến đi này rất bổ ích đối với cháu. Cháu được hiểu biết nhiều hơn về đất nước Việt Nam”.

TS Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết “Biển đảo quê hương tôi” là một chủ đề mà ban tổ chức muốn gắn tuổi trẻ thanh niên, sinh viên kiều bào khắp nơi trên thế giới về tình yêu tổ quốc, về nghĩa vụ thiêng liêng đối với sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của đất nước: “Với trại hè năm nay các em đã tích lũy thêm cho mình rất nhiều kiến thức về đất nước, quê hương. Nhiều em đã xúc động mong muốn được trở về quê hương đất nước để đóng góp trí thức, trí tuệ, đóng góp sức mình cùng với nhân dân cả nước, tuổi trẻ cả nước xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh”.

Những chiếc khăn choàng xanh màu biển có chữ ký của tất cả các thành viên trong đoàn thanh thiếu niên kiều bào đã được trao tặng cho đại diện cán bộ cảnh sát biển và kiểm ngư như một lời nhắn gửi các anh, các chú hãy luôn kiên cường bám biển, bám đảo để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trại hè Việt Nam 2014 kết thúc nhưng đọng lại trong tuổi trẻ kiều bào là tình yêu Tổ quốc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nghĩa vụ đối với sự nghiệp bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của đất nước và tinh thần đoàn kết của một dân tộc anh hùng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác