Đồng bằng sông Cửu Long phát triển đàn vịt biển để thích ứng với biến đổi khí hậu

(VOV5)- Vịt biển là giống vật nuôi mới, có khả năng chịu đựng được độ mặn cao, có thể nuôi trong môi trường nước biển. Chính vì thế, gần đây Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chọn vịt biển là một trong những giống vật nuôi phục vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL,  nơi vừa bị tác động nghiêm trọng bởi hạn, mặn.

Đồng bằng sông Cửu Long phát triển đàn vịt biển để thích ứng với biến đổi khí hậu  - ảnh 1

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Năm 2014-2015, vịt biển đã được chuyển ra nuôi thử nghiệm trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa với tổng số 300 con. Đàn vịt nuôi thử nghiệm này đang sinh trưởng, phát triển tốt và sản xuất trứng bình thường. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thời gian gần đây, giống vịt biển được nuôi thử nghiệm cũng mang lại hiệu quả bước đầu, thích nghi vùng hạn, mặn tại các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu. Ở Cà Mau, tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng nước biển xâm nhập mặn cũng  đã nuôi thử nghiệm thành công 2.800 con vịt biển và đang có xu hướng nhân rộng đàn. Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết đến nay, đàn vịt này phát triển tốt trên vùng nước lợ và cho thu nhập khá, ổn định cho người nuôi: “Cà Mau bây giờ mới làm mô hình. Dự kiến phát triển lên 6 ngàn con. Nếu xác định đây là con vật nuôi thích nghi thì nên có khuyến cáo mạnh, chuẩn bị đủ lượng giống để cung cấp cho các địa phương nhân rộng đại trà.”


Ông Nguyễn Hữu Tỉnh, Phó Giám đốc Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ, Viện Chăn nuôi Quốc gia, cho biết: Vịt biển là loại thuỷ cầm có giá trị kinh tế cao, có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên giàu dưỡng chất; đồng thời chịu dịch bệnh tốt, thích nghi ở môi trường nước ngọt, mặn và lợ: “Vịt biển có khối lượng trứng lớn. Chất lượng thịt ngon. Vịt lớn nhanh, rất dễ bán. Có thể nuôi luôn trong nước biển như ngoài Trường Sa, nuôi ở các đảo đá, nơi có 100% nước biển. Ở đây có một điều nữa là không những nuôi ở nước mặn, ở môi trường nước ngọt, trên cạn vịt biển vẫn phát triển tốt trong điều kiện nước ngọt theo nhiều phương thức nuôi như nuôi nhốt trên cạn, nuôi trong các khu vườn cây trái, cây rừng ngập mặn v.v..


Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho rằng: Các tỉnh ven biển nên có sự chuẩn bị tốt trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm thích ứng với các điều kiện thời tiết bất lợi của quá trình biến đổi khí hậu. Cùng với một số giống vật nuôi khác thì vịt biển là vật nuôi có thể nhân rộng tại đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở các địa phương vùng duyên hải ven biển; những nơi chịu tác động vì nước mặn xâm nhập  bằng cách nhanh chóng chuyển giao giống vịt biển cho 8 tỉnh giáp biển khu vực này: “Vịt biển đang nuôi giữ giống gốc ở hai đơn vị. Phía Bắc là ở Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên. Ở phía Nam nuôi tại Trung tâm nghiên cứu phát triển chăn nuôi gia cầm VIGOVA. Đây là hai đơn vị cung cấp giống. Nhưng hiện tại ở đồng bằng sông Cửu Long thì chưa có đơn vị để cung cấp giống, cho nên vẫn phải lấy giống từ trung tâm tại thành phố Hồ Chí Minh. Sắp tới sẽ xây dựng trung tâm giống tại tỉnh Sóc Trăng để nhân rộng đàn, để cung cấp đại trà cho người dân xung quanh khu vực và cả nước bạn Campuchia.”


Từ hiệu quả nuôi thực tế mà một số địa phương trong vùng đã thực hiện cho thấy nuôi vịt biển không chỉ là mô hình mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân mà còn khai thác tốt những tiềm năng sẵn có của khu vực này. Mặt khác, đây là giống vật nuôi có khả năng thích nghi tốt trong điều kiện hạn mặn và thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác