Nhà Rông của người Bana

(VOV5) - Nhà Rông của người Bana là công trình kiến trúc độc đáo, là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của đồng bào Bana. Đây không chỉ là nơi thể hiện sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng, thích ứng với môi trường thiên nhiên, mà còn là nơi tránh thiên tai thú dữ, bảo vệ sự sống của các thành viên trong buôn làng.

 Nhà Rông của người Bana - ảnh 1

Mỗi buôn làng của người Bana đều có nhà Rông. Giống như ngôi đình của người Kinh của người Việt ở vùng đồng bằng, đây là nơi sinh hoạt chung của dân làng. Tuy nhiên, khác với đình làng, nhà Rông không phải là nơi thờ tự.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Người Bana thường tìm chọn các gỗ quý trên rừng như: lim, gụ…để làm nhà Rông. Kết cấu nhà Rông của người Bana rất độc đáo, không có vì kèo. Người Bana chỉ dùng các dây rừng, dây mây, tre cột, kết nối khung nhà lại với nhau, nhưng ngôi nhà vẫn rất kiên cố và chắc chắn. Những ngôi nhà Rông thường khá giống nhau về hình dáng và kiến trúc, thường có hành lang rộng phía trước, mái lợp bằng cỏ tranh dày khoảng 20 cm, hai mái ốp vào nhau thành hình lưỡi búa vươn lên bầu trời, thể hiện sức mạnh của con người trước thiên nhiên. Nhà Rông cao khoảng 12 mét, dài 12 mét, rộng 8 mét và có sức chứa khoảng 80-100 người. Cá biệt, có làng Bana cất nhà Rông cao tới 18 mét như thể hiện sức mạnh và sự giàu có của làng. Để chống đỡ sức nặng của mái, bên trong mái được đan chéo bằng rất nhiều cây gỗ tròn thẳng, dài hàng chục mét. Cách làm mái đan chéo các cây gỗ với nhau tạo cho ngôi nhà rất kiên cố vững chãi và chịu được sức gió mùa mưa bão. Sàn nhà cách mặt đất khoảng 2 mét, có hai cầu thang đi lên xuống. Cầu thang dành cho nam gồm 7 bậc ở bên trái và cầu thang dành cho phụ nữ gồm 9 bậc ở bên phải. Ngoài ra, còn có cầu thang ở chính giữa, thường dành cho già làng trong các buổi lễ linh thiêng.

Nhà Rông là nơi lưu giữ các vật linh thiêng của làng và chỉ đàn ông, con trai mới được phép ngủ ở Nhà Rông. Bởi người Bana quan niệm rằng đây là nơi bàn bạc những công việc quan trọng của làng, nơi các già làng truyền dạy những kinh nghiệm, dạy dỗ con cháu về truyền thống văn hoá của làng. Nhiều đồ vật linh thiêng quý giá của cả làng được lưu giữ ở nhà Rông. Bởi vậy, khi đến thăm Nhà Rông, du khách phần nào hiểu được tập tục văn hoá của người Bana. Anh Nguyễn Hoàng Tân, du khách tham quan nhà Rông Bana, nhận xét: Đây là lần đầu tiên mình bước vào ngôi nhà như thế này, bởi vậy cảm xúc rất lạ và thấy rất hấp dẫn, thấy những đồ vật, cái trống, cái chiêng mình thử ra gõ . Mình có cảm thấy muốn tìm hiểu thêm về văn hoá như thế này và cảm thấy những bàn ghế, vật trang trí trong ngôi nhà này cho cảm giác không gian chung rất ấm cúng.  

Trong đời sống của đồng bào Bana, nhà Rông thực sự là công trình kiến trúc nghệ thuật, là bộ mặt, niềm tin và lòng kiêu hãnh của cả buôn làng. Nhà Rông còn là không gian linh thiêng, nơi quy tụ sức mạnh tâm linh, thể hiện bản sắc văn hoá của đồng bào Bana. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc nhà Rông được ngành văn hoá rất chú trọng. Theo kết quả điều tra của ngành Văn hóa tỉnh Kon Tum vào năm 1999, trên tổng số 625 buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, chỉ còn khoảng 260 nhà Rông. Với sự quan tâm và giúp đỡ của Uỷ ban nhân dân  tỉnh Kon Tum, các nghệ nhân người Bana đã dựng thành công ngôi nhà Rông truyền thống của dân tộc Bana tại Hà Nội. Ông Lưu Hùng, nhà nghiên cứu văn hoá dân tộc. Ông nói: Những yếu tế văn hoá cổ truyền, trong đó có các nhà truyền thống của người Bana đang mai một nhiều. Nếu không có chính sách bảo tồn, thì hình kiến trúc cổ truyền này chỉ còn là di ảnh hào quang của quá khứ . Với tư cách là nhà dân tộc học và làm công tác Bảo tàng , tôi cảm thấy tiếc nếu mất đi những di sản kiến trúc văn hoá độc đáo ấy.

Việc Bảo tàng dân tộc học Việt nam, phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon tum dựng lại nguyên bản nhà Rông Bana tại khuôn viên Bảo tàng đã tạo điều kiện cho khách tham quan có cơ hội tìm hiểu bản sắc văn hoá  dân tộc Bana ngay giữa lòng Hà Nội. Đây là hình ảnh đẹp và đầy tính thuyết phục trong công tác bảo tồn và khôi phục những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt Nam./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác