“Trên đôi cánh chuồn chuồn” - giấc mơ một thời bé dại

(VOV5)- Tập truyện ngắn Trên đôi cánh chuồn chuồn của nhà văn Trần Đức Tiến vừa ra mắt, và truyện dài Làm mèo của ông – một cây bút nhiều năm gắn bó với văn học thiếu nhi - cũng được tái bản.

“Trên đôi cánh chuồn chuồn”  - giấc mơ một thời bé dại - ảnh 1

Trên đôi cánh chuồn chuồn là những kí ức tuổi thơ trong vắt của nhà văn Trần Đức Tiến - tuổi thơ của một cậu bé vùng chiêm trũng Hà Nam. Ở đó, có những trò nghịch ngợm của lũ trẻ quê “lớn lên như con cua con ốc ngoài đồng, chơi những trò chơi có sẵn tự đời nảo đời nào, với những món đồ chơi tự làm nấy”: câu cá, thả cua, bắt chuồn chuồn, đánh đáo, học bơi... Ta gặp lại trong đó những con người, đồ vật, khung cảnh, tập tục của những ngày xưa cũ: lớp học vỡ lòng của lũ trẻ làng với một ông đồ già nghiêm khắc, mẹo cho con thôi bú độc đáo của những bà mẹ trong dân gian, mẹo chuồn chuồn cắn rốn tập bơi, tục ăn cỗ ở làng quê xưa… Và trong tiềm thức của một đứa trẻ, những câu chuyện bí ẩn như “Ba bị chín quai”, “Ma dạy bơi”... bao giờ cũng có sức hút thật kì lạ.

 

Cuốn sách là bức tranh sống động về làng quê Bắc Bộ cách đây hơn nửa thế kỉ. Cũng là không gian của “làng Vũ Đại” một thuở, nhưng không gian trong tác phẩm của Trần Đức Tiến lại trong trẻo, đầy chất thơ với “bãi ngô bãi mía trải dài dọc triền sông miên man không giới hạn… thấp thoáng ven sông những chiếc lò gạch cũ”, một không gian đậm màu cổ tích với “đom đóm bay la đà trong những khu vườn, qua những ngõ tối. Khi có cơn gió thổi qua, đom đóm bay túa lên từ mặt ao bèo, len lỏi vào những bụi trúc, bụi tre đang xạc xào, kẽo kẹt.”, với những tiếng sáo diều vi vút như “bản hòa tấu nhạc đồng quê êm đềm, da diết”…

 

Trong cuốn sách, tác giả cũng gợi nhớ cảm xúc lâng lâng khi lần đầu tiên đọc được một cuốn sách hay, mơ hồ cảm nhận được sức hút không lý giải nổi của sách. “Tôi chìm lỉm vào cái thế giới hoàn toàn xa lạ và cám dỗ trong cuốn sách… Mấy ngày sau, tôi tiếp tục sống ngơ sống ngẩn trong không khí của cuốn sách lạ lùng kia - cuốn sách không đầu không cuối tình cờ vớ được trong đêm mưa bão.” Chính cuốn sách ấy đã dẫn cậu đến chân trời mơ ước: sẽ viết ra những tác phẩm hút hồn bạn đọc như ông nhà văn Nam Cao ở cách nhà mình vài cây số.

 

Đọc cuốn sách, sẽ thấy sự quan sát tinh tế và miêu tả tỉ mỉ của tác giả về họ nhà chuồn chuồn: “Chuồn Ngô mặc áo kẻ ca-rô đen vàng thích phơi mình ngoài nắng, trên ngọn chuối hay bờ rào… Chuồn Ớt với bộ cánh đỏ rực hay vàng tươi, suốt ngày la cà hết chỗ này sang chỗ khác. Chuồn Đất bé nhỏ, khiêm nhường lúc ẩn lúc hiện bên mô đất, bụi cỏ. Chuồn Nước thích soi gương, ưa đứng im trên cọng khoai ngứa bên bờ ao ngắm bóng mình in dưới nước… Lại có những ả chuồn Hoa gần giống một loài bướm, đậu xuống rồi mà đôi cánh sặc sỡ vẫn không thôi rập rờn…”

 

27 truyện ngắn trong cuốn sách là 27 mảnh kí ức trong veo mà nhà văn Trần Đức Tiến ấp ủ, nâng niu bao năm qua. 27 câu chuyện độc lập nhưng lại được cấu tứ một cách chặt chẽ theo mạch thời gian và cảm xúc. Những câu chuyện của một đứa trẻ cách đây hơn nửa thế kỉ đã trở thành chuyện cổ tích của những đứa trẻ ngày hôm nay. Một miền cổ tích với những cánh đồng mênh mông, những khoảng ao xanh mát, những lùm cây bí ẩn… Ở đó, có tiếng cười trong vắt của trẻ thơ với những trò nghịch dại, sự háo hức xen lẫn nỗi phấp phỏng âu lo của chuyến đi xa đầu đời, niềm tự hào về những cái “nhất” rất đỗi con trẻ, những “báu vật tuổi thơ” thiêng liêng…

 

Sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, nhà văn Trần Đức Tiến vẫn giữ được tâm hồn trong trẻo qua những trang viết cho thiếu nhi, có lẽ bởi ông đã có một tuổi thơ đầy màu sắc - một thế giới mộng mơ được cất lên từ đôi cánh chuồn chuồn. Cuốn sách thu hút độc giả nhỏ tuổi bởi những câu chuyện thú vị qua lăng kính và ngôn ngữ của trẻ thơ, nhưng cũng dẫn dụ những người đọc trưởng thành được trở lại miền ấu thơ đầy nhung nhớ, để tâm hồn có được những phút giây nhẹ nhàng, thơ thới. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng chia sẻ: “Ông đã tìm được con đường để trở về với tuổi thơ, ông đã tìm được vị trí của mình trong thế giới tuổi thơ ấy giữa những đứa trẻ. Vì thế, trong thế giới này, nhà văn Trần Đức Tiến đã được những đứa trẻ chào đón và giữ ông ở lại với chúng’’.

 

“Trên đôi cánh chuồn chuồn”  - giấc mơ một thời bé dại - ảnh 2

Trong dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng tái bản truyện dài “Làm Mèo” – tác phẩm đoạt giải thưởng trong Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2003. Cuốn sách viết về một chú mèo có tên rất ngộ nghĩnh là Cháu Ông. Cuộc sống với nhiều biến động đưa đẩy Cháu Ông qua nhiều thử thách. Sinh ra trong một hoàn cảnh không may mắn, chú phải chịu nhiều thiệt thòi. Mẹ mất, đi tìm mẹ. Cuộc gặp gỡ với bác chó hoang trên đồi Xương Trắng đầy bất ngờ và cảm động. Những ngày tháng lạc mất ông bà, phải gia nhập đội quân bụi đời của trùm giang hồ Đen Cụt Tai… Tác giả để một cái kết mở để độc giả tự suy ngẫm. Viết về mèo, và chuyện “làm mèo”, nhưng câu chuyện cũng gợi cho độc giả những liên tưởng thú vị và sâu sắc về cuộc sống. Hành trình “làm mèo” của Cháu Ông hay cũng chính là câu chuyện “làm người” với những đức tính can đảm, sự đoàn kết, và tình mẫu tử, anh em, tình bạn bè trong gian khó.

 

Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ khi đọc cuốn sách “Vui vui với mấy mẹ con nhà mèo trong cái ngõ nhỏ. Mẹ con anh em chơi nhởi khám phá những cái lí thú cỏn con thường ngày: leo mép tường lên mái tôn thấy bầu trời lúc nắng hoe, lúc mây trắng; trông thấy ông ngồi làm việc bên cái máy chữ, bà đi chợ về đi dưới cây trứng cá xanh xanh bóng mát… Mỗi bước đường một gian nan, một bài học. Có nghị lực thì vượt lên được…”

 

Là một trong số không nhiều các nhà văn thành công với những sáng tác cho người lớn và vẫn gắn bó với văn học thiếu nhi, nhà văn Trần Đức Tiến quan niệm “Viết cho thiếu nhi cũng có nghĩa là viết cho người lớn có nguy cơ đánh mất tâm hồn trẻ thơ”. Ông đã viết nhiều tác phẩm cho các em như: Ốc mượn hồn (1992), Vương quốc vắng nụ cười (1993), Dế mùa thu (1997), Thằng Cúp (2001), Làm mèo (2003, 2015), Trăng vùi trong cỏ (2006), Những truyện hay viết cho thiếu nhi – Trần Đức Tiến (2013), Trên đôi cánh chuồn chuồn (2015)…


Ông cũng nhiều năm làm giám khảo trong cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch do Nhà xuất bản Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch phối hợp thực hiện.

Nhà văn Trần Đức Tiến sinh năm 1953 ở làng Cao Đà, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Hiện ông đang sống và làm việc tại Vũng Tàu.

Phản hồi

Các tin/bài khác