Việt Nam tiếp tục thúc đẩy cơ chế hợp tác APEC

(VOV5) - Với chủ đề “Tăng cường chất lượng việc làm và kết nối con người thông qua phát triển nguồn nhân lực”, Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về Phát triển nguồn nhân lực khai mạc sáng nay, tại Hà Nội. Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu là các bộ trưởng, trường đoàn đại diện cho 20 nền kinh tế thành viên của APEC, Ban Thư ký ASEAN, các tổ chức quốc tế và các bộ, ban, ngành Việt Nam.

Việt Nam tiếp tục thúc đẩy cơ chế hợp tác APEC - ảnh 1


Phát biểu chào mừng hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh qua chặng đường 25 năm phát triển, APEC đã chú trọng phát huy hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào với trình độ kỹ năng ngày càng cao đi đôi với phát triển khung khổ thể chế phù hợp, đề cao giá trị nhân văn, bảo vệ và kết nối con người với con người. Các chương trình, dự án và các sáng kiến hợp tác của APEC đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nhất là cho thanh niên, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi cung ứng quốc tế, tăng cường lợi thế cạnh tranh của các nền kinh tế APEC… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa ngày càng sâu rộng, những hình thức hợp tác, liên kết kinh tế đa dạng, đang tạo ra nhiều cơ hội mới, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho thế giới nói chung và APEC nói riêng. Với vai trò và vị trí quan trọng của mình, APEC cần tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích sự năng động, sáng tạo và tăng cường kết nối con người... coi đó là những biện pháp quan trọng để tái cơ cấu, phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và phát triển con người…”.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong hơn 15 năm tham gia Diễn đàn APEC, Việt Nam đã hợp tác tích cực và sẽ tiếp tục cùng các thành viên APEC thúc đẩy các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa dạng, linh hoạt, hiệu quả phù hợp với môi trường cạnh tranh quốc tế mới…Hội nghị Bộ trưởng APEC về Phát triển nguồn nhân lực lần này sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa các mối liên kết, hợp tác hiệu quả trong khu vực hướng tới một châu Á – Thái Bình Dương tự cường, gắn kết, phát triển đồng đều, công bằng và bền vững.

Phản hồi

Các tin/bài khác