Nhà báo Đinh Thế Lộc – Những buồn vui của “nghiệp-đời”

(VOV5) - Ông là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Điện tử VOV.VN hiện nay (trước là VOVNEWS). Chuyện về một đồng nghiệp lớn tuổi mà tôi cảm phụ.

Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) vừa kỷ niệm 70 năm đồng hành cùng đất nước. Từng ấy tháng năm, có biết bao sự kiện, bao con người gắn liền với Tiếng nói Việt Nam, với 2 cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm đằng đẵng đầy oai hùng và 40 năm xây dựng, phát triển đất nước sau hòa bình.

Những câu chuyện có cả huyền thoại và sự bình dị lại càng nhiều về các bậc cán bộ tiền bối hay những thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên nhà Đài đối với thế hệ như chúng tôi đã nghe và đã chứng kiến không ít. Nhưng với bản thân tôi, chuyện về một người chú, một đồng nghiệp lớn tuổi mà mình có khoảng thời gian gắn bó, mến mộ và cảm phục với những buồn vui của “nghiệp-đời” thực sự là những trải nghiệm sâu sắc không thể nào quên.

Đó là chuyện về Nhà báo Đinh Thế Lộc – vị Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Điện tử VOV.VN hiện nay, mà tên gọi trước đây là Báo Điện tử VOVNEWS của Đài TNVN. 

nha bao dinh the loc – nhung buon vui cua "nghiep-doi" hinh 0
Nhà báo Đinh Thế Lộc (ảnh: từ Facebook của ông)

Tôi cứ băn khoăn mãi khi có ý định viết về ông Đinh Thế Lộc – vị Tổng Biên tập đầu tiên của tờ báo, bởi viết về ông không dễ. Nhưng rồi quyết tâm phải viết một chút gì đó về người mà mình luôn mến trọng. Tôi không gặp ông trực tiếp để nói chuyện này. Tiếp xúc, cùng làm việc với ông gần chục năm, tôi biết ông là người không thích nói về mình và chắc chắn nếu gợi ý để tiếp xúc, lấy tư liệu viết thì ông sẽ từ chối.

Tôi vào công tác tại Đài TNVN từ năm 1998 khi vượt qua kỳ thi tuyển sau một lần tình cờ đọc thông tin tuyển dụng của nhà Đài trên báo Hà Nội mới cuối năm 1997. Với tôi, lúc đó là sinh viên báo chí mới tốt nghiệp giảng đường Đại học vài tháng, tin trúng tuyển vào nhà Đài như một món quà bất ngờ sau nhiều lần nộp đơn xin học việc không thành ở một vài tờ báo. Rồi đến ngày tập trung tại trụ sở 58 Quán Sứ của Đài TNVN, tôi được điều về làm việc tại Ban biên tập phát thanh Đối ngoại (VOV5) ở 45 phố Bà Triệu-Hà Nội.

Thú thật là lúc đến đó nhận việc, tôi rất mông lung, không biết rõ là sẽ làm việc gì ở Ban Đối ngoại. Buổi sáng hôm tập trung ở nơi làm việc mới, tôi và hơn chục tân phóng viên, biên tập viên khác được mời đến phòng làm việc của ông trưởng ban để "trình diện".

Sau khi được giới thiệu, chúng tôi được biết ông trưởng ban – tức là “sếp” của mình, cũng mới nhậm chức được một thời gian ngắn thay cho vị tiền nhiệm vừa về nghỉ hưu. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với ông Đinh Thế Lộc, nghe ông nói chuyện và cảm nhận đầu tiên là “ông này hắc-xì dầu ghê, mặt mũi lúc nào cũng khó đăm đăm”.

Sau này trong khi làm việc, tiếp xúc và nghe dân đối ngoại nói chuyện, tôi càng e ngại và thấy “sờ sợ” cái ông sếp lúc nào cũng “khó đăm đăm” ấy. Làm ở Phòng Biên tập chung, là phòng phóng viên sản xuất tin, bài của Ban Đối ngoại, ngại nhất là khi đưa tin-bài vào phòng ông để duyệt. Thực sự những lúc đó tôi phải lấy hết cam đảm để gõ cửa, sau khi nghe thấy tiếng nói “cứ vào” thì cũng chỉ cắm cúi đưa vào đặt ở bàn của ông rồi quay người bước nhanh ra ngoài.

Sau khi nhận lại tin, bài của mình thì đã thấy chi chít những chỗ sửa chữa, gạch xóa bằng mực đỏ tươi, tôi lén quan sát nhưng cũng không thấy ông khiển trách hay nói gì, khuôn mặt ông bình thản nhưng không cười.

Khoảng một thời gian sau đó, khi đưa tin vào duyệt, ông Lộc nói tôi đứng lại ở phòng rồi cầm bản tin đọc duyệt. Xong khi ký duyệt, ông nhìn tôi rồi hỏi:

“Cậu vào làm ở đây được mấy tháng rồi?”.

Tôi trả lời: “Cháu làm được hơn 2 tháng rồi ạ!”.

Ông hơi cười rồi nói: “Cũng không nhiều lắm nhỉ? Chú góp ý với cháu một chút về làm tin tức cho hệ đối ngoại. Chắc là trong trường học các cháu không được đào tạo để làm tin đối ngoại nhỉ? Làm thông tin phục vụ cho công tác đối ngoại thì không thể giống như làm thông tin đối nội, tức là viết để cho người dân trong nước mình nghe được. Đã là tin đối ngoại thì văn viết tin phải “Tây”, tức là phải đi thẳng, trực tiếp vào vấn đề định nói mà không cần dài dòng, “thêu hoa dệt gấm” gì cả. Cái gì quan trọng, là vấn đề chính thì nêu luôn ở phần đầu của tin, sau đó diễn giải sau. Hành văn thì cần chặt chẽ, dễ hiểu để các phòng ngoại ngữ hiểu được rõ nhất thông tin để chuyển ngữ, biên dịch. Chú trao đổi với cháu như vậy để sau này không còn phải sửa nhiều vào tin của cháu nữa. Thế nhé!”.

Đó là bài học đầu tiên về viết, biên tập tin đối ngoại mà tôi được dạy bảo chính thức khi vào làm việc ở nhà Đài. Thực ra như ông nói cách làm tin như vậy thì chúng tôi đã được dạy ở giảng đường Đại học là “cách làm tin hình kim tự tháp ngược”. Tôi thầm ghi nhớ và luôn để ý về việc đó khi làm tin.

Sau đó, tin bài của tôi khi được duyệt cũng đã dần ít đi dấu bút sửa chữa của ông hay của những vị Phó trưởng ban khác. Đúng là khi có người chỉ bảo vấn đề mấu chốt thì tiến bộ rất nhiều đối với việc tự mày mò hay lúc tập viết lách trước đây.

nha bao dinh the loc – nhung buon vui cua "nghiep-doi" hinh 1
                             Nhà báo Đinh Thế Lộc (trong ảnh lúc đó là Trưởng ban Biên tập Đối ngoại
Đài TNVN) cùng các cán bộ, biên tập viên phòng Tiếng Anh (ảnh: từ Facebook của ông)

Đến cuối năm 1998, Ban Biên tập Đối ngoại theo chỉ đạo của lãnh đạo Đài thành lập một phòng mới toanh và lạ lẫm với tên gọi “Phòng Internet”. Tôi cùng bà Vũ Bích Ngọc (nguyên Tổng Biên tập Báo Điện tử VOV.VN) và chị Nguyễn Thúy Hoa (hiện là Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VOV.VN) được phân công về làm việc ở phòng Internet này.

Khi nhận quyết định mới, tôi bối rối và cũng thật sự chưa hiểu sẽ làm công việc gì ở cái phòng lạ lẫm này. “Chẳng nhẽ mình học báo chí ra, đã làm phát thanh một thời gian, rồi bây giờ lại phải đi học nghiệp vụ kỹ thuật điện tử để làm Internet sao?” – tôi buồn bực nghĩ như vậy sau khi rời phòng làm việc mà mình đã gắn bó một thời gian cùng những dự định mới về làm tin đối ngoại.

Phòng Internet (thuộc Ban Biên tập Đối ngoại-tiền thân của Báo Điện tử VOV.VN hiện nay) sau một thời gian chuẩn bị cũng đi vào hoạt động. Lúc ấy là tháng 1 của năm 1999. Bà Vũ Bích Ngọc làm trưởng phòng, chị Nguyễn Thúy Hoa là Phó trưởng phòng. Nhân viên thì có tôi và một bạn khác mới đến tập việc. Sau đó có thêm anh Văn Hữu Bình, chị Mai Phương Thúy (biên dịch tiếng Anh) và 3 kỹ thuật viên được điều về làm việc tại đây từ Trung tâm RITC.

Công việc mới mẻ, vừa làm vừa tự mày mò của một thời ban đầu làm tin Internet ngày ấy khá khô cứng, đơn điệu và không ít vất vả mệt mỏi, có lúc kéo dài từ sáng đến 12h đêm. Trang thông tin điện tử của Đài TNVN lúc đó với tên miền “vovnews.org.vn” sau những khó khăn, chuệch choạc ban đầu cũng đi vào quỹ đạo, dần hình thành những mục chính về các thể loại chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, thể thao, thế giới… 

Chuyện đáng nói là, trang thông tin này sau khi hoạt động được khoảng 3 năm và có lẽ cũng sẽ kéo dài với quy mô chỉ là một website với thông tin cập nhật 1-2 lần/ngày, nếu không có một sự kiện làm thay đổi, biến nó trở thành một tờ báo điện tử như ngày nay. Đó là vào khoảng cuối năm 2001.

Chuyện này lại có liên quan đến ông Đinh Thế Lộc. Ông được lãnh đạo Đài TNVN điều chuyển sang giữ chức Tổng Biên tập Báo Điện tử của Đài với tên gọi “Báo Điện tử VOVNEWS”. Tất nhiên cùng với đó là quyết định thành lập Báo Điện tử từ Website hiện có. Cũng từ đấy, tôi làm việc trực tiếp dưới quyền của ông và khoảng thời gian 6 năm ấy (từ 2002 đến 2008 khi ông nghỉ hưu), tôi mới có cơ hội hiểu được khá rõ về ông “sếp hắc-xì dầu” và sự mến trọng ông cũng lớn dần theo những tháng năm trưởng thành đầy ngoạn mục của VOVNEWS.

Người có công lớn trong sự phát triển của Báo Điện tử VOV

Ông là người có công và đóng góp lớn cho sự phát triển của Báo Điện tử VOVNEWS ngày ấy. Với tinh thần trách nhiệm, tư duy làm báo nhạy bén, luôn tìm tòi, sáng tạo, quyết đoán trong công việc, ông Đinh Thế Lộc đã làm tờ báo hoàn toàn “lột xác” với một loạt quyết định cải tiến từ hình thức đến chất lượng của VOVNEWS. Phần nhiều những quyết định của ông đều theo sát, thậm chí đi trước xu thế phát triển của báo mạng ở Việt Nam lúc ấy.

Đối với chúng tôi, khi ấy làm báo luôn theo tiêu chí “chắc, đúng, đủ” và ít có sự linh hoạt với thời tiết thông tin đang phát triển rất nhanh trên mạng Internet. Tất nhiên, thông tin cập nhật hàng ngày cũng dập khuôn, chậm chạp và khá khô khan. Những năm 2002-2003, lúc đó thông tin chỉ được cập nhật 2 lần/ngày, vào giờ trưa và giờ tối. Công nghệ lúc đó cũng lạc hậu, từ máy tính làm việc, máy chụp ảnh, phần mềm nhập tin bài, hệ thống đẩy thông tin lên mạng, đường truyền Internet… Ông Đinh Thế Lộc nhận ra hạn chế này và đề nghị lãnh đạo Đài đầu tư mạnh mẽ hơn cho báo VOVNEWS, cụ thể là mua mới một loạt thiết bị máy móc phục vụ cho công việc, lắp mới đường truyền Internet tốc độ cao thay cho đường dây cũ yếu kém, thay mới phần mềm biên tập và chuyển thông tin lên mạng theo công nghệ mới lúc đó, điều chỉnh và áp dụng phong cách làm việc mới đối với báo Điện tử hiện đại…

Từ đây, VOVNEWS có một luồng sinh khí mới, một giao diện mới mẻ, hiện đại, thông tin được cập nhật nhiều lần trong ngày; các chuyên mục mới xuất hiện với các món ăn tinh thần là đặc sản của nhà Đài như “Đọc truyện đêm khuya”, “Chương trình dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc”, “Hộp thư bạn đọc”, "Từ làng ra phố", "Góc mở"…

nha bao dinh the loc – nhung buon vui cua "nghiep-doi" hinh 2
Nhà báo Đinh Thế Lộc chụp ảnh cùng các cán bộ đã nghỉ hưu và các cán bộ,
phóng viên hiện đang làm việc tại VOV.VN trong buổi gặp gỡ
nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đài TNVN

Tôi vẫn còn nhớ một sự kiện: Sự đột phá đặt nền móng cho phương thức làm báo điện tử đa phương tiện lúc bấy giờ là việc ông Đinh Thế Lộc cùng các cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên Phòng Internet quyết định đưa “Tiếng nói Việt Nam” online trên VOVNEWS. Đó là quyết định đưa lời chúc Tết của Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào đêm giao thừa Tết Kỷ Mão năm 1999 để độc giả nghe trực tiếp trên mạng Internet. Để làm được việc đó, ông Lộc và toàn bộ cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên của VOVNEWS lúc ấy đã lên kế hoạch chi tiết, làm đi làm lại nhiều lần. Khi làm thử mới thấy gặp nhiều khó khăn trong áp dụng kỹ thuật cũng như phối hợp thực hiện. Trục trặc liên tục xảy ra cho đến gần thời điểm giao thừa mới tạm khắc phục xong.

Đêm giao thừa năm đó, hầu hết mọi người đều ở lại tòa soạn, hồi hộp chờ đến thời điểm lời chúc Tết của Chủ tịch nước phát trên mạng. Hồi hộp cũng là vì Ban biên tập đã báo cáo với lãnh đạo của Đài cùng chờ nghe trực tiếp âm thanh trên mạng Internet – thứ vốn xa xỉ lúc đó. Khi âm thanh chúc Tết của Chủ tịch nước vang lên qua loa của máy tính, mọi người đều vỗ tay vui mừng. Sau đó, ông Lộc nói với mọi người là lãnh đạo Đài gọi điện thoại đến chúc mừng báo VOVNEWS và tỏ ý khen ngợi. Tiếp đà thành công, ông Đinh Thế Lộc cũng chỉ đạo tờ báo tiếp tục đưa nhiều chương trình âm thanh của các hệ phát thanh của Đài trực tiếp lên trên mạng của VOVNEWS. Ngoài âm thanh (Audio), tờ báo sau đó cũng đưa lên VOVNEWS phần Video do báo tự sản xuất.

Một sự tiến bộ nữa trong phương thức làm báo điện tử mà ông Lộc có đóng góp quan trọng là việc liên quan đến công tác “bếp núc” – biên tập tin, bài. Với đa số người làm từ phát thanh chuyển sang làm báo mạng, ngoài việc phải cẩn thận trong biên tập ngữ pháp, câu cú, dấu chấm phẩy… lặt vặt khác ra thì việc đặt tít cho tin, bài ngay từ lúc đầu làm báo mạng là khá tùy tiện và là một yếu điểm. Trong khi duyệt tin bài, ông Lộc luôn chú ý đến khâu này và thường xuyên sửa chữa, yêu cầu mọi người đặt lại tít cho hay, không nhàm chán và hấp dẫn người đọc. Ông lấy ví dụ từ chính những tít từ các báo điện tử khác trong nước và đặc biệt là báo điện tử nước ngoài, từ đó yêu cầu mọi người tham khảo, tìm hiểu để áp dụng vào việc biên tập cho phù hợp. 

Việc trình bày cho tin, bài trên mạng cũng được ông luôn chú ý, mặc dù ông vẫn thường nói rằng “Tớ khá dốt về kỹ thuật, nhưng các cậu là người trẻ thì phải học hỏi để hiểu biết, nâng cao kỹ thuật làm báo mạng. Chúng ta phát triển 1 thì bên ngoài đã phát triển 2-3 rồi. Chúng ta không phát triển, chúng ta đứng lại thì bị bỏ lại đằng sau bao nhiêu báo khác rồi. Làm báo mạng là không bao giờ được hài lòng với bản thân mình, không được dừng lại và phải luôn đổi mới chính mình”…

nha bao dinh the loc – nhung buon vui cua "nghiep-doi" hinh 3
Nhà báo Đinh Thế Lộc và bà Vũ Bích Ngọc (nguyên TBT Báo Điện tử VOV.VN).
(ảnh: từ Facebook của ông)

Một vị “sếp” vừa là người chú, vừa là người bạn lớn tuổi

Mà cũng “lạ”, từ sau khi chuyển sang làm Tổng Biên tập VOVNEWS, ông Lộc khác trước nhiều lắm. Đó là do tôi cảm nhận được rõ ràng như thế và cũng bởi tôi luôn để ý đến ông. Trong công việc, ông thực sự giỏi trong quản lý, điều hành, chỉ đạo cũng như khích lệ mọi người làm việc. Ở con người ông vẫn có sự chỉn chu, nghiêm túc, quyết liệt nhiều lúc đến lạnh lùng trong công việc, nhưng bên cạnh đó ông trở nên gần gũi, chan hòa hơn rất nhiều đối với những phóng viên trẻ như chúng tôi. Chuyện mà trước lúc đó chưa bao giờ tôi thấy và có thể nghĩ tới. Trong ông như có cùng lúc 2 con người: Mạnh mẽ, cứng rắn trong công việc; gần gũi, nhã nhặn trong cuộc sống.

Từ câu chuyện bên bàn cơm hay lúc uống cà phê với chúng tôi, ông nhẹ nhàng ân cần hỏi thăm về cuộc sống, về người thân của mọi người. Sau này, khi đã thân mật hơn, ngoài giờ làm mấy chú cháu ngồi với nhau nhâm nhi chén rượu, cốc bia hơi mát lạnh, ông cũng hay nói về cuộc sống, nhân sinh, những khó khăn vất vả của thời bao cấp trước đây, những câu chuyện về đời sống gia đình, chuyện vợ chồng, con cái với không ít buồn vui. Chúng tôi và ông lúc đó như những người bạn, người đồng nghiệp, cùng trao đổi về những khó khăn, trăn trở trong cuộc sống gia đình.

Có những lúc, ông cũng kiêm luôn vài trò tư vấn, nêu những kinh nghiệm của mình cho mấy đứa cháu vừa mới lấy vợ, đứa vừa có con nhỏ… Nghe ông nói chuyện và tâm sự, tôi thấy nhiều khi ông cũng rất tếu táo, thoải mái pha trò, một hình ảnh khác hẳn trước đây về ấn tượng một ông sếp “luôn khó đăm đăm”. Những lúc ấy, tôi thấy ông rất thoải mái, nhẹ nhàng, một sự tự chủ về việc điều chỉnh cảm xúc của bản thân, ung dung tự tại. Dường như mọi xoay vần của công việc, của cuộc sống không còn tồn tại.

Nhắc lại thời điểm ông bị điều chuyển chức vụ năm ấy, khi đó ông đang là Trưởng ban Biên tập đối ngoại, quyền khá to và tôi biết ông đang có nhiều dự định phát triển VOV5 lên một tầm vóc lớn hơn. Bỗng chốc bị điều chuyển, chắc với ông có sự hẫng hụt không nhỏ. Tôi nghĩ đó là một cú sốc đối với ông, một người có chí tiến thủ và đã từng giữ chức vụ trưởng phòng khi còn trẻ năm ông 27 tuổi.

Sau khi nhận quyết định chuyển sang nhiệm vụ mới, ông nghỉ ở nhà hơn 1 tháng. Đến hôm lên cơ quan triệu tập mọi người họp ở căn phòng mới tại xép gác tầng 2 tòa nhà 41-43 Bà Triệu để bàn về hoạt động cho Báo điện tử, nhìn thấy ông đi lên cầu thang mà tôi giật mình. Có hơn 1 tháng không gặp mà tóc ông bạc đi khá nhiều, khuôn mặt hơi buồn và tâm trạng. Chỉ đến lúc nói về công việc mới, tôi mới thấy tâm tình của ông khá lên một chút.

Trong một chuyến công tác vùng cao vào thời điểm gần ngày ông nghỉ hưu, khi ngồi đợi hai phóng viên Mạnh Hưng, Mạnh Hùng quay phim ghi hình tư liệu cho Video mới, tôi và ông ngồi trong xe ô tô, ngắm nắng Tây Bắc trải dài vàng rực trên một mảng đồi trọc, ngần ngừ mãi rồi tôi cũng quyết định hỏi ông một câu hỏi mà mình cứ day dứt từ dạo đó.

“Cháu xin lỗi chú trước vì hỏi chú về một chuyện xưa. Chắc lúc đó chú bị sốc lắm? Nhưng cháu không ngờ là chú lại vượt qua nó tốt như vậy và dường như việc đó không làm chú bị suy sụp đến nỗi không gượng dậy được. Cháu vẫn thỉnh thoảng nhắc về việc này với mấy anh em thân thiết trong báo và cháu thực sự cảm phục chú. Phải có một tinh thần, sự kiên định và một bản lĩnh rất lớn mới có thể làm được như thế” – tôi quay sang hỏi ông với giọng dè dặt.

Khi nghe xong tôi hỏi, đầu tiên ông hơi ngạc nhiên, sau đó thì ông cười khá thoải mái cùng một ánh mắt nhìn tôi tỏ ý khá thích thú. Sau đó ông trầm ngâm nói: “Cũng có một vài người hỏi tớ về việc này, bây giờ là đến cậu. Thực ra, nếu nói lúc đó không bị hụt hẫng thì là nói dối. Lúc đó tớ cũng suy nghĩ dữ lắm và cũng có rất nhiều ý nghĩ tiêu cực. Nhưng thời gian sau, tớ đã suy nghĩ thấu đáo về việc đó và thấy rằng, cuộc đời là vậy, càng nhiều kỳ vọng thì đến lúc mất nó thì thất vọng càng lớn. Trong cuộc sống, có được, có mất, quan trọng là bản thân mình đối mặt với việc đó như thế nào, ứng xử với nó ra sao và quan trọng nhất là phải “biết người, biết ta” để cân nhắc cho cuộc hành trình sau đó. Nếu mình cho nó là lớn thì sẽ là quan trọng, còn nếu mình cho nó là nhỏ thì việc đó sẽ bình thường thôi. Cuộc sống còn nhiều điều cần học hỏi và thích nghi lắm. Tớ cũng phải tự điều chỉnh mình nhiều đấy chứ…”. Câu trả lời thẳn thắng của ông đã làm tôi rất bất ngờ và vỡ ra nhiều điều cho bản thân mình.

Hôm tòa soạn tổ chức cuộc họp chia tay ông về nghỉ hưu theo chế độ, mọi người đều chuẩn bị quà của mình và cả những lời nói tâm huyết. Nhưng không hiểu sao đến lúc đó cũng không có mấy người đứng lên phát biểu. Không khí như cô đọng và khá đặc biệt. Đợi một hai người phát biểu xong, ông đứng dậy nhìn mọi người với ánh mắt xúc động và bắt đầu nói. Lúc đầu thì giọng ông vẫn tự nhiên, nhưng sau đó thì trùng xuống và hơi nghẹn. Đã có tiếng nấc sụt sịt của một vài nữ phóng viên trẻ với ánh mắt đỏ hoe. Tôi đoán lúc đó ông cũng phải kiềm chế lắm để giúp cho bản thân mình phát biểu được tự nhiên hơn.

“Có lẽ lần phát biểu này là lần cuối của tôi ở nơi đây trên cương vị Tổng Biên tập. Những lời hoa mỹ thì tôi thấy không cần nói ra, nhưng tôi thấy mình đã làm hết sức, hết trách nhiệm đối với vai trò là Tổng Biên tập của tờ báo. Vì thế lúc này tôi cảm thấy rất thoải mái, thanh thản. Cảm ơn mọi người vì đã đồng hành cùng tôi trong suốt thời gian qua. Chúng ta đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn và cũng đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Tôi thấy rất ấm áp khi chúng ta đã đối xử với nhau như những người thân trong gia đình, tất nhiên là cũng có lúc không thuận buồm xuôi gió. Nhưng chúng ta đều là vì công việc chung cả và tôi hy vọng tờ báo của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới”.

Hiện ở tuổi gần 70, nhưng ông vẫn khá khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Ngoài sở thích tập thể dục, sinh hoạt bơi lội ở một câu lạc bộ của các cụ hưu trí, hai vợ chồng ông cùng một vài người bạn cũng hay tổ chức đi du lịch trong và ngoài nước. Ông vẫn thỉnh thoảng chia sẻ tâm trạng và hình ảnh trên Facebook, với những suy nghĩ lạc quan, vui vẻ. 

Ánh mắt và nụ cười ấy vẫn thân thiện, gần gũi như buổi nào.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác