Nhà báo Trần Quang Khải: Tiếc cho một sự nghiệp dở dang

(VOV5) - Nhà báo Trần Quang Khải được biết đến là người có tài năng, một người lãnh đạo có tâm...


Trong số những Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Trần Quang Khải có thời gian tại vị ngắn hơn. Một trận xuất huyết não hạn chế khả năng làm việc của ông nên ông xin về hưu sớm. Bạn bè, đồng nghiệp tiếc cho ông - một nhà báo tài năng, một người lãnh đạo có tâm.


Nhà báo Trần Quang Khải: Tiếc cho một sự nghiệp dở dang - ảnh 1
Nhà báo Trần Quang Khải (người đeo kính cận hàng sau) cùng các đồng nghiệp ở Đài Phát thanh Giải Phóng


 Tôi biết nhà báo Trần Quang Khải khi vừa chân ướt chân ráo từ trường đại học về phòng Thời sự (A1) Đài phát thanh Giải Phóng A (CP 90) tháng 8/1974.  Một người cao ráo, trắng trẻo với đôi kính cận đến chào, tự giới thiệu: “Mình là Khải, bí thư Đoàn…”. Hàn huyên mấy câu, anh dẫn tôi tới bàn máy chữ, ân cần bảo: “Về đây, trước hết là phải học đánh máy” rồi cặn kẽ dạy tôi đánh máy. Chỉ sau mấy giờ, tôi đã “mổ cò” được và thời gian sau có thể đánh cả 10 ngón. Nhà báo Trần Quang Khải trở thành người thầy đầu tiên của tôi trong bước đường làm báo.


Lúc đó, phòng A1 còn có nhiều anh chị đồng khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp với tôi như chị Kim Cúc, Yến Tuyết, anh Vĩnh Trà. Các anh chị coi chúng tôi như em, dạy dỗ nhiều điều, đặc biệt là cách thu thập tư liệu, xâu chuỗi vấn đề để viết tin, những bình luận ngắn dài. Anh Vĩnh Trà vừa từ chiến trường ra, mặc bộ quần áo bà ba, chắt chiu từng đoạn tiếng động thu từ chiến trường. “Cầm tay chỉ việc” và không cho chúng tôi thời gian tập sự, các anh chị chủ động giao việc cho từng người. Tôi về CP 90 được một thời gian thì tình hình miền Nam biến chuyển cuốn chúng tôi theo công việc để trưởng thành.


Sáng 30/4/1975, tin “Sài Gòn giải phóng” đến với chúng tôi rất sớm. Anh Trần Quang Khải được giao chủ biên chương trình Thời sự đặc biệt của Đài phát thanh Giải phóng, mừng Sài Gòn giải phóng. Anh là người trực tiếp xử lý băng thu thanh phát biểu của tổng thống ngụy quyền Sài gòn Dương Văn Minh. Tiếp đó là  bay vào Nam, tường thuật cuộc mít tinh mừng chiến thắng tại TP HCM. Trở ra Bắc, anh mang theo hơi thở nóng hổi của miền Nam giải phóng, kịp thời cung cấp cho chúng tôi những kinh nghiệm nóng hổi về tác nghiệp của phóng viên tại vùng mới giải phóng.


Đài Giải phóng A chuyển vào làm việc tại  TP HCM (số 7 Hồng thập tự, quận 1).  Tôi và anh Trần Quang Khải cùng  đa số anh em đi theo cơ quan. Chị Yến Tuyết, vợ anh người Quảng Ngãi ở lại Hà Nội. Anh em chúng tôi hết ăn cơm tập thể lại lụi hụi nấu cơm ăn với nhau. Với cánh phóng viên trẻ chúng tôi, giai đoạn này mới thực sự bắt tay vào nghề phóng viên. Trước một miền Nam mênh mông, đầy rẫy vấn đề,  là người đi trước, nhà báo Trần Quang Khải luôn được giao những đề tài quan trọng dẫn phóng viên trẻ đi tác nghiệp. Một ưu điểm nổi bật ở nhà báo Trần Quang Khải là trước bề bộn những sự kiện, chỉ bằng một vài nhận xét ngắn, anh có thể khái quát thành quy luật, nêu trúng vấn đề. Cho nên những phóng sự của anh vừa có cái tươi mới của cuộc sống, vừa có sự chín chắn của người nắm được thực tế. Cũng chính vì vậy, thời gian miền Nam tiến hành “cải tạo công thương nghiệp…” dù có việc chưa thông, nhưng anh vẫn cùng chúng tôi làm sao có những tin-bài kịp thời, đúng chủ trương.


Làm việc tại Đài Giải phóng (sau chuyển thành Đài TNVN 2) nhiều năm là Bí thư Đoàn, nhà báo Trần Quang Khải có một niềm tin vững chắc vào lớp trẻ và sống rất bao dung. Có bạn phóng viên trẻ có những “trục trặc” trong cách sống, anh tổ chức họp Chi đoàn, góp ý rất chân tình để bạn tiến bộ. Niềm tin này, theo tôi, đã giúp anh rất nhiều sau này trên cương vị Trưởng ban Tổ chức của Đài.


Tháng 2/1979, tôi và anh Trần Quang Khải đều được chuyển ra Hà Nội, về Ban biên tập Đối ngoại. Chiến sự đang ác liệt, hai anh em cùng đến cơ quan xin làm việc ngay. Anh Trần Quang Khải làm ở phòng biên tập Trung Quốc một thời gian rồi chuyển sang phụ trách phòng Biêp tập chung. Sau đó, anh chuyển lên làm Trưởng ban Tổ chức của Đài. Đầu những năm 1990, Đài TNVN tuyển phóng viên mới, nhà báo Trần Quang Khải kiên trì quan điểm “chỉ tuyển người học đại học chính quy” và “phải có tố chất làm báo”. Hai khóa phóng viên tuyển vào thời đó nay nhiều người trở thành cán bộ chủ chốt của Đài TNVN.


Thế nhưng, một trận xuất huyết não đột ngột đã khiến sức khỏe anh giảm sút. Sự nghiệp còn dang dở, anh về nghỉ hưu sớm là một sự thiệt thòi cho lớp phóng viên trẻ đã về Đài và “muốn về Đài”. Niềm an ủi của anh là con trai và con gái đều theo nghiệp bố mẹ và cậu con trai sớm tạo dựng được uy tín chuyên môn trên lĩnh vực truyền hình./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác