Vượt khó để đảm nhiệm vai trò bệnh viện vệ tinh

(VOV5) - Năm 2013, Bộ Y tế đã triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh nhằm góp phần giảm tải tại các bệnh viện tuyến cuối. Đến nay, sau 2 năm triển khai, mô hình này đã gặt hái được thành quả bước đầu đáng khích lệ. Tại các tỉnh phía Nam, việc triển khai đề án Bệnh viện vệ tinh đã và đang được triển khai, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. 

Nghe âm thanh tại đây:



Trên thực tế, Đề án Bệnh viện vệ tinh còn được xem như là biện pháp đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện chuyên khoa, tuyến cuối đến bệnh viện tuyến tỉnh một cách hiệu quả hơn. Theo đó, khi tham gia vào đề án này, mối liên hệ giữa bệnh viện tuyến cuối (gọi là bệnh viện hạt nhân) và bệnh viện tuyến tỉnh (còn gọi là bệnh viện vệ tinh) giúp cho các bệnh viện có sự lựa chọn các chuyên khoa phù hợp để thực hiện việc đào tạo nhân sự, chuyển giao kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị.

Vượt khó để đảm nhiệm vai trò bệnh viện vệ tinh - ảnh 1
Ảnh minh họa: thanhnien.com.vn

Sau 2 năm triển khai, tỷ lệ bệnh nhân chuyển viện của những bệnh viện vệ tinh lên tuyến trên giảm. Không những thế, bệnh viện vệ tinh bước đầu thực hiện được những kỹ thuật khó. Đơn cử như Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện được 34 ca phẫu thuật tim hở. Đặc biệt, gần đây nhất, bệnh viện này đã mổ cấp cứu thành công cho 1 bệnh nhân bị u nhầy nhĩ trái – là một bệnh tim có mức độ tử vong cao. Đồng thời, bệnh nhân tim mạch ở Khánh Hòa hầu như không còn phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh nữa. Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Không chỉ khám tim cho những bệnh nhân các huyện trong tỉnh mà chúng tôi còn tổ chức khám sàng lọc cho bệnh nhân bệnh tim ở các tỉnh lân cận và đưa về bệnh viện. Đặc biệt, chúng tôi có thể thực hiện mổ tại chỗ các ca cấp cứu. Không chỉ phẫu thuật tim, chúng tôi thực hiện được một số kỹ thuật về ung bướu, chấn thương chỉnh hình. Dù kinh phí chưa được cấp nhưng chúng tôi vẫn làm được là do có quyết tâm”.

Hiện nay ở phía Nam có 7 bệnh viện hạt nhân đã triển khai chuyển giao kỹ thuật cho 15 bệnh viện vệ tinh tại 10 tỉnh thành. Ở phía Nam, số bệnh viện vệ tinh xung quanh một bệnh viện hạt nhân cũng ít hơn các nơi khác, trung bình một bệnh viện hạt nhân chỉ triển khai đến cho từ 2 đến 3 bệnh viện vệ tinh. Nguyên nhân chủ yếu là các bệnh viện chưa nhận được nguồn kinh phí từ địa phương. Việc các bệnh viện vệ tinh chưa được cấp kinh phí đối ứng đã khiến cho việc chuyển giao kỹ thuật gặp khó khăn vì các bệnh viện vệ tinh không thể mua sắm trang thiết bị, máy móc phù hợp với kỹ thuật được chuyển giao. Bác sĩ Võ Quang Nhật Nam, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Thách thức của bệnh viện chính là giải ngân kinh phí do thủ tục, chứng từ và cũng từ điều kiện khách quan từ bệnh viện vệ tinh. Trong giai đoạn 2016 đến 2020, bệnh viện vẫn tiếp tục hỗ trợ bệnh viện vệ tinh dù đã kết thúc giai đoạn 1 bằng cách tham gia hội chẩn hoặc trực tiếp phẫu thuật những ca phức tạp".

Ngoài ra, Đề án Bệnh viện tinh còn vướng ở vấn đề nhân sự. Các bệnh viện vệ tinh không những thiếu nhân sự, về trang thiết bị và lượng bệnh nhân cũng không nhiều, nên có trường hợp việc chuyển giao kỹ thuật chỉ được thực hành trên mô hình vì không có người bệnh. Về vấn đề này, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Lương Ngọc Khuê, cho biết thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu cho các bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và bổ sung nhân lực cho các bệnh viện vệ tinh: "Tới đây, trong năm 2015, chúng tôi tiếp tục triển khai theo Thông báo của Thủ tướng, Bệnh viện Tim Hà Nội sẽ được chỉ định là 1 bệnh viện hạt nhân và 5 bệnh viện chuyên khoa, đa khoa ở các tỉnh khác nữa sẽ trở thành bệnh viện vệ tinh. Như vậy chúng ta sẽ có 15 bệnh viện hạt nhân và 52 bệnh viện vệ tinh trên toàn quốc. Đây là sự điều chỉnh, phân bố, chuyển giao kỹ thuật nỗ lực của các thầy thuốc ở tuyến trên và các cán bộ y tế ở tuyến dưới".

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau hai năm thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, cả nước có 14 bệnh viện hạt nhân được giao nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật cho 48 bệnh viện vệ tinh thuộc 5 chuyên khoa gồm: tim mạch, ngoại chấn thương, ưng bướu, sản và nhi. Một số bệnh viện vệ tinh đã làm chủ được các kỹ thuật y tế cao do bệnh viện hạt nhân chuyển giao, giúp người bệnh, nhất là người bệnh nghèo được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới. Điều đó cũng làm cho tỷ lệ bệnh nhân phải làm các thủ tục chuyển tuyến có xu hướng giảm, góp phần làm giảm quá tải của các bệnh viện tuyến trên.

Vượt khó để đảm nhiệm vai trò bệnh viện vệ tinh - ảnh 2
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác