Chùa Keo – ngôi chùa nổi tiếng vùng châu thổ

(VOV5) -   Chùa Keo là một công trình nghệ thuật độc đáo bằng gỗ, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam. Dù có vãng cảnh chùa Keo nhiều lần, nhưng du khách sẽ không hề chán bởi mỗi một lần đến là một lần được khám phá mới từ ngôi chùa nổi tiếng này.


Chùa Keo – ngôi chùa nổi tiếng vùng châu thổ - ảnh 1
Chùa Keo, Thái Bình. Ảnh: hanotour.com.vn


Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Từ thành phố Thái Bình, qua chặng đường không đầy 15km, du khách đặt chân đến thắng cảnh chùa Keo. Chùa Keo có tên tự là Thần quang tự, thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Nằm bên bờ sông Hồng lộng gió, giữa cánh đồng xanh mướt, chùa Keo có kiến trúc truyền thống kiểu Nội công ngoại quốc (bên trong chữ Công, ngoài chữ Quốc). Theo các nhà nghiên cứu, Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian được xếp đặt theo thứ tự “Tiền phật, hậu thánh”, tức là gian trước thờ Phật, gian sau thờ Thánh. Chùa Keo có 3 hồ nước, trước Tam quan nội một hồ, được ví như bình phong và hai bên là 2 hồ nước, tạo một cảnh quan sơn thủy hữu tình, mát mẻ và gần gũi.

Đến chùa Keo Thái Bình, du khách ngỡ ngàng trước bộ cánh cửa ở Tam quan nội. Bộ cánh cửa cao 2m, rộng 2,6m, nổi bật với những mảng chạm khắc một ổ rồng mang phong cách mỹ thuật thời hậu Lê (1428-1789) với những đường vân mây, đao rồng vuốt ngược từ dưới lên, vô cùng độc đáo. Chị Lê Phương Dung, hướng dẫn viên của Ban quản lý di tích chùa Keo giới thiệu: “Riêng rồng thời Lê Trung Hưng (1428 - 1789), ngoài hình tượng rồng mẹ dữ dội, xa xa còn hình tượng rồng con thấp thoáng nhẹ nhàng núp bóng mẹ phía ngoài, nên tổng thể đó người ta gọi là quần thể rồng. Rồng mẹ với đầu tóc dữ dội với những đao lửa đi lên, toàn thân uốn khúc rất là mạnh mẽ. Phần đuôi, phần thân lên tận trên cùng. Điều đặc biệt này người ta gọi đây là thế rồng giáng. Đặc biệt hơn cả, toàn bộ thân rồng chìm khuất hoàn toàn dưới áng mây lửa”.

Toàn bộ khu thờ Phật của Chùa Keo có gần 100 pho tượng.  Sau khu thờ Phật, du khách bước chân vào khu thờ Thánh, tức thờ Không Lộ thiền sư, một vị sư thời Lý (1010-1226). Đặc biệt, du khách được thưởng lãm Tấm hoành phi to nhất chùa Keo với 4 chữ “Lý thế quốc sư” có nghĩa “Vị Quốc sư triều Lý” do một danh nhân Thái Bình Nguyễn Văn Cương viết. Tọa ngay bên sườn của gian thờ Thánh là giếng chùa. Thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng. Nhiều tương truyền dân gian kể rằng, đó là những chiếc cối đá dùng trong việc giã gạo nuôi thợ xây chùa từ xưa.

Ấn tượng độc đáo nhất của chùa Keo là tòa gác chuông. Gác chuông chùa Keo là một kiến trúc đẹp, cao 11,04m, có 3 tầng mái,kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,20m. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,30m, đường kính 1m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62m, đường kính 0,69m đều được đúc năm 1796. Anh Nguyễn Văn Nam, một du khách vãn cảnh chùa Keo lý giải về sự tài tình của các nghệ nhân xưa khi xây dựng công trình này: “Gác chuông cao như thế, mà ngày xưa không có cần cẩu hay ròng rọc thì cách nào đưa được quả chuông lên. Theo như tôi hiểu thì các cụ đã đào đất làm lối lên. Xong lại hạ đất xuống để treo quả thứ hai, rồi đến quả thứ 3. Chính vì vậy các cụ rất cần nhiều đất nên các cụ mới đào đất ở bên lên để đắp đưa chuông lên cao và bên cạnh lại tạo ra hồ nước đẹp”.

Đến chùa Keo, không chỉ vãng cảnh chùa, du khách còn được mua và thưởng thức nông sản địa phương. Vừa ngon, vừa sạch. Vào mùa lạc, ngô, đỗ, sân chùa là nơi người dân dùng để phơi những nông sản sau thu hoạch. Cũng theo bà Phạm Thị Nga, khách có nhu cầu thì người dân bán. Bán trước cổng chùa thì phải thật, phải đúng chất lượng, không gian dối:  “Ở đây có về các sản phẩm về nông sản như đậu, đỗ tương, đỗ đen, đỗ xanh còn lúa có lúa nếp và gạo tám. Còn bánh có bánh cáy hay kẹo lạc. khách đến đây mua nhiều. đầu năm các cơ quan đến chùa rồi mua về làm quà. ở đây đầu năm đông khách đến, lễ chùa xong họ mua đồ quê làm quà".

Trải qua hơn 400, chùa Keo vẫn giữ nguyên giá trị kiến trúc. Hàng năm lễ hội chùa Keo được tổ chức quy mô thu hút đông du khách thập phương về dự lễ. Bà Phạm Thị Nga, người dân địa phương ở đây cho biết, chùa Keo là một điểm du lịch tâm linh không thể thiếu đối với du khách khi đến tham quan tỉnh Thái Bình: “Một năm hai mùa lễ hội, tháng 9 là lễ chính ít khách hơn đầu năm. Đầu xuân như tháng giêng, 2, 3 du khách về đông. Còn ngày hội được 10 ngày từ mùng 10-10/9, lễ hội chính. Nếu nói kéo dài thì phải tháng Giêng. 14 tháng giêng lễ hội đầu năm. Ngày 14, ngày rằm ở đây có hát du thuyền. Ngày 14 tháng giêng có thổi cơm thi. Riêng ngày 13 không có một hoạt động gì. Nói chung những ngày hội chính rất đông”.

Trong tâm thức người Việt Nam có câu: Dù cho cha đánh mẹ treo/ Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm. Đến chùa Keo, du khách không chỉ hiểu thêm về kiến trúc Phật giáo mà còn trải nghiệm về những điều khác biệt của đất và người Thái Bình trong một di tích đặc biệt cấp Quốc gia.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác