Chị Vũ Thị Lệ Thủy, tấm gương làm kinh tế nông thôn ở tỉnh Hòa Bình

(VOV5) - Hợp tác xã 3T Farm của chị Thủy là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh cây ăn quả có múi theo hướng hữu cơ.

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (Hợp tác xã 3T Farm) là tấm gương làm kinh tế nông thôn tiêu biểu ở thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Chịu khó học hỏi và năng động, chị Thủy đã thành công khởi nghiệp với cây cam, phát triển bền vững, tạo thương hiệu sản phẩm cam 3T Farm.

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, tấm gương làm kinh tế nông thôn ở tỉnh Hòa Bình - ảnh 1Chị Vũ Thị Lệ Thủy,Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm. Ảnh: Ngọc Anh

Sinh năm 1983, quê ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, cách đây 18 năm, năm 2006, chị Vũ Thị Lệ Thủy cùng gia đình chuyển đến thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình sinh sống. Trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, chị Thủy nhận thấy cam Cao Phong chất lượng tốt, nhưng giá thành chưa cao, việc trồng, bán cam mang tính tự phát. Từ đó, chị Thủy nảy ra ý tưởng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam Cao Phong: Năm 2016, tôi đăng ký với Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình để thành lập nhóm cây ăn quả có múi an toàn Thanh Thủy. Năm 2018, tôi thành lập Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong. Cam Cao Phong được người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng tuy nhiên chỉ lựa chọn cam Cao Phong về để ăn trong gia đình là chính chứ chưa làm quà biếu nhiều. Nên tôi nghĩ phải nâng tầm giá trị cam Cao Phong. Hợp tác xã 3T Farm ra đời nhắm đến phân khúc khách hàng có thu nhập khá trở lên. Hợp tác xã 3T Farm chúng tôi góp phần bảo vệ và phát triển giữ vững thương hiệu cam Cao Phong không bị mai một. Mục tiêu của tôi là sản phẩm cam Cao Phong cạnh tranh với các sản phẩm trái cây nhập khẩu và các sản phẩm nông sản trong nước đã có thương hiệu.

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, tấm gương làm kinh tế nông thôn ở tỉnh Hòa Bình - ảnh 2Sản phẩm cam quà tặng Hợp tác xã 3T Farm. Ảnh: Ngọc Anh

Hợp tác xã 3T Farm của chị Thủy là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh cây ăn quả có múi theo hướng hữu cơ. Ngoài cam tươi, Hợp tác xã còn có các sản phẩm chế biến từ cam, như: mứt cam, bột cam nguyên chất, trà hoa cúc, trà hoa đậu biếc… Chị Thủy đã hợp tác với Trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội sử dụng chuỗi dây chuyền sơ chế sau thu hoạch, nhờ đó mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Khi tham gia Hợp tác xã 3T Fram, các thành viên Hợp tác xã đều có thu nhập ổn định, kinh tế gia đình đi lên. Anh Lương Văn Thảo, thành viên Hợp tác xã 3T Farm, cho biết: Hợp tác xã 3T Farm bao tiêu sản phẩm cho các hộ thành viên trong Hợp tác xã để đảm bảo ổn định giá đầu ra. Thứ hai là nguồn hỗ trợ Hợp tác xã, chúng tôi được tiếp cận hỗ trợ nguồn vốn về phân bón. Vì vậy, bà con giảm bớt khâu đầu tư đầu vào. Bình quân, 1 ha thu được 18 - 20 tấn cam. Chúng tôi bán cho Hợp tác xã 3T Farm giá 35.000 đồng/kg cam.

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, tấm gương làm kinh tế nông thôn ở tỉnh Hòa Bình - ảnh 3Vườn cam của một thành viên Hợp tác xã 3T Farm. Ảnh: Ngọc Anh

Năm 2019, dự án “Quà tặng cam cao cấp 3T Farm gắn với chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ vì môi trường sống xanh” của doanh nghiệp chị Thủy là 1 trong 35 dự án đoạt giải ý tưởng tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”. Năm 2020, sản phẩm này đạt chuẩn 4 sao OCOP (OCOP - Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm). Năm 2020, chị Thủy sáng kiến mở thêm dịch vụ du lịch trang trại với Dự án “Du lịch trải nghiệm - Cây cam nhà tôi”. Năm 2021, chị cùng Hội phụ nữ Thị trấn Cao Phong đạt giải Nhì cuộc thi “Phụ nữ chung tay phục hồi hệ sinh thái”.

Ngoài việc nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong, chị Thủy còn tích cực tham gia hoạt động công tác Hội Phụ nữ, chia sẻ kinh nghiệm trồng cây có múi trong các buổi sinh hoạt để hỗ trợ chị em địa phương vươn lên phát triển kinh tế. Chị Vũ Thị Lệ Thủy cho biết: Hiện nay, Hợp tác xã 3T Farm của tôi có 15 thành viên, đủ 3 dân tộc chính ở huyện Cao Phong đó là Kinh, Mường và Dao. Số người dân tộc thiểu số chiếm nhiều hơn cả là dân tộc Mường. Những người lao động phổ thông hằng ngày của Hợp tác xã đều là người dân tộc Mường. Tôi cũng ưu tiên tạo việc làm cho chị em phụ nữ, đồng hành cùng với nông dân. Tôi nghĩ rằng phát triển kinh tế, tạo sinh kế ngay tại địa phương mình sinh sống thì có ý nghĩa hơn.

Tại địa phương, chị Vũ Thị Lệ Thủy là một trong những người đi đầu trong hoạt động từ thiện xã hội. Chị kết nối với Câu lạc bộ doanh nhân ASEAN xây dựng “Cửa hàng 0 đồng” đặt tại xã Dũng Phong, huyện Cao Phong, cửa hàng mở cửa đều dặn vào sáng Chủ nhật hằng tuần để hỗ trợ hàng hóa miễn phí bà con dân tộc khó khăn. Chị Nguyễn Thúy Vinh, Phó trưởng Phòng dân tộc huyện Cao Phong, cho biết: Chị Thủy tham gia tích cực các hoạt động xã hội, hỗ trợ giúp đỡ người nghèo. Thủy tham gia một nhóm từ thiện giúp đỡ người nghèo ở địa phương và tỉnh Hòa Bình. Từ ngày thành lập Hợp tác xã 3T Farm, Thủy đã giúp được rất nhiều người dân ở địa phương phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây cam. Thủy tự tìm tòi, học hỏi, liên hệ với nơi tiêu thụ để giúp cho quả cam của huyện Cao Phong cũng như sản phẩm cam Cao Phong phát triển ra cả nước. Hiện nay, 3T Farm là hợp tác xã có tiếng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Hiện, Hợp tác xã 3T Fram của chị Vũ Thị Lệ Thủy có 21 ha diện tích đất canh tác, sản lượng cam hằng năm đạt khoảng 350 tấn. Sản phẩm cam của Hợp tác xã 3T Fram đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, như: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh... Thương hiệu cam của doanh nghiệp chị Vũ Thị Lệ Thủy đã có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước và đang hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác