Đàn bầu, cây đàn đặc trưng của dân tộc Việt

(VOV5) - Tiếng đàn bầu thức dậy trong tâm hồn tiếng quê hương, tình non sông xứ sở. 

“Đàn bầu ai gảy nấy nghe/Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Nếu như ngày xưa tiếng đàn bầu mang âm hưởng buồn, réo rắt, như vận vào thân phận người phụ nữ, thì ngày nay, tiếng đàn bầu là khúc ca vui của tiếng lòng người Việt. Tiếng đàn bầu thức dậy trong tâm hồn tiếng quê hương, tình non sông xứ sở. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Xã hội hiện đại, có muôn vàn thể loại âm nhạc, nhạc cụ để con người thưởng thức, trình diễn. Tuy nhiên, thanh âm trầm bổng hay thánh thót của đàn bầu trong lúc vui cũng như lúc buồn luôn ở trong tâm thức mỗi người Việt Nam. Nghệ sĩ đàn bầu Kim Thành cho rằng đàn bầu là loại nhạc cụ đặc trưng nhất của Việt Nam: Cây đàn bầu đặc trưng nổi bật ở điểm dùng để tạo ra tiếng đàn là sóng bồi âm. Đàn bầu có hai phần chính phần cầm que tạo ra tiếng đàn và cần đàn để nhấn cao độ lên và xuống. Cây đàn bầu độc đáo về cách sử dụng như thế. Thường các cây đàn khác bật bằng dây buông, như ghi ta có phím để thay đổi âm vực khác nhau nhưng cây đàn bầu thì cái chặn dây lại bằng tay thay phím. 


Đàn bầu thường có hình dạng một ống tròn bằng tre hoặc bằng gỗ hình hộp chữ nhật, một đầu to có bát âm, cần đàn và nối một đầu dây đàn, một đầu vuốt nhỏ hơn một chút có một đầu nối dây đàn và cây chỉnh dây đàn. Chiều dài đàn bầu khoảng hơn 1 mét. Thân đàn làm từ ống tre hoặc luồng, cần đàn làm từ sừng trâu và bát âm của đàn bầu làm từ vỏ quả bầu khô. Đây là những vật liệu dễ kiếm, tìm trong đời sống của người Việt. Nghệ nhân làm đàn Đỗ Văn Thước cho biết:Đàn bầu trước nay hình thức giống nhau. Nó mô phỏng dáng quả bầu.  Khi làm đàn bầu để cho đàn vừa hay vừa có độ bền thì phải chọn một số vật liệu nhất định. Thành một công thức là mặt ngô thành trắc. Trắc là biểu tượng của gỗ quý, gỗ đẹp, đó là tiêu chuẩn tốt, đến bây giờ vẫn vậy. Mặt đàn bằng gỗ ngô đồng, còn thành đàn, khung xung quanh bằng gỗ trắc. Mặt đàn làm bằng gỗ ngô đồng, gỗ xốp vì như vậy truyền âm êm ả, ngọt tai hơn.  

Đàn bầu, cây đàn đặc trưng của dân tộc Việt - ảnh 1


Trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt, đàn bầu giữ vai trò là nhạc cụ quan trọng cùng với những nhạc cụ khác như sáo, nhị, hồ, mõ…Đàn bầu phù hợp với những giai điệu trữ tình, êm dịu. Nghệ sĩ đàn bầu Kim Thành cho biết:
Đàn bầu là nhạc cụ quan trọng trong dàn nhạc chèo, cải lương, quan họ. Giờ có thể dùng đàn bầu chơi những giai điệu mới đều được. Cây đàn bầu sinh ra luôn gắn với giai điệu dân ca. Đặc trưng của đàn bầu không phải là khoe kỹ thuật mà quan trọng là giai điệu. Cây đàn bầu là hồn dân tộc gắn với những giai điệu quê hương, đất nước.

Đàn bầu là nhạc cụ không thể thiếu trong dàn nhạc cổ truyền dân tộc: nhị, thập lục, tam thập lục, đàn tranh, sáo trúc với những hình thức diễn tấu như: hòa tấu đồng thời đàn bầu cũng có thể hòa tấu với các nhạc cụ hiện đại một cách nhuần nhuyễn. Nghệ sĩ đàn bầu Kim Thành cho hay:Các đợt đi biểu diễn, thi nhạc cụ dân tộc ở nước ngoài thì cây đàn bầu bao giờ cũng đại diện cho Việt Nam. Khi ra thế giới, công chúng bao giờ cũng nghĩ đây là cây đàn bầu của Việt Nam. Ở trong mọi hình thức nghệ thuật, sân khấu hóa, đàn bầu luôn nằm ở vị trí quan trọng trong các dàn nhạc.


Nhưng độc đáo duyên dáng nhất là lúc đàn bầu được nữ nghệ sĩ độc tấu với trang phục là tà áo dài Việt Nam. Có lẽ vì thế mà mỗi lần nghe tiếng đàn bầu, trong tâm trí mỗi người Việt xa quê đều thức dậy nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ bóng hình cây đa, giếng nước, mái chùa; những rặng tre, những dòng sông và những con đò. Và cũng từ đây, mỗi lần nghe tiếng đàn bầu, trong sâu thẳm lòng người lại thức dậy hai tiếng “Quê hương”.

Giữa một thế giới nhạc cụ đa dạng, đàn bầu luôn là nhạc cụ độc đáo nhất của người Việt . Ở đâu có tiếng đàn bầu, ở đó có âm nhạc cổ truyền Việt Nam vì đàn bầu chính là tiếng của mẹ, của cha, tiếng của dân tộc, tiếng của quê hương./.


Phản hồi

Các tin/bài khác