Độc đáo nghệ thuật hát và múa Ải Lao trong Lễ hội Gióng

(VOV5) -  Không chỉ độc đáo bởi nhịp điệu, lối hát, hát múa Ải Lao còn mang ý nghĩa tâm linh, có giá trị lịch sử, văn hóa cần được gìn giữ, phát huy.


Hát, múa Ải Lao là một nghi thức truyền thống chỉ diễn ra ở lễ hội Gióng, làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội và do phường Ải Lao, làng Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, thực hành. Trong nghệ thuật trình diễn của người Việt, cùng với hát xoan, hát xuân phả và hát dô, hát múa Ải Lao là những điệu hát, điệu múa cổ và hiếm còn được lưu giữ đến ngày nay. Không chỉ độc đáo bởi nhịp điệu, lối hát, hát múa Ải Lao còn mang ý nghĩa tâm linh, có giá trị lịch sử, văn hóa cần được gìn giữ, phát huy.



Độc đáo nghệ thuật hát và múa Ải Lao trong Lễ hội Gióng - ảnh 1
Hát múa Ải Lao là nghệ thuật dân gian độc nhất vô nhị, lời hát theo một nhịp điệu đặc biệt mang tính nhân văn cao, mang khát vọng hòa bình của dân tộc. Ảnh: vietnamplus.vn


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Theo truyền thuyết và lời kể của những người cao tuổi trong làng Hội Xá: Phường hát múa Ải Lao ra đời gắn với truyền thuyết Thánh Gióng. Vào thời Hùng Vương thứ 6, nước Văn Lang có giặc Ân phương bắc xâm lược. Ông Gióng, làng Phủ Đổng đã cưỡi ngựa sắt đánh đuổi giặc Ân. Sau chiến thắng giặc Ân với chiến công lẫy lừng, thánh Gióng đã cưỡi ngựa sắt bay về trời. Mẹ Gióng vì thế mà buồn bã thương nhớ con. Đám trẻ trâu làng Hội Xá được lệnh Vua hát múa cho mẹ Gióng vơi đi nỗi nhớ con. Nghệ thuật hát và múa Ải Lao ra đời từ đó. Ông Nguyễn Trọng Hinh, Trưởng đoàn Ải Lao cho biết: Hiện nay, phường Ải Lao còn lưu giữ, bảo tồn 12 bài hát cổ. Trong Lễ hội Gióng, phường Ải Lao hát rất nhiều bài, mỗi bài có một nội dung khác nhau như hát khi vào đền dâng lễ trình; hát thờ đền Thượng; hát thờ đền Thánh Mẫu (người sinh ra Thánh Gióng); hát sử (kể lại sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân bằng lời ca); hát về đền sau khi thắng trận... Loại hình nghệ thuật dân gian này cũng có lối hát riêng độc đáo, tùy từng thời gian, địa điểm mà những bài hát được ứng khẩu cho phù hợp. Ông Nguyễn Trọng Hinh cho biết: “Nét đặc sắc nhất của hát Ải Lao là biến những câu 6, 8 thành ra những câu hát có từ láy, từ đệm vào, khác tất cả các loại hình khác. Từ từ đệm, từ láy đưa lên từ 2 câu hát thành ra 3 câu rồi thành 8 nhịp. Nhạc cụ là trống, là mèn, là sinh đánh theo nhịp hát. Ví dụ như câu thế này: Cây, cây gạo là cao á cao. Trèo á lên á là trèo á lên. Cây, cây gạo là cao á cao. Đồn mà rằng là là hội hội Gióng. Vui vui sao mà là vui a này. Vui vui sao mà là vui a này”.

Hát, múa Ải Lao không chỉ độc đáo ở lối hát mà nội dung ca từ của các bài hát còn mang ý nghĩa tâm linh, nhân văn sâu sắc. Với đặc tính là hát đồng ca, hát múa Ải Lao đã góp phần làm tăng tính linh thiêng, hào hùng của lễ hội Gióng. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho biết: “Từ xa xưa, hát và múa Ải Lao là một phần quan trọng góp phần tạo nên sự đặc sắc của Hội Gióng, nhất là các bài hát có ý nghĩa tâm linh rất cao. Lời hát, điệu múa và những thông điệp dâng lên Thánh Gióng, Thánh Mẫu được hình tượng hóa và cách điệu hóa. Trong hát và múa Ải Lao có các lớp lang văn hóa, các câu chuyện lịch sử được đúc kết từ bao thế hệ. Di sản nghệ thuật này có ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa lịch sử văn hóa rất đáng trân trọng. Chính vì thế, nếu trình diễn không đầy đủ số bài hát và hát không đầy đủ các câu, các đoạn sẽ làm mất đi, phai mờ đi tính thiêng và mất đi tính trang nghiêm của lễ hội, mặt khác làm giảm cả tính nghệ thuật của di sản độc đáo này.

Bên cạnh sự độc đáo trong lối hát như bẻ chữ, đảo từ, đảo câu, thêm từ láy thì việc trình diễn hát, múa Ải Lao cũng có quy định nghiêm ngặt như người tham gia phường Ải Lao đều phải là trai đinh các giáp trong làng. Hiện nay, phường hát Ải Lao có 28 người, tuy nhiên số người biết hát, múa Ải Lao và có khả năng truyền dạy hầu hết tuổi đã cao, thành viên trẻ nhất cũng đã 35 tuổi. Vì vậy, phường hát Ải Lao đang tìm kiếm lớp người kế cận. Ông Nguyễn Bá Trản, người có trên 30 năm hát trong đoàn Ải Lao cho biết: “Thành viên của đoàn Ải Lao thì trước kia chúng tôi quy định những trai đinh của làng thì mới được vào tham gia, chứ người của địa phương khác không được vào. Thế nhưng hướng phát triển khi chúng tôi tuổi đã cao rồi thì phải lấy các lớp trẻ. Nếu đưa vào trường học được thì chúng tôi càng dễ chọn được người. Các cháu trong trường học hát thuộc rồi thì khi tham gia vào đoàn sẽ dễ hơn”.

 

Nhận thức giá trị của di sản, từ năm 2015, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa triển khai dự án “Nghiên cứu, bảo vệ tập quán xã hội hát và múa Ải Lao”. Hiện nay, Trung tâm đã xuất bản cuốn sách “Các bài hát Ải Lao xưa và nay”, với đầy đủ 12 bài hát cổ được trình diễn tại Hội Gióng. Đồng thời xây dựng nhiều phim phóng sự về giá trị của nghệ thuật hát múa Ải Lao và cuốn tài liệu giáo dục với bộ câu hỏi và gợi ý câu trả lời về di sản phường Ải Lao và hội Gióng. Song song với các biện pháp thiết thực, ý nghĩa này, Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch xem xét đưa hát, múa Ải Lao vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này được bảo tồn, phát huy giá trị theo hướng bền vững.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác