Áp thuế chống trợ cấp - quyết định không công bằng với tôm đông lạnh Việt Nam

(VOV5) - Sáng 14/8 (theo giờ Việt Nam), Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức công bố phán quyết cuối trong vụ điều tra vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, mặt hàng này sẽ bị áp thuế chống trợ cấp. Đây là quyết định không công bằng, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của hàng trăm nghìn nông dân và các nhà sản xuất tôm Việt Nam.


Áp thuế chống trợ cấp - quyết định không công bằng với tôm đông lạnh Việt Nam    - ảnh 1


Theo quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ, công ty Thuỷ sản Minh Quí (Cà Mau), 1 trong 2 bị đơn, sẽ phải chịu mức thuế 7,88%, trong khi thuế suất đối với bị đơn còn lại là công ty Thuỷ sản Nha Trang là 1,15%. Mức thuế chung cho tất cả các công ty khác của Việt Nam là 4,52%.
Mức thuế này nhìn chung giảm hơn so với mức thuế sơ bộ được đưa ra trong phán quyết hồi tháng 5 vừa qua của Bộ thương mại Mỹ nhưng vẫn là quyết định không công bằng khi dựa trên khẳng định rằng các nhà sản xuất, chế biến một số mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam có nhận được sự trợ cấp từ Chính phủ. Phán quyết này là biện pháp đánh thuế hai lần ( gồm thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp),  ảnh hưởng lớn tới đời sống của hơn 600 ngàn nông dân và các nhà sản xuất tôm Việt Nam.


Điều vô lý là phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ xuất phát từ vụ kiện hồi đầu tháng 1/2013 của Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ (COGSI) với cáo buộc ngành tôm của một số nước, trong đó có Việt Nam, nhận các khoản trợ cấp không chính đáng từ Chính phủ. Vụ kiện này phi lý khi Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh của Mỹ đại diện cho ngành khai thác tôm, hiện chỉ đáp ứng cho khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ tôm của nước này. 90% nhu cầu tôm của người Mỹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, trong đó có hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Ngoài ra, chính các nhà nhập khẩu tôm của Mỹ cũng khẳng định việc Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh đổ lỗi cho tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam và một số quốc gia khác làm giảm sức cạnh tranh của họ là thiếu logic và thiếu cơ sở khoa học. Tôm nuôi ở Việt Nam và tôm khai thác ở Mỹ là hai sản phẩm hoàn toàn khác nhau, điều kiện sản xuất khác nhau, chất lượng khác nhau. Vì vậy không cần và không thể cạnh tranh với nhau trên thị trường và cũng không thể trở thành đối tượng kiện nhau.


Các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhiều lần khẳng định vụ kiện là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh, không công bằng, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp cùng hàng trăm nghìn người nuôi tôm tại Việt Nam. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, một trong những công ty từng bị Bộ thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá, cho rằng đây là một sự áp đặt bất công, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường và không nhận bất kỳ sự trợ cấp nào từ Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) từng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam không hề trợ cấp với ngành tôm. Từ thức ăn, con giống, nhân công, người dân đều phải tự lo liệu.


Theo trình tự luật pháp Hoa Kỳ, tiếp sau phán quyết cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ sẽ tiếp tục xem xét vụ kiện thêm một lần nữa và nếu Ủy ban này cũng có kết luận tương tự thì dự kiến ngày 3/10, Bộ này sẽ chính thức ban hành lệnh áp thuế chống trợ cấp.


Tuy lệnh áp thuế chống trợ cấp chưa được ban hành nhưng rõ ràng với phán quyết vừa được cống bố sáng 14/8 của Bộ thương mại Mỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, tác động đến các giao dịch, mua bán giữa hai nước. Phán quyết vô lý này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm nghìn nông dân nuôi tôm cũng như công nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm tại Việt Nam và cả chính người tiêu dùng Mỹ khi cơ hội tiếp cận với mặt hàng tôm Việt Nam của họ đang có nguy cơ giảm đi rõ rệt./. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác