Các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014

(VOV5)- Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc Quốc hội sáng nay đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm. Báo cáo cũng nêu rõ 7 nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện trong thời gian tới để hoàn thành các chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra.

Theo báo cáo, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành và tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân…

Kinh tế - xã hội những tháng đầu năm đạt kết quả tích cực

Kết quả là kinh tế vĩ mô ổn định hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng 12/2013 tăng 0,88%, thấp nhất trong 4 năm qua. Giá cả, thị trường cơ bản ổn định. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Tỷ giá, thị trường ngoại hối được duy trì ổn định.

Các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014 - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2014 tăng 4,96%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng, có 27 doanh nghiệp đã được cổ phần hóa, 238 doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, 12 doanh nghiệp phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tái cơ cấu ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Triển khai tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đã có nhiều mô hình tốt, phát huy hiệu quả.

Về văn hoá xã hội, 4 tháng qua, đã tạo 487 nghìn việc làm tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2013. Phó thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo  xử lý nghiêm một số người lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, để phá hoại tài sản của Nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và chống người thi hành công vụ. Đến nay, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội đã được bảo đảm; hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường.


7 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phục hồi tăng trưởng nhưng còn chậm, nhu cầu đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội... rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ đang là khó khăn, thách thức lớn, Chính phủ xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là n định kinh tế vĩ mô: Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý. Điều hành tỷ giá linh hoạt, bảo đảm ổn định giá trị đồng Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối. Thực hiện các giải pháp phù hợp phát triển ổn định thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả huy động vốn cho doanh nghiệp. Bảo đảm bội chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi Quốc hội quyết định; quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm trong giới hạn an toàn.

Chính phủ cũng sẽ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tập trung xử lý nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn...Song song với đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó chỉ đạo quyết liệt cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành; tiếp tục tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, tập trung xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. 

Cùng với việc tiếp tục rà soát, điều chỉnh và triển khai đồng bộ các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về việc triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ tập trung xây dựng các dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương; bảo đảm chất lượng và tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, Phó thủ tướng khẳng định: “Thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Tăng cường công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào cả trong và ngoài nước và của cộng đồng quốc tế. Đồng thời chủ động ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện các biện pháp cần thiết theo đúng pháp luật và các cam kết quốc tế của Việt Nam, bảo đảm an ninh và an toàn tuyệt đối cho các cơ quan, doanh nghiệp và người nước ngoài tại Việt Nam.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, Báo cáo của Chính phủ nhận định  nhiệm vụ còn lại của năm 2014 rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm cao, đoàn kết một lòng, đồng thuận trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trên các mặt công tác, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014./.

Phản hồi

Các tin/bài khác