Chia rẽ xung quanh vấn đề xử lý khủng hoảng Ukraine

(VOV5) - EU sẽ phải thực hiện những bước đi tiếp theo như thế nào đối với cuộc xung đột Ukraine đang càng ngày càng nóng? Có hay không việc gia hạn lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng nữa, hay EU có nên hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine hay không?… là những câu hỏi lớn được đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) khai mạc hôm nay tại thủ đô Brussel, Bỉ. Hội nghị lần này được xem là phép thử đối với sự đoàn kết và thống nhất của EU trong xử lý vấn đề khủng hoảng Ukraine.


 Chia rẽ xung quanh vấn đề xử lý khủng hoảng Ukraine - ảnh 1


Bên cạnh các vấn đề nội khối như tiến trình cải cách của Hy Lạp, tương lai phát triển của khu vực đồng tiền chung Châu Âu…, một nội dung quan trọng được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị là vấn đề Ukraine và việc đối phó như thế nào với Moscow. Hơn 1 năm đã trôi qua, mọi giải pháp, mọi phương án xử lý vẫn đi vào bế tắc không lối thoát và cuộc chiến ở Ukraine đang ngày càng có những diễn biến phức tạp, nguy hiểm đáng lo ngại hơn. Vẫn là vòng luẩn quẩn đàm phán ngừng bắn rồi lại vi phạm lệnh ngừng bắn. Đáng chú ý là cách tiếp cận cứng rắn, các lệnh cấm vận, trừng phạt trả đũa Nga không còn chiếm ưu thế và đang gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ các nước thành viên EU. 

Bất đồng quan điểm

Các cuộc tranh luận về việc phương Tây nên phản ứng thế nào đối với cuộc xung đột Ukraine đang càng ngày càng nóng? Nhiều mâu thuẫn và chia rẽ giữa các nước EU trong chính sách đối với Nga và cách tiếp cận giải quyết khủng hoảng ở miền Đông Ukraine bắt đầu lộ diện. 

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, đã có ít nhất 7 quốc gia EU bao gồm Cộng hòa Cyprus, Italy, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Áo và Tây Ban Nha phản đối việc kéo dài lệnh trừng phạt Nga và sẵn sàng phủ quyết bất kỳ một nghị quyết trừng phạt nào được đưa ra. Đáng chú ý, Pháp, Italy và Tây Ban Nha còn tuyên bố rõ ràng là họ không muốn phá hỏng thỏa thuận ngừng bắn vốn dĩ mong manh. Trong khi đó, Vương quốc Anh cùng một số nước vùng Baltic và Bắc Âu lại tỏ rõ quan điểm cứng rắn, muốn tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt, cho rằng lệnh trừng phạt sẽ khiến Moscow phải có trách nhiệm ràng buộc hơn đối với thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. Đến lúc này, chỉ có Đức đứng ở vị trí trung gian giữa hai phe trong EU về vấn đề trừng phạt Nga khi đưa ra những ưu tiên “xung đột” nhau, vừa muốn thể hiện sự cứng rắn với Nga trong khi vẫn muốn duy trì được sự đoàn kết của châu Âu.

Theo luật lệ của EU, việc kéo dài trừng phạt Nga thêm 6 tháng nữa cần phải có sự ủng hộ của tất cả 28 nước thành viên. Tuy nhiên, quan điểm trái ngược nhau đã đẩy EU rơi vào thế bị động và chia rẽ. Có thể thấy, chưa bao giờ lãnh đạo các nước EU lại bất đồng như hiện nay khi tìm cách hoạch định một chiến lược lâu dài nhằm giải quyết điểm nóng miền Đông Ukraine. 

Trừng phạt không giải quyết tận gốc vấn đề

Sau khi Nga sáp nhập Crimea 1 năm về trước, châu Âu đã dừng các cuộc đàm phán về thương mại và visa với Nga, đồng thời đưa nhiều chính trị gia và quan chức quân đội Nga vào danh sách đóng băng tài sản và hạn chế đi lại. Tháng 1 vừa qua, các biện pháp trừng phạt này được gia hạn thêm 6 tháng và các biện pháp trừng phạt này dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 7 tới. Thực tế, 1 năm qua các biện pháp trừng phạt Nga ít nhiều đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga. Song không chỉ riêng Nga mà cả các quốc gia EU cũng bị thiệt hại không nhỏ. Thế nhưng vấn đề khủng hoảng ở Ukraine vẫn bế tắc và chưa đi đến một giải pháp cuối cùng. Các chuyên gia Mỹ mới đây cũng thừa nhận lệnh trừng phạt Nga không đem lại hiệu quả và đã đến lúc nên bàn tính lại về hiệu quả của những biện pháp này. Cô lập Nga vừa đi ngược lại tính xây dựng vừa gây tổn thương cả cho bên áp đặt. Và ngày càng có nhiều quốc gia EU lên tiếng ủng hộ quan điểm này. Nếu xem xét những động thái ngoại giao gần đây có thể thấy danh sách khách tới thăm điện Kremlin trong thời gian gần đây và sắp tới, cùng với việc phản đối gia hạn lệnh trừng phạt Nga là minh chứng cho sự gia tăng niềm tin của các nước này với Nga. 

Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades đã tới thăm Nga và trao cho Hải quân Nga quyền ra vào các cảng của đảo quốc này. Tháng 3, điện Kremlin đón Thủ tướng Italy Matteo Renzi và ông Putin đã gọi ông Renzi là một “đối tác được ưu ái”. Theo dự kiến, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sẽ là vị khách châu Âu tiếp theo của ông Putin trong chuyến thăm Moscow diễn ra vào tháng 4 tới. 

Trong bối cảnh chia rẽ hiện nay, liệu EU có tìm được tiếng nói chung để thể hiện sự đoàn kết và thống nhất trong chính sách với Nga. Theo các chuyên gia phân tích, khả năng lớn nhất tại Hội nghị lần này là các nước này sẽ không nhất trí gia hạn trừng phạt và hoãn đưa ra quyết định cho tới khi lệnh trừng phạt hết thời hạn vào tháng 6/2015. Và dù cho trì hoãn thì cũng chỉ còn vài tháng nữa EU phải đưa ra quyết định cuối cùng. Câu trả lời vẫn đang được các nhà lãnh đạo các quốc gia EU tìm lời giải./.

Phản hồi

Các tin/bài khác