Đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng

(VOV5) - Trong 2 ngày hôm nay và ngày mai, 12, 13/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam lần thứ 6 (CLMV 6), chủ trì tổ chức Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam lần thứ 7 (CLV 7) và dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế 3 dòng sông Ayeyawadi – Chao Phraya – Mekong lần thứ 5 (ACMECS 5) tại thủ đô Vientian, Lào. Tham dự các hội nghị này, Việt Nam khẳng định quyết tâm đẩy mạnh và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại và đầu tư, kết nối khu vực, phát triển nguồn nhân lực và củng cố quan hệ với các nước trong khu vực.

Đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng  - ảnh 1

Thực tế, trong 10 quốc gia thành viên ASEAN, GDP của nhóm 6 nước thành viên cũ gồm Indonesia, Brunei, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và 4 nước thành viên mới gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam có sự chênh lệch tương đối lớn. Bên cạnh đó, quy mô thị trường và cấu trúc của các ngành kinh tế trong các nước ASEAN cũng có sự khác biệt và chênh lệch. Bởi vậy, khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên đang là trở ngại hàng đầu đối với tương lai phát triển của ASEAN, nhất là trong bối cảnh chỉ còn 2 năm nữa ASEAN sẽ phải hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng chung. Do đó, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, tại Vieng Chăn (Lào), tháng 10-1999, Sáng kiến hợp tác CLV đã hình thành, nhằm tăng cường đoàn kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững ổn định, an ninh của khu vực biên giới giữa ba nước. Cùng với đó, hợp tác CLMV được thành lập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy hội nhập của các nước CLMV vào tiến trình phát triển chung của ASEAN và khu vực.

Với hơn 200 dự án đang được thực hiện, tập trung vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng, giao thông vận tải, phát triển cơ sở hội nhập kinh tế, công nghệ thông tin và viễn thông, phát triển nguồn nhân lực…, nhóm 4 nước Việt Nam – Lào - Myanma - Campuchia đã và đang đạt nhiều kết quả trong xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường và thúc đẩy du lịch nội khối. Tuy nhiên, để các quốc gia này phát triển nhanh hơn, hội nhập sâu hơn cần tận dụng tối đa tiềm năng hợp tác nội khối. Hội nghị Cấp cao CLMV 6 được tổ chức tại Vientian lần này cũng không nằm ngoài mục tiêu tập trung kiểm điểm tình hình triển khai các kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2012, thảo luận một số lĩnh vực hợp tác cụ thể cũng như phương hướng đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ CLMV.

Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác của cơ chế này, đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng các chương trình hành động hàng năm của hợp tác CLMV, đề xuất một số sáng kiến nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác. Đặc biệt, năm 2013 - 2014, Việt Nam tiếp nhận vai trò chủ trì Nhóm công tác Marketing và Truyền thông trong kết nối hạ tầng du lịch ASEAN. Phát huy thế mạnh của Việt Nam là khu vực miền Trung nằm trong trục hành lang kinh tế Đông-Tây, Việt Nam đang cùng các nước khai thác triệt để tiềm năng to lớn ở khu vực này. Đi đôi với quảng bá là xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi lại trong khu vực Hàng lang Đông – Tây, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết, đồng thời áp dụng công nghệ để kiểm soát cửa khẩu quốc tế đường bộ, sân bay, hải cảng. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho rằng: Mỗi một địa phương có một thế mạnh để tập trung xây dựng phát triển thương hiệu du lịch. Quảng Trị là nơi có nhiều địa danh lịch sử do chiến tranh để lại do vậy cần phải khai thác, tạo dựng 1 điểm nhấn, có lộ trình để thực hiện. Chúng ta cần phải xây dựng 1 sản phẩm liên vùng, liên kết hợp tác với nhau xem cách thức thế nào để giảm bớt các thủ tục hành chính sao cho thông thoáng.


Cùng với Thủ tướng Lào, Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chủ trì Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Tại đây, các nhà lãnh đạo tập trung rà soát việc triển khai các thỏa thuận đã được thông qua tại Hội nghị trước và đề xuất một số phương hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ba nước trong khu vực Tam giác phát triển trong thời gian tới. Ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Rõ ràng là so với các khu vực khác thì cơ sở hạ tầng của khu vực tam giác phát triển này chưa thực sự thuận lợi và chưa đáp ứng được yêu cầu cho việc thu hút đầu tư trong giai đoạn tới. Cái thứ hai đó là việc đồng bộ hóa chính sách giữa các nước liên quan đến việc thúc đẩy hơn nữa đầu tư trong khu vực này thì tôi cho rằng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu như giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia sẽ thống nhất được với nhau chương trình hành động chung để chúng ta không chỉ phải là khung pháp luật và chính sách chung mà chúng ta cần phải có chương trình hành động chung.


Trong khuôn khổ các hoạt động tại Lào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đi thăm, làm việc tại một số tỉnh Bắc Lào. Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác tòan diện Việt Nam – Lào. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng thời tăng cường hợp tác, đầu tư giữa Việt Nam với Lào, Campuchia và Myanmar./.

Phản hồi

Các tin/bài khác