Đổi mới công tác dân vận để Đảng gần dân hơn

(VOV5) - Một trong những vấn đề quan trọng được bàn tại Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt nam, đang diễn ra tại Hà nội, là đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Biên tập viên Đài TNVN trích dẫn một số ý kiến về vấn đề này.

Theo Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, trong mọi thời kỳ, công tác dân vận đều có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước và của dân tộc. Trong bối cảnh đang có nhiều diễn biến thay đổi hiện nay, công tác dân vận càng trở nên quan trọng, không thể xem thường. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, thì cho rằng việc Ban chấp hành Trung ương đặt vấn đề đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới và định hướng những giải pháp để tăng cường sức mạnh của công tác dân vận, sẽ là cú hích để công tác này đạt hiệu quả trong thời gian tới: “Công tác dân vận của Đảng có vai trò rất quan trọng, đây là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng. Việc tăng cường, đổi mới công tác dân vận là để xây dựng mối quan hệ mật thiết hơn giữa Đảng với nhân dân. Hội nghị lần này xác định rõ mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp để tăng cường công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới… là điều cần thiết”.


Đổi mới công tác dân vận để Đảng gần dân hơn - ảnh 1


Vấn đề đặt ra là bên cạnh việc phải hoàn thiện chủ trương, chính sách cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, việc đổi mới phương thức tiến hành dân vận phải được xem trọng. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là các cấp ủy, chính quyền phải huy động được trí tuệ của người dân, thống nhất họ trong khối đại đoàn kết dân tộc để mỗi người thành một tình nguyện viên làm công tác dân vận. Như vậy, vừa tăng được tính dân chủ, sự tương tác giữa những người làm công tác dân vận và cán bộ đảng viên, nhân dân, vừa nâng cao hiệu quả của công tác dân vận. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận cũng được Thạc sỹ Phạm Thị Như Quỳnh, giảng viên Khoa dân vận, Trường Chính trị Nghệ An, chia sẻ: “Cần quan tâm nhất bây giờ là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong vấn đề phục vụ nhân dân. Trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, trực tiếp là những người tiếp xúc với dân là phải bắt đầu từ cấp ủy đảng, từ chính quyền cơ sở, và bắt đầu từ đội ngũ cấp ủy đảng là người gương mẫu để tạo sức lan tỏa”.

Trong khi đó, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được lại cho rằng: nói và làm, bài học ngắn ngọn về công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là kim chỉ nam của công tác dân vận trong mọi thời kỳ. Trong giai đoạn hiện nay, công tác dân vận phải thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn nữa nhằm giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc như: đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao đời sống của công nhân, nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, phân hoá giàu nghèo… Ngoài ra, công tác dân vận phải giúp triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống mạnh mẽ hơn nữa. Ông Trương Quang Được nêu rõ: “Bản thân chữ dân vận là một động từ, nó là hành động. Nếu không có hành động thì coi như không có dân vận. Mà hành động là gì?Là phải tiếp cận với chính sách, đường lối, chủ trương cho thật là sâu sát, cho phù hợp với nhân dân, với cơ sở và thực tế để phản ảnh một cách trung thực những cái nó đang diễn ra, chứ không phải là lúc nó kết thúc. Thứ ba nữa là phải tiếp cận với các lớp cán bộ và với các tầng lớp nhân dân. Có tiếp cận thì mới biết đời sống của họ thế nào, tâm tư của họ ra sao”.

Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, mục đích cuối cùng là để củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân dân, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo ra phong trào quần chúng rộng lớn, xây dựng và bảo vệ đất nước và thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác