Khủng hoảng chính trị tại Syria: Giờ G đã điểm?

(VOV5) - Chiến sự tại Syria đã bước sang khúc ngoặt mới, biến động khó lường. Đến nay là ngày thứ 5 liên tiếp, bạo lực leo thang nghiêm trọng tại thủ đô Damascus và đỉnh điểm là vụ đánh bom cảm tử nhằm vào trụ sở cơ quan An ninh Quốc gia, ngày 18/7, khiến nhiều quan chức cấp cao nước này thiệt mạng. Những diễn biến này khiến dư luận hết sức lo ngại về một cuộc nội chiến đã cận kề.

Khủng hoảng chính trị tại Syria: Giờ G đã điểm? - ảnh 1


Bạo lực tại Syria bùng phát từ hôm 15/7 khi Quân đội tự do Syria (FSA) của lực lượng nổi dậy mở chiến dịch tấn công tổng lực mang tên "Núi lửa Damascus và động đất Syria" và tuyên bố "cuộc chiến giải phóng Damascus đã bắt đầu". Vụ đánh bom nhằm vào trụ sở cơ quan An ninh quốc gia Syria, cơ quan đầu não chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad, khiến nhiều quan chức cấp cao hàng đầu trong chính quyền Syria thiệt mạng, trong đó có Bộ trưởng quốc phòng Syria, tướng Daoud Rajha, Bộ trưởng Bộ nội vụ Mohammad Shaar, Thứ trưởng bộ Quốc phòng đồng thời là anh rể Tổng tống Assad là Assef Shawkat. Vụ đánh bom đã cho thấy sự can dự sâu rộng của lực lượng đối lập vào bộ máy chính quyền của chế độ Damascus. Bởi nó xảy ra tại quận Rawda, nơi an ninh vô cùng nghiêm ngặt và thủ phạm đánh bom liều chết chính là vệ sĩ bảo vệ vòng trong của Tổng thống Bashar al-Assad. Đối tượng này đã kích hoạt khối thuốc nổ giấu ở thắt lưng. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, nhóm phiến quân Hồi giáo mang tên Liwa al-Islam (Lữ đoàn Hồi giáo) cho biết vụ tấn công này "nhằm vào một căn phòng, được gọi là phòng kiểm soát khủng hoảng ở thủ đô Damascus". Trong khi đó, người phát ngôn của FSA nói rằng, đây là vụ "núi lửa" mà FSA từng nói đến và đó mới chỉ là "điểm khởi đầu".

Còn ở bên ngoài thủ đô nước này, chiến sự tiếp tục leo thang nghiêm trọng. Song song với vụ tấn công trong trụ sở An ninh quốc gia Syria, lực lượng nổi dậy cũng tiến hành 5 vụ nổ lớn ở quận Muhajireen, Tây Bắc Damascus, gần với căn cứ của Sư đoàn Thiết giáp số 4. Trực thăng của quân đội Syria đã nã súng máy và cả rốckét vào một số khu vực dân cư ở thủ đô Damascus giữa lúc các lực lượng của Tổng thống Bashar Al-Assad đang giao chiến với các phiến quân trên khắp thủ đô. Trước đó, ngày 17/7, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội Israel, Thiếu tướng Aviv Kochavi, cho biết, sự kiểm soát thủ đô Damascus của Chính phủ Syria đang suy yếu dần và Tổng thống Bashar al-Assad đã phải điều động binh sĩ từ các khu vực gần biên giới Israel để củng cố lực lượng quanh thành phố này. Trong diễn biến liên quan, quân nổi dậy Syria đã thông báo việc bắn rơi một trực thăng quân sự tại quận Qaboun ở Damascus. Người phát ngôn Bộ Chỉ huy hỗn hợp của FSA (trụ sở ở thành phố miền Trung Homs), Đại tá Kassem Saadeddine cho biết, "chiến thắng đang gần kề và cuộc chiến sẽ không dừng cho đến khi phe nổi dậy kiểm soát được toàn bộ thủ đô". Nhận định về tình hình hiện tại của Syria, ngày 18/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng đang diễn ra "cuộc chiến quyết định" giành giật thủ đô Damascus.

Ngay sau vụ đánh bom vào cơ quan đầu não của Damascus, các nước phương Tây đã có nhiều phản ứng. Ngày 18/7, quân đội một số nước đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Các lực lượng Mỹ trong khu vực, Israel, Hordan, Arập Xêút, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao do lo ngại về những phản ứng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Mỹ đã tiến hành các cuộc tham vấn khẩn cấp để đánh giá diễn biến của cuộc khủng hoảng Syria và phản ứng của ông Bashar al-Assad, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak đã triệu tập khẩn cấp các quan chức tình báo và an ninh để thảo luận về tình hình Syria.

Còn bên ngoài lãnh thổ quốc gia Trung Đông này, một cuộc vận động hành lang nhằm siết chặt một cách toàn diện chế độ của ông Bashar al-Assad đang được thực hiện khẩn trương. Trong lúc Damascus đang quay cuồng trước vụ đánh bom liều chết xảy ra thì Mỹ đã tăng cường trừng phạt hàng chục bộ trưởng trong Nội các Syria. Đây là một phần của "cam kết kiên định" nhằm gây sức ép buộc chế độ Bashar al-Assad  "chấm dứt tình trạng thảm sát và từ bỏ quyền lực". Còn Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng, sự kiện trên cho thấy Liên hợp quốc cần có hành động mạnh mẽ để chấm dứt xung đột và kêu gọi Nga và Trung Quốc ủng hộ một nghị quyết mạnh mẽ hơn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong khi đó, phát biểu trong cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc sau khi hội đàm với người đồng cấp Anh Phillip Hammond đang ở thăm Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cho rằng tình hình tại Syria đang "nhanh chóng vượt qua tầm kiểm soát" vì thế cộng đồng quốc tế cần hợp tác để thúc đẩy quá trình chuyển tiếp ở quốc gia Trung Đông này...

Hiện tại, theo đề nghị của đặc phái viên quốc tế Kofi Annan, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã quyết định lùi cuộc biểu quyết về một nghị quyết do phương Tây dự thảo kêu gọi trừng phạt Syria sang ngày hôm nay 19/7 (theo giờ địa phương), để đại diện các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an có thêm thời gian thương lượng. Ông K. Annan đã lên án mạnh mẽ vụ đánh bom đẫm máu tại Syria, đồng thời hối thúc Hội đồng Bảo an đưa ra hành động "kiên quyết và cụ thể" để chấm dứt bạo lực và mở đường cho quá trình chuyển tiếp chính trị ở Syria. Lời kêu gọi này cũng đã được Liên minh châu Âu (EU), Anh, Đức và Pháp lên tiếng ủng hộ. Từ những diễn biến của tình hình, dư luận cho rằng một kịch bản như Libya đang được lặp lại ở quốc gia Trung Đông này và giờ G đã sắp điểm đối với chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad./.

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác