Kwangmyungsong – 3 và những quan ngại của cộng đồng quốc tế

(VOV5) - Ngày 12/12, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên) đã phóng thành công tên lửa tầm xa mang vệ tinh quan trắc Trái Đất Kwangmyungsong - 3 lên quỹ đạo. Động thái này đã gây bất ngờ với cộng đồng quốc tế. 

Kwangmyungsong – 3 và những quan ngại của cộng đồng quốc tế - ảnh 1
Người dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng vệ tinh ngày 12/12 qua TV (Ảnh: Reuters)

Trước hết phải khẳng định rằng việc CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh vào ngày 12/12 là bất ngờ với dư luận vì trước đó, những thông tin về khả năng nước này lùi thời điểm phóng vệ tinh được đưa ra dồn dập, thậm chí kế hoạch phóng được xác định lùi lại đến ngày 29/12. Uỷ ban công nghệ vũ trụ CHDCND Triều Tiên cho biết các nhà khoa học và kỹ sư đang cân nhắc một cách nghiêm túc khả năng hoãn phóng vệ tinh vì trong quá trình chuẩn bị đã phát hiện ra một sự khiếm khuyết kỹ thuật trong động cơ kiểm soát tầng thứ nhất của tên lửa. Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn thuộc Đại học Johns Hopkins nhận định quá trình chuẩn bị phóng tên lửa có thể sẽ bị chậm lại do tuyết rơi dày. Trong khi hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết CHDCND Triều Tiên phải tạm đình chỉ vì gặp trục trặc kỹ thuật, thậm chí có nguồn tin còn thông báo rằng Bình Nhưỡng bắt đầu tháo dỡ tên lửa tầm xa để khắc phục sự cố kỹ thuật. Tuy nhiên, sự thật lại trái ngược hẳn với các thông tin  trên.

Nếu hành động phóng tên lửa mang vệ tinh quan trắc Trái Đất Kwangmyungsong - 3 lên quỹ đạo của CHDCND Triều Tiên vào ngày 12/12 gây bất ngờ cho cộng đồng quốc tế thì dư luận lại không ngạc nhiên khi sau đó, hàng loạt các quốc gia và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đồng loạt ra tuyên bố phản đối Bình Nhưỡng. Nhiều quốc gia cho rằng hành động của Bình Nhưỡng là khiêu khích, vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc về việc cấm phát triển tên lửa đạn đạo, không có lợi cho sự ổn định ở khu vực và có thể gây tác động tiêu cực. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết Trung Quốc lấy làm tiếc về việc CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh và hy vọng các bên liên quan ứng phó một cách bình tĩnh, cùng nhau duy trì đại cục hoà bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Bộ ngoại giao Nga hối thúc các bên tránh làm tình hình căng thẳng.

Trái ngược với sự lo ngại của cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng cho rằng việc phóng vệ tinh thành công như một bước đột phá về khoa học và kinh tế của đất nước. Người phát ngôn Bộ ngoại giao nước này khẳng định vụ phóng vệ tinh là một phần của công việc vì mục đích hòa bình, phù hợp với kế hoạch phát triển khoa học công nghệ của CHDCND Triều Tiên nhằm xây dựng kinh tế và nâng cao mức sống của người dân. Ngoài ra, theo CHDCND Triều Tiên, quyền sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình đã được luật pháp quốc tế công nhận và nó phản ánh ý chí của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thực thi quyền hợp pháp của mình về việc phóng vệ tinh đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế bình tĩnh để tình hình không phát triển theo hướng tiêu cực.

Các nhà phân tích đều cho rằng đưa được vệ tinh lên quỹ đạo cũng đồng nghĩa với việc có công nghệ để đưa đầu đạn tới một khu vực đã được nhằm mục tiêu, nói cách khác, với việc phóng thành công vệ tinh vào vũ trụ, Bình Nhưỡng đã khống chế được đích đến của tên lửa. Điều này còn đáng chú ý hơn khi theo thống kê, CHDCND Triều Tiên tuy đã làm chủ được công nghệ tên lửa tầm thấp và tầm trung, nhưng những lần phóng tên lửa tầm xa trước đây (trong các năm 1998, 2006, 2009 và gần đây nhất là tháng 4/2012) đều thất bại.

Cuối cùng thì vệ tinh quan trắc Trái Đất Kwangmyungsong - 3 đã được CHDCND Triều Tiên đưa lên quỹ đạo thành công bằng tên lửa tầm xa ngày 12/12. Trái với sự vui mừng của người dân CHDCND Triều Tiên, nhiều nhà phân tích lo ngại sự việc này sẽ ảnh hưởng xấu đến những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hoà bình trên bán đảo Triều tiên, không có lợi cho sự ổn định khu vực./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác