Miễn giảm thuế cho doanh nghiệp - giải pháp tạm thời nhưng hữu hiệu

(VOV5) - Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý đầu năm 2012 đang giảm xuống mức thấp nhất, nhu cầu tiêu dùng giảm và lĩnh vực công nghiệp gặp khó khăn, Nghị quyết về miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp mà Quốc hội khóa 13 vừa  thông qua tại kỳ họp thứ ba, đã mang lại những tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Nghị quyết này, đồng thời đưa ra những kiến nghị để Nghị quyết này được triển khai hiệu quả, giúp tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp.


Miễn giảm thuế cho doanh nghiệp - giải pháp tạm thời nhưng hữu hiệu    - ảnh 1

Theo Nghị quyết, có 2 phương án giảm, miễn thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2012. Thứ nhất, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 cho một số đối tượng doanh nghiệp, bao gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế tổng công ty. Đồng thời, giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong sản xuất, gia công, chế biến, như: nông sản, lâm thủy sản, dệt may, da giầy, linh kiện, xây dựng các công trình kinh tế xã hội. Thứ hai, miễn thuế khóa, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê, đối với công nhân, người lao động, sinh viên, hộ cá nhân chăm sóc, trông giữ trẻ, hộ cá nhân tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân, với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, mức trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.

Theo tính toán, toàn bộ gói giải pháp miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, bao gồm cả những giải pháp mà Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo thẩm quyền, tác động tài chính đến sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế khoảng 29 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế sẽ để lại cho doanh nghiệp tiền vốn ước tính khoảng 16 nghìn tỷ đồng. Các giải pháp miễn giảm thuế giúp doanh nghiệp giảm chi phí và các giải pháp tài chính khác có giá trị khoảng 13 nghìn tỷ đồng. Ông Đỗ Văn Vẻ, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, đánh giá: “Tôi cho rằng gói 29 nghìn tỷ đồng này là chủ trương hoàn toàn đúng. Hiện nay doanh nghiệp đang khó khăn, ốm yếu, nên gói 29 nghìn tỷ đồng này là liều thuốc quý, tức là tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm sức khỏe để vượt qua giai đoạn khó khăn, giúp doanh nghiệp vươn lên, phát triển. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần có sự cố gắng, làm thế nào để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, vươn ra xuất khẩu.”    

Gói giải pháp 29 nghìn tỷ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên lại có tác động một phần đối với ngân sách Nhà nước. Nếu giãn, giảm thuế cho cá nhân, doanh nghiệp, ước tính các giải pháp về thuế, phí sẽ tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2012 khoảng 9 nghìn tỷ đồng. Ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, khẳng định: “Các doanh nghiệp đang đứng trước tình trạng khó khăn như hiện nay thì một loạt các biện pháp như giãn, hoãn các loại thuế cũng ảnh hưởng tới ngân sách Nhà nước. Nên điều chỉnh ở mức độ là những doanh nghiệp nào được miễn, giảm, hoặc ưu tiên thuế, cần phải xác định đối tượng một các rõ ràng. Nếu không rõ ràng, một là sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu, thứ hai là sẽ không minh bạch và công khai trong vấn đề đó nên rất cần được quan tâm.”

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp hiện nay là tiếp cận tín dụng, lãi suất cao, hàng tồn kho lớn. Đánh giá chung về gói giải pháp miễn, giảm thuế của Chính phủ lần này, nhiều đại biểu cho rằng là cần thiết ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, về lâu dài, Nhà nước vẫn cần phải có những định hướng đầu tư phát triển để doanh nghiệp có thể trụ được và phát triển bền vững. Không ít chuyên gia kinh tế cho rằng ngoài những biện pháp hỗ trợ đồng bộ, điều quan trọng là Chính phủ cần cải thiện và làm mới môi trường kinh doanh, tạo “đất lành” cho doanh nghiệp khai sinh, tồn tại./.

Phản hồi

Các tin/bài khác