Những vấn đề then chốt trong Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung lần thứ 5

(VOV5) - Trong 2 ngày 10 và 11/7, các quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ và Trung Quốc tham dự Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 5 tại Washington. Diễn ra giữa lúc mối quan hệ song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang gặp nhiều sóng gió, cuộc đối thoại lần này, tiếp sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng trước, được dư luận trông đợi là cơ hội để giúp hai bên tiến thêm một bước quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới.

Theo nguồn tin chính thức từ phía Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, tại cuộc đối thoại lần này, lãnh đạo 20 bộ ngành của cả hai nước tham gia thảo luận về các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế-tài chính trên các khía cạnh song phương, khu vực và toàn cầu. Trước thềm cuộc đối thoại, đã có không ít các nhà phân tích, bình luận, quan sát quốc tế nhận định với Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung lần này, chính phủ hai nước đã đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới. Tuy nhiên, để đi tới đích là một quá trình chông gai, bởi giữa hai bên còn nhiều bất đồng trên hàng loạt vấn đề, cả trong quá khứ và mới nảy sinh, mà nếu không giải quyết triệt để thì khái niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới” sẽ khó lòng định vị được.


Những vấn đề then chốt trong Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung lần thứ 5  - ảnh 1
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Khổng Huyền Hựu (Ảnh: QĐND)


Trước hết, rào cản trong quan hệ song phương Mỹ-Trung nằm ở vấn đề kinh tế-thương mại. Không thể phủ nhận suốt 34 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, mậu dịch thương mại song phương đã tăng 198 lần. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại Mỹ-Trung đã tăng từ 270 tỷ USD lên gần 500 tỷ USD. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế-thương mại quá nóng cũng song hành với một số tranh chấp và nghi ngờ lẫn nhau. Cùng với đó, khoảng cách chênh lệch giữa hai nước rất lớn. Ước tính hiện các nhà đầu tư Mỹ đang phải đối mặt với các rào cản hoặc những hạn chế về quyền sở hữu trong khoảng 90 lĩnh vực tại Trung Quốc, trong khi đó, các công ty Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Mỹ lại luôn lo ngại nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các quyết định bất lợi từ Quốc hội Mỹ hoặc bị từ chối vì lý do đảm bảo an ninh. Mặc khác, vấn đề định giá đồng nhân dân tệ cũng là đề tài gây tranh cãi dai dẳng giữa hai cường quốc, gây cản trở trong giao dịch thương mại. Mỹ lâu nay vẫn cho rằng chính quyền Trung Quốc đã định giá quá thấp đồng nhân dân tệ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước này có nhiều lợi thế về giá hơn so với các nước khác trong thương mại quốc tế.

Cùng với những tranh chấp trong thương mại, vấn đề an ninh mạng cũng là vấn đề nhức nhối trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Báo cáo của Ủy ban Giám sát hoạt động đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ Mỹ đưa ra gần đây ước tính, mỗi năm nền kinh tế này thiệt hại khoảng 300 tỷ USD do các cuộc tấn công quy mô lớn của tin tặc quốc tế, trong đó tin tặc từ Trung Quốc là thủ phạm hàng đầu. Trong khi tranh cãi này chưa ngã ngũ thì vấn đề ngày càng trở nên phức tạp hơn sau khi trong số các thông tin về chương trình giám sát mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bị Cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ có nhắc tới các mục tiêu tấn công là mạng máy tính của trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh và Đại học Hong Kong. Bởi vậy, tại Cuộc đối thoại lần này, Trung Quốc hy vọng sẽ nhận được sự giải thích cụ thể từ phía Mỹ. Trong khi đó, theo tin từ phía Bộ ngoại giao Mỹ, Mỹ chỉ muốn hai bên tập trung vào các vụ đánh cắp thông tin thương mại và các tài sản trí tuệ khác. Đây là điểm hai bên chắc chắn sẽ không đạt được nhận thức chung tại cuộc đối thoại lần này. Bên cạnh đó, việc Mỹ bán vũ khí quân sự cho Đài Loan (Trung Quốc) cũng là nguyên cớ làm rạn nứt quan hệ quân sự song phương Mỹ-Trung. Hàng loạt các vấn đề khu vực và quốc tế khác cũng tác động không nhỏ đến quan hệ Mỹ-Trung như vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, về tranh chấp lãnh hải ở khu vực Đông Á. Mặc dù hiện tại, Mỹ vẫn tuyên bố trung lập trong các tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại châu Á, phủ nhận vai trò trung gian giữa các bên, đồng thời kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tránh các hàng động làm ảnh hưởng tiêu cực tới tự do hàng hải trong khu vực, nhưng Trung Quốc luôn cho rằng chính sách tái cân bằng lực lượng tại châu Á mà chính quyền Obama đang thực hiện đã và đang trở thành đòn bẩy cho các nước đang bị Trung Quốc lấn lướt và tạo nên thế cân bằng trong khu vực.  

Rõ ràng là việc hai nước Trung – Mỹ tạo dựng quan hệ nước lớn kiểu mới vẫn đang trong quá trình thăm dò tìm tòi. Bởi đặc điểm nổi bật và cũng là nhược điểm chính trong quan hệ giữa 2 cường quốc là việc thiếu lòng tin chiến lược lẫn nhau. Các gặp gỡ thượng đỉnh hoặc cấp cao Mỹ-Trung khó lòng khắc phục được sự thiếu hụt cơ bản này và cuộc đối thoại thường niên lần này cũng không là ngoại lệ, tuy nhiên có thể giúp giảm thiểu các hiểu lầm có thể dẫn tới đổ vỡ quan hệ. Quan hệ giữa hai nước được đánh giá là đang đi theo hướng cân bằng hơn từ sau cuộc gặp cấp cao hồi tháng trước giữa ông Obama và ông Tập Cận Bình với những phát ngôn mạnh mẽ từ hai phía. Tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng nên là nhận thức chung của chính quyền và người dân hai nước trên con đường xây dựng quan hệ đối tác kiểu mới Mỹ-Trung và đây là điều mà dư luận đang mong đợi từ Cuộc đối thoại chiến lược lần này./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác