Nóng cuộc đua bầu cử ở Venezuela

(VOV5)- Chiến dịch tranh cử tổng thống Venezuela kết thúc vào ngày hôm nay, 11/4, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử chính thức ở quốc gia Nam Mỹ này vào ngày 14/4 tới. Cho đến thời điểm này, cuộc chạy đua giữa 2 đối thủ chính là Tổng thống lâm thời Nicolas Maduro và đại diện Ban đoàn kết dân chủ, ông Henrique Capriles đang đến hồi quyết liệt. Lựa chọn người có khả năng kế thừa, phát huy các “di sản” mà ông Chavez để lại hay người có chủ trương đưa Venezuela quay lại nền kinh tế thị trường theo chủ nghĩa tự do mới là điều mà cử tri nước này đang cân nhắc.


Vào thời điểm cuộc bầu cử đang đến gần, ông Maduro và Capriles đều đang chỉ trích lẫn nhau bằng những cáo buộc, có cả những chỉ trích cá nhân khá gay gắt. Trong khi ông Maduro cam kết sẽ thực hiện kế hoạch chủ nghĩa xã hội quốc gia lần hai giai đoạn 2013-2019, kế thừa từ cố Tổng thống Chavez, thì ông Capriles liệt kê những cam kết chưa hoàn thành của chính phủ dưới thời cố Tổng thống Chavez, chỉ trích chính phủ hiện tại tham nhũng và không hiệu quả, tỷ lệ tội phạm cao và thiếu các mặt hàng thiết yếu. Thậm chí, ông Capriles còn liên tục cáo buộc ông Maduro che đậy thông tin về tình hình sức khỏe của cố Tổng thống Chavez trong lúc chuẩn bị cho việc ứng cử của mình. Đáp lại lời cáo buộc, ông Maduro cho rằng ứng cử viên phe đối lập đã xúc phạm đến gia đình cố Tổng thống Chavez và có thể đối mặt với thủ tục pháp lý do chỉ trích cách giải quyết của chính phủ đối với bệnh tình và việc Tổng thống Chavez qua đời.


Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới nhất, ông Maduro bỏ xa đối thủ với 61,9% số người được hỏi tin rằng ông Maduro sẽ đắc cử tổng thống, trong khi chỉ 19,9% tin vào chiến thắng của ông Capriles. Trước đó, nhiều cuộc điều tra dư luận cũng cho những kết quả tương tự: Tổng thống lâm thời Nicolas Maduro vẫn chiếm ưu thế hơn so với ứng cử viên đối lập Enriques Capriles với khoảng cách biệt tương đối.

Các nhà phân tích nhận định, mặc dù chính phủ của cố Tổng thống Chavez  chưa giải quyết được triệt để một số vấn đề về kinh tế, xã hội như tình hình an ninh hay tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao, song trong suốt 14 năm cầm quyền, cố Tổng thống Hugo Chavez đã cải thiện một cách có hiệu quả cuộc sống của người nghèo và đây chính là lợi thế lớn của Tổng thống lâm thời Maduro trong cuộc bầu cử lần này. Thêm vào đó, Tổng thống tạm quyền Maduro khôn khéo dành thiện cảm của đông đảo cử tri khi chọn thành phố Sabaneta ở bang Barinas, quê hương của cố Tổng thống Hugo Chavez, làm địa điểm khởi động chiến dịch tranh cử. Bởi tuy đã qua đời nhưng ảnh hưởng của cố tổng thống Chavez đối với ông Maduro tại cuộc bầu cử lần này rất lớn. Trong các bài phát biểu, ông Maduro luôn nhắc nhở cử tri rằng chính cố tổng thống Chavez đã chọn ông làm người kế nhiệm để tiếp tục các chính sách cải cách. Bằng việc hoạch định tuyến đường tranh cử giống như chặng đường mà cố tổng thống Chavez đã đi qua trong chiến dịch tranh cử 6 tháng trước, ông Maduro cam kết đẩy mạnh các chương trình cải cách xã hội, trung thành theo đuổi cam kết của cố Tổng thống Chavez với Cách mạng Bolivar và chủ nghĩa xã hội ở Venezuela.


Trong khi đó, ứng viên Capriles, mặc dù dành nhiều thời gian để chỉ ra những yếu kém của chính phủ dưới thời Tổng thống Chavez nhưng không đưa ra được các giải pháp để giải quyết. Thậm chí, trước thềm vận động tranh cử, ông Capriles còn chần chừ mất một ngày để quyết định liệu có đại diện cho phe đối lập ra tranh cử. Đây là điểm yếu để những người ủng hộ ông Maduro chỉ trích là kém nhiệt huyết và thiếu tự tin với khả năng lãnh đạo đất nước. Thêm vào đó là đường hướng tranh cử của ứng cử viên đối lập này được cho là không rõ ràng và thiếu kiên định. Trong cuộc tranh cử lần trước hồi tháng 10/2012, để chạy đua với ứng cử viên đương kim Tổng thống Hugo Chavez, ông Capriles tuyên bố, nếu đắc cử, ông sẽ xây dựng một mô hình phát triển kiểu Brazil tại Venezuela. Theo đó, khu vực công và tư cùng hợp tác phát triển, trong khi Nhà nước đóng vai trò gây dựng lòng tin và tôn trọng mọi quy định. Về đối ngoại, ứng cử viên này nhấn mạnh theo đuổi chính sách mở cửa và hội nhập trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, trong cuộc tranh cử  lần này, ông Capriles lại tuyên bố hướng trọng tâm vào những vấn đề thường nhật, từ tình trạng cắt điện tới tình hình tội phạm và tỷ lệ lạm phát cao. Một điểm được cho là thiếu khôn ngoan nữa của ông Capriles là đã công khai lên án Tổng thống tạm quyền Maduro lợi dụng tình hình sức khỏe của cố Tổng thống Chavez để phục vụ cho mục đích vận động tranh cử. Điều này chẳng những không thu hút sự chú ý của cử tri mà còn gây tác dụng ngược khi bị chỉ trích là “không công bằng, không có tình người”. Thậm chí, người thân của cố Tổng thống Chavez lên tiếng yêu cầu phe đối lập tôn trọng nỗi đau của gia đình mình và cho biết họ có thể có hành động pháp lý chống lại ông Capriles.


Hiện tại, rõ ràng lợi thế đang nghiêng về quyền Tổng thống Maduro và chỉ còn 3 ngày nữa, dinh Tổng thống Miraflores ở quốc gia Nam Mỹ này sẽ chính thức đón chủ nhân mới. Dù ai lên nắm quyền, điều mà người dân quốc gia này thực sự mong muốn là người đó phải có khả năng tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, đưa Venezuela tiếp tục phát triển trên con đường ấm no, thịnh vượng./.

Phản hồi

Các tin/bài khác