Syria trước lá bài vũ khí hoá học

(VOV5)- Sau nhiều lần thương thuyết, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad cuối cùng cũng đã đồng ý cho các thanh sát viên của Liên hợp quốc tới điều tra tại 3 địa điểm bị nghi ngờ là từng có vũ khí hóa học được sử dụng. Mục đích của cuộc điều tra chỉ nhằm kết luận vũ khí hóa học có được sử dụng ở Syria hay không mà không quan tâm tới ai đã sử dụng chúng. Tuy nhiên, những gì diễn ra tại Syria trong 2 ngày qua lại khiến dư luận quan ngại có lực lượng cố tình lợi dụng chiêu bài vũ khí hoá học để tạo cớ can thiệp sâu hơn vào quốc gia Trung Đông này.

 

Đoàn thanh sát viên Liên hợp quốc (LHQ) dưới sự điều hành của chuyên gia người Thụy Điển Aake Sellstroem, tới thủ đô Damacus của Syria, ngày 18/8 với tuyên bố tiến hành điều tra một cách độc lập và công bằng. Theo kế hoạch, các thanh sát viên sẽ thanh sát 3 địa điểm. Đầu tiên là Khan A-al-Assal, nơi mà Chính phủ Syria cáo buộc lực lượng nổi dậy sử dụng vũ khí hóa học làm chết 26 người hôm 19/3, trong khi phe đối lập cho rằng Chính phủ đã thực hiện vụ tấn công. Hai địa điểm thanh sát còn lại không được Liên hợp quốc tiết lộ.

 

Cuộc điều tra của Liên hợp quốc diễn ra trong bối cảnh tổ chức này đã nhận được 13 báo cáo, phần lớn là từ Anh, Pháp và Mỹ, về những vụ sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Tuy không công bố rộng rãi nhưng dương như dư luận cũng đoán được các báo cáo này đề cập vấn đề gì. Pháp khẳng định chắc chắn khí sarin đã được sử dụng nhiều lần và trong phạm vi địa phương ở Syria. Trong khi đó, Nhà Trắng đưa ra cáo buộc nghi ngờ chính phủ Syria sử dụng vũ khí này. Washington từng thẳng thừng răn đe việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học sẽ là hành động vượt qua ranh giới đỏ và buộc cộng đồng quốc tế phải tiến hành can thiệp quân sự. Mặc dù cáo buộc Syria nắm trong tay những loại vũ khí hóa học gây hại thần kinh song đến nay, Mỹ và phương Tây vẫn chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào. Cục Tình báo Trung ương Mỹ chỉ ước tính, Syria có thể sở hữu hàng trăm lít vũ khí hóa học và hàng năm sản xuất hàng trăm tấn chất độc hóa học, kho vũ khí được cho là đồ sộ nhất Trung Đông.  


Syria trước lá bài vũ khí hoá học - ảnh 1
Bức ảnh được cho là chụp nạn nhân vũ khí  hóa học tại Syria (ảnh: times.co.uk)


Đáp trả cáo buộc trên, Bộ Ngoại giao Syria khẳng định các kho vũ khí giết người hàng loạt hay bất kỳ loại vũ khí bị cấm mà Syria đang sở hữu sẽ không bao giờ được sử dụng để chống lại dân thường dù cho cuộc khủng hoảng có leo thang đến đâu. Những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này sẽ chỉ được sử dụng một cách có kiểm soát trong trường hợp Syria bị tấn công từ bên ngoài. Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Ja'afari cũng cho rằng việc đối phương tung tin nước này sử dụng vũ khí hóa học tại Syria nhằm phục vụ cho những ý đồ chính trị riêng. Đồng tình quan điểm này, Nga cũng cáo buộc một số thành viên phương Tây đang cố tình thổi phồng vấn đề vũ khí hóa học ở Syria, đồng thời nhắc khéo rằng thế giới từng chứng kiến một vụ can thiệp ở Iraq với cái cớ vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng cuối cùng đó chỉ là lời nói dối trắng trợn mà thôi.

 

Khi sự thật về câu chuyện vũ khí hóa học tại Syria còn chưa rõ ràng thì các nước phương Tây đã vội vàng coi đây là cái cớ để dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với lực lượng đối lập ở Syria.

Và lần này, chỉ 2 ngày sau khi đoàn thanh sát của Liên hợp quốc đến Syria, các nhà hoạt động đối lập ở Syria đã tải lên mạng hình ảnh những thi thể người chết ở ngoại ô Damascus, đồng thời nói rằng đây là nạn nhân mới nhất của các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của lực lượng chính phủ đêm 20/8. Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đối lập ngay lập tức kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn. Trong phản ứng nhanh bất thường, Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố nước này sẽ đưa vụ tấn công trên lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và hy vọng các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria sẽ cảnh tỉnh những người ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad về bản chất của chế độ này. Tổng thống Pháp Francois Hollande thì kêu gọi các điều tra viên của Liên hợp quốc tới khu vực xảy ra vụ tấn công. Trong khi đó, quân đội Syria phủ nhận cáo buộc trên và cho rằng đây là dấu hiệu của sự cuồng loạn và lúng túng của lực lượng chống đối Tổng thống Bashar al-Assad. Bộ Ngoại giao Nga nhận dịnh các cáo buộc dường như nhằm làm xói mòn các nỗ lực triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế về Syria sắp tới ở Geneva.

 

Cuộc nội chiến tại Syria bùng phát từ tháng 3/2011 tới nay, đã khiến hơn 100 nghìn người thiệt mạng và gần 1,8 triệu người phải rời bỏ đất nước. Trong khi những nỗ lực hoà giải đang bế tắc thì việc lợi dụng các cáo buộc sử dụng vũ khí hoá học chỉ khiến cho tình hình Syria thêm rối ren và là hành động đốt cháy mọi nỗ lực hoà bình./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác