Tấn công Syria- Hành động nguy hiểm của Israel

(VOV5) - Chỉ trong 3 ngày từ 3 – 5/5, Israel đã hai lần không kích lãnh thổ Syria. Hành động tấn công đơn phương của Israel làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế về  việc vi phạm chủ quyền, làm nội chiến tại Syria thêm rối ren, thậm chí còn là nguy cơ châm ngòi bùng phát xung đột trong toàn khu vực.


Tấn công Syria- Hành động nguy hiểm của Israel - ảnh 1

Tên lửa của Quân đội Syria đặt các mục tiêu ở Israel vào tầm ngắm (Ảnh: rumorsofwars.com)



Vụ không kích mới nhất của Israel ngày 5/5 nhằm đúng khu căn cứ quân sự Jamraya ở phía Tây Bắc thủ đô Damascus. Đây dường như không phải là một sự tình cờ ngẫu nhiên khi mà 4 tháng trước, Israel cũng đã không kích trung tâm này. Biện minh cho hành động của mình, một quan chức Israel tiết lộ các vụ không kích chỉ nhằm vào kho vũ khí chính quyền Syria định chuyển giao cho lực lượng Hezbollah tại Lebanon, lực lượng đối đầu với Israel. Vũ khí mà Israel đề cập ở đây là tên lửa Fateh-110, vốn được cho là do Iran sản xuất, nhằm cung cấp cho lực lượng Hezbollah,  có khả năng bắn tới trung tâm Israel.


Ngay sau vụ tấn công, Syria tuyên bố sẽ cung cấp cho phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon các loại vũ khí mới có chất lượng. Chính phủ Syria cũng tuyên bố các vụ tấn công của Israel bên trong lãnh thổ nước này là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, khiến khu vực Trung Đông nguy hiểm hơn. Trong cuộc họp khẩn, nội các Syria tuyên bố sẽ để ngỏ mọi khả năng nhằm trả đũa vụ không kích của Israel. Thậm chí, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal al Mekdad khẳng định với cuộc không kích này, Israel đã tuyên chiến với chính quyền Damascus. Syria cũng đã khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc về vụ việc này.


Hành động của Israel cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ không kích của Israel vào lãnh thổ quốc gia Trung Đông này và kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của tất cả các nước trong khu vực, tuân thủ mọi nghị quyết có liên quan của Hội đồng bảo an LHQ. Trong khi đó, Liên đoàn Arập (AL) yêu cầu Hội đồng Bảo an hành động ngay lập tức để chấm dứt các cuộc tấn công của Israel vào Syria, được mô tả như một sự nguy hiểm vi phạm chủ quyền của một quốc gia Ả Rập. Trung Quốc và Nga cũng đều đưa ra tuyên bố phản đối việc sử dụng vũ lực, đồng thời cho rằng chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào cũng phải được tôn trọng. Bộ ngoại giao Anh thì cảnh báo hành động của Israel có thể khiến bạo lực tại Syria lan rộng ra toàn khu vực. Một số nhà quan sát phương Tây cũng đánh giá với các cuộc không kích trên, Israel đang chủ động leo thang căng thẳng.


Việc Israel liên tiếp không kích Syria trong những ngày qua không đơn giản chỉ là ngăn chặn cung cấp vũ khí cho Hezbollah như lời thừa nhận của một quan chức Israel. Đằng sau hành động này còn ẩn chứa những dụng ý khác của nhà cầm quyền Israel. Trước hết, dường như hành động này là nhằm hỗ trợ, tạo hậu thuẫn quân nổi dậy Syria. Vì ngay sau các cuộc không kích của Israel, quân nổi dậy đã nã đạn cối vào trung tâm nghiên cứu ở Jamraya và tiến hành các cuộc tấn công vào một số căn cứ của quân đội bảo vệ thủ đô. Phía Syria tố cáo việc Israel tấn công các mục tiêu ở Damascus là khích lệ tinh thần của phiến quân, sau những thát bại thảm hại gần đây trên chiến trường. Mục tiêu thứ 2, mục tiêu sâu xa hơn, mà Israel nhắm tới là kích hoạt phản ứng quân sự của quân đội Syria để châm ngòi một cuộc chiến tranh và tạo cái cớ hợp lý dẫn đến can thiệp quân sự của nước ngoài. Điều này cũng trùng với ý muốn của phe đối lập ở Syria khi lực lượng này từng kêu gọi nước ngoài can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến hiện nay, với lý do bảo vệ dân thường.


Cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua tại Syria đã khiến hơn 70.000 người thiệt mạng và 1,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Hiện nay, với các vụ không kích của Israel, xung đột tại quốc gia Trung Đông này càng phức tạp, rối ren hơn. Tình hình này đòi hỏi chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad phải tỉnh táo trong việc lựa chọn các giải pháp đối phó đồng thời cảnh báo cộng đồng quốc tế cần đưa ra những giải pháp mạnh mẽ trước khi tình hình tại Syria bị đẩy đi quá xa, khiến Trung Đông rơi vào vòng xoáy bất ổn mới./.

Phản hồi

Các tin/bài khác