Tăng cường sự hiện diện ở Châu Á-Thái Bình Dương

(VOV5)- Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang thực hiện chuyến công du 11 ngày tới Châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh ba chặng dừng quan trọng là Trung Quốc, Indonesia và Nga, Ngoại trưởng Mỹ còn ghé quần đảo Cook, Brunei và Đông Timor. Trong bối cảnh khu vực đang căng thẳng bởi các tranh chấp chủ quyền trên biển, chuyến công du của bà Hillary không nằm ngoài mục đích tăng cường uy thế ngoại giao và quân sự ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, khẳng định vị trí của khu vực này trong chiến lược ngoại giao hướng Đông của Washington.

Tăng cường sự hiện diện ở Châu Á-Thái Bình Dương - ảnh 1

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

Chặng dừng chân đầu tiên kéo dài 3 ngày là một điểm đến khá mới mẻ - quần đảo Cook. Tại đây, bà Clinton đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh khu vực quần đảo Thái Bình Dương lần thứ 43 và trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tham dự Hội nghị này. Quần đảo nhỏ bé với dân số hơn 24 nghìn người  với diện tích hơn 240km2 có lẽ còn là cái tên xa lạ với rất nhiều người. Tuy nhiên, trong cuộc đua tăng cường sự ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đã nhìn thấy giá trị, tầm quan trọng địa chiến lược của tiền đồn xa xôi này. Tuy là các quốc gia đảo nhỏ nhưng giàu tài nguyên, hơn nữa lại là khu vực chịu ảnh hưởng của Australia và New Zealand, vốn là hai đồng minh thân cận của Mỹ, vì vậy chuyến đi tới quần đảo Cook của bà Hillary Clinton được giới phân tích nhìn nhận là cũng nhằm thúc đẩy hợp tác với các quốc đảo, hạn chế bớt ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực này.

Rời quần đảo Cook, bà Hillary Clinton đã đến thăm Indonesia với mục tiêu là nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ “đối tác toàn diện” song phương và thảo luận về những cam kết của hai nước liên quan đến các vấn đề khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định thảo luận về tranh chấp biển Đông và các vấn đề của Cộng đồng Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mới là chủ đề chính của chuyến ghé thăm này. Đánh giá cao vai trò của Indonesia trong ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi sự đoàn kết giữa các nước ASEAN nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, đồng thời kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc giải quyết bất đồng xoay quanh tranh chấp trên thông qua tiến trình đàm phán ngoại giao.

Sau Jakarta, Ngoại trưởng Hoa Kỳ có mặt ở Bắc Kinh trong 2 ngày hôm nay và ngày mai để thảo luận về “một loạt vấn đề quan trọng trong quan hệ Trung-Mỹ”. Đó là vấn đề nhân quyền, cách thức giải quyết bất ổn ở Syria và một nội dung quan trọng khác là thảo luận các tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông. Trước chuyến công du, hôm 28/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, vấn đề Biển Đông là nội dung thảo luận quan trọng với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và quan điểm mọi tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết một cách "không ép buộc" và "không đe dọa" chắc chắn sẽ được nhắc đến. Dù không tuyên bố chủ quyền nhưng Mỹ luôn khẳng định nước này có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và an ninh tại Biển Đông. Washington “kêu gọi đàm phán đa phương về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông và nghĩ đó là cách tốt nhất để giải quyết các tranh chấp tại vùng biển này”. Bà Hillary cũng bàn với giới chức Trung Quốc về vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vốn nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Ngoài ra, chuyến đi này của Ngoại trưởng Mỹ còn được cho là nỗ lực của Washington nhằm xây dựng quan hệ đối tác với những nhân vật được cho là sẽ tiếp nhận quyền lãnh đạo Trung Quốc vào cuối năm nay.

Trong chuyến công du lần thứ 3 này tới châu Á (kể từ tháng 5-2012), Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ tới thăm Đông Timor và trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới quốc gia này kể từ khi Đông Timor giành được độc lập từ Indonesia năm 2002. Theo tờ Jakarta Post (Indonesia), trong các cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Đông Timor, bà Clinton sẽ nhấn mạnh cam kết ủng hộ của Mỹ đối với nền dân chủ non trẻ của quốc gia này. Ngoại trưởng Mỹ cũng ghé Brunei, nước sẽ trở thành chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2013. Sau cùng bà Clinton sẽ thay mặt Tổng thống Barack Obama để dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC trong hai ngày 08-09/08 tại Vladivostok vùng Viễn Đông Nga. Ngoài các chủ đề chung là “tự do hóa thương mại, an ninh lương thực và tăng trưởng xanh”, Ngoại trưởng Mỹ sẽ thảo luận với đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov về nhiều hồ sơ, trong đó có vấn đề Syria.

Rõ ràng là, chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ lần này không nằm ngoài mục đích giành ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường liên kết. Mặt khác, trong lúc Hoa Kỳ chuyển đổi chính sách đối ngoại với tâm điểm trở lại châu Á, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang nỗ lực tạo ra một trục Thái Bình Dương để đối phó với một Trung Quốc đang gia tăng quyền lực và ảnh hưởng với căng thẳng ngày càng tăng trong khu vực. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã từng tuyên bố rằng “những điều sẽ diễn ra tại châu Á trong những năm tới sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của Mỹ. Washington không thể đứng bên lề và để cho những nước khác quyết định tương lai của nước Mỹ”. Bởi vậy, chuyến đi của bà Clinton lần này là nhằm chứng tỏ Washington coi trọng khu vực này, thể hiện vai trò của mình trong việc ổn định tình hình trong khu vực và quan trọng hơn là thiết lập thêm những mối quan hệ gần gũi hơn./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác