Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân

(VOV5) - Trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, một vấn đề được dư luận đề cập nhiều là vai trò giám sát của nhân dân đối với hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan. 

Nhiều ý kiến khẳng định cơ chế kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong tổ chức và thực thi công quyền. Việc xây dựng một cơ chế kiểm soát hợp lý, đầy đủ và hiệu lực sẽ bảo đảm cho guồng máy quyền lực luôn hoạt động hết công suất. Ông Lương Hùng Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định, cho biết: “Nên có 1 chương riêng quy định về hệ thống chính trị, quy định chức năng các cơ quan và nguyên tắc vận hành của hệ thống. Chúng ta xây dựng Nhà nước của dân do dân và vì dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Mặt trận đại diện cho nhân dân giám sát lại không mang tính quyền lực thì không đúng tinh thần. Nên tôi cho rằng chỗ này liên quan cả đến vấn đề đại diện. Việc đại diện cũng phải phân cấp. Đại diện của Mặt trận là đại diện trực tiếp, gần dân nhất. Vì vậy, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, giám sát của nhân dân nên là giám sát tối cao. Nhân dân có thể chất vấn trực tiếp Chủ tịch nước, Thủ tướng.” 


Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân - ảnh 1
(Ảnh: baoyenbai)


Trên cơ sở Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị, xã hội với chức năng, quyền hạn, mối quan hệ chính trị, xã hội, pháp lý của mình đều nằm trong nội hàm nhân dân, phục vụ nhân dân; mọi việc đều nhằm thực hiện “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”, nên theo ông  Phạm Ngọc Huy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Hưng Yên, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần ghi rõ phạm vi giám sát: “Để khẳng định sự giám sát của nhân dân đối với Đảng ở khoản 2 nên sửa là chịu sự giám sát của nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật. Chúng ta nói giám sát chung chung thì sẽ khó. Chúng ta yêu cầu sau sửa đổi Hiến pháp phải có luật giám sát để giám sát Đảng, chính quyền.”

Nhiều ý kiến cũng cho rằng đối với cơ chế kiểm soát quyền lực , Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chưa quy định rõ nhằm hiện thực hóa quyền này như nội dung, hình thức, phạm vi kiểm tra, giám sát. Việc quy định hình thức dân chủ trực tiếp của nhân dân thông qua quyền bãi nhiệm của cử tri, biểu quyết khi trưng cầu ý dân, quyền phúc quyết về Hiến pháp tính khả thi chưa cao. Ngay cả đối với việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp cũng phải do Quốc hội quyết định. Điều này chưa thể hiện đầy đủ nguyên lý quyền lực thuộc về nhân dân. Do đó, cần bổ sung những vấn đề quan trọng của quốc gia phải trưng cầu ý dân. Đồng thời, mở rộng và hoàn thiện hơn nữa chế định này theo hướng nhân dân được tham gia đóng góp trực tiếp ý kiến về những vấn đề quan trọng của quốc gia. Góp ý cụ thể vào nội dung này, ông Vy Văn Vũ, Chủ tịch Uỷ ban mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Xuất phát từ vai trò giám sát quyền lực Nhà nước từ bên ngoài phải đồng bộ với giám sát quyền lực Nhà nước từ bên trong do đó cần ghi rõ Nhà nước chịu sự giám sát của nhân dân và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam nhằm thể hiện vị thế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận cân bằng với vị thế giám sát của Đảng , nhà nước trong hoạch định cơ chế chính sách.”.

Hiến pháp là đạo luật gốc, xác lập đầy đủ và cao nhất ý chí của nhân dân. Sự phát triển và hoàn thiện Hiến pháp về cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực nhà nước để tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân là điều kiện quan trọng bảo đảm sự ổn định của xã hội và phát triển bền vững của đất nước, đáp ứng yêu cầu tự thân của quá trình xây dựng và vận hành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác