Tập trung tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

(VOV5) - Vấn đề tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2012 diễn ra trong hai ngày 3-4/5. Theo đó, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một Nghị quyết về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.


Tập trung tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh - ảnh 1

Trong Báo cáo tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2012 và một số biện pháp tháo gỡ khó khăn tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết nhờ việc thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong 4 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành như thủy sản, nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, một số ngành hàng xuất khẩu… đã được cải thiện đáng kể.Tuy nhiên, tình hình vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, hàng tồn kho lớn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cao hơn so với cùng kỳ năm trước…Trong 4 tháng đầu năm 2012 tổng số doanh nghiệp đã thực hiện việc giải thể và dừng hoạt động tiếp tục tăng lên.Tình hình khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có  nguyên nhân từ bối cảnh kinh tế thế giới, nguyên nhân từ diễn biến kinh tế trong nước và nguyên nhân nội tại trong bản thân các doanh nghiệp. Sau khi phân tích thực trạng, nguyên nhân khó khăn của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ các Bộ, ngành chức năng cần hết sức lưu ý tới việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, đồng thời đưa ra chính sách thuế phù hợp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chính phủ nhất trí là tiếp tục phấn đấu năng động, tích cực, quyết liệt điều hành để có những giải pháp sát thực, hiệu quả để đạt mục tiêu này đề ra mà có triển vọng, có khả năng đạt được. Vấn đề đặt ra là giải pháp tổ chức, điều hành, tổ chức thực hiện. Trong chính phủ chúng ta phải quyết liệt, phối hợp đồng bộ, sát thực tế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tiếp tục thực hiện lộ trình hạ lãi suất theo xu hướng giảm dần của lạm phát; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được với vốn vay để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Bộ, ngành, địa phương phải chủ động tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe các phản ứng chính sách từ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh chính sách phù hợp. Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết riêng, trong đó tập trung vào các gói giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp phát triển. Theo đó, sẽ  áp dụng linh hoạt các chính sách, biện pháp thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng... Về điều này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, trong cuộc họp báo kết thúc phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 4-5-2012, cho biết: “Chính phủ sẽ xem xét gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng mà bình thường các doanh nghiệp sẽ phải nộp vào tháng 4 hằng năm đến tận cuối năm hoặc đầu năm sau. Riêng gói thuế này theo như Bộ Tài chính tính toán thì sẽ hỗ trợ doanh nghiệp một khoản trên 4 ngàn tỷ đồng để cho các doanh nghiệp có điều kiện hơn. Hoặc là chúng ta sẽ cho giãn, lui thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước đến khoảng tháng 9 năm nay

Cùng với các biện pháp giãn thuế, Chính phủ cũng quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp khơi thông tiêu thụ hàng tồn kho, gắn với đầu tư chiều sâu tái cơ cấu doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho thông qua các chương trình như khuyến khích tiêu dùng, đưa hàng về nông thôn, giải ngân nhanh vốn phát triển cơ sở hạ tầng, chương trình nhà ở xã hội... Đồng thời, sẽ tăng ngân sách cho hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hỗ trợ tín dụng cho sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu...Về điều này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết: “Một trong những nguyên nhân nó không tiêu thụ được là do mức giá. Biện pháp là giảm giá, giảm giá ở đây là giảm thuế gián thu, tức là một bộ phận trong giá thì nó sẽ góp phần vào câu chuyện giảm giá, từ đó sẽ kích thích tổng cầu. Bây giờ để hỗ trợ cho doanh nghiệp thì thay vì biện pháp trực thu, tức là miễn, giãm hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp thì miễn, giãm, hoãn thuế gián thu thì nó sẽ có hiệu quả hơn nhiều”.

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 4-2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất 5 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Đó là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát, đồng thời với lộ trình giảm lãi suất, triển khai một số biện pháp cấp bách nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng ở mức hợp lý nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát quay trở lại. Song song với các giải pháp này cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cho hoạt động của doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, tăng cường năng lực dự báo tình hình kinh tế trong và ngoài nước./.

Phản hồi

Các tin/bài khác