Thông qua dự Luật H.R 1897 là đi ngược lại xu hướng phát triển của quan hệ Việt-Mỹ

(VOV5) - Hạ viện Hoa kỳ vừa thông qua cái gọi là “Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013” mang số hiệu H.R 1897, kêu gọi chính phủ Mỹ gắn các điều kiện về nhân quyền và dân chủ với viện trợ phi nhân đạo cho Việt Nam. Việc thông qua một Dự luật với những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình thực thi quyền con người và tự do tôn giáo tại Việt Nam rõ ràng là hành động đi ngược lại dòng chảy tốt đẹp của quan hệ Việt Nam- Hoa kỳ đang được lãnh đạo và nhân dân hai nước triển khai trên thực tế. 

Thông qua dự Luật H.R 1897 là đi ngược lại xu hướng phát triển của quan hệ Việt-Mỹ  - ảnh 1
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN ) theo QĐND

Dự luật Nhân quyền Việt Nam H.R 1897 do hai nghị sỹ đảng Cộng hoà là Ed Royce và Chris Smith khởi xướng. Dự Luật kêu gọi chính phủ Mỹ ngưng các khoản viện trợ phi nhân đạo cho Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam có những tiến bộ “ quan trọng” và “nghiêm túc” trong lĩnh vực nhân quyền, đòi Việt Nam thả những người vi phạm pháp luật mà họ gọi là “ tù nhân chính trị” và tôn trọng quyền tự do tôn giáo. Những người khởi xướng Dự Luật này còn  kêu gọi chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về vấn đề tự do tôn giáo”.

Trước hết, cần khẳng định là Dự luật nhân quyền Việt Nam 2013 không có gì mới so với những cái gọi là “ Dự Luật Nhân quyền Việt Nam” mà một số nghị sỹ Mỹ thiếu thiện chí vẫn thường niên trình lên Hạ viện. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh văn phòng thường trực nhân quyền Việt nam, cho biết những vấn đề trong Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013 đã được nêu ra tại cuộc đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 17, diễn ra vào tháng 4 -2013 và phía Việt Nam đã có quan điểm rõ ràng. Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Trong phiên đối thoại, phía Việt Nam cũng nêu những vấn đề  mà phía Hoa Kỳ quan tâm, liên quan đến tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet. Phía Mỹ cho rằng, Việt Nam bắt giữ và xử một số công dân là các blogger hay những người đang sử dụng Internet. Và chúng tôi đã thẳng thắn nói rằng Việt Nam xử lý những đối tượng này là vì hành vi vi phạm pháp luật của họ. Những người như Nguyễn Văn Hải hay Tạ Phong Tần đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để  thực hiện hành vi chống đối nhà nước Việt Nam, tuyên truyền, xúi giục, lôi kéo người khác, bôi nhọ, xuyên tạc các chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Dự Luật Nhân quyền Việt Nam 2013 bị chính những người Mỹ phản đối trước khi nó được trình lên Hạ viện, do tính thiếu khách quan của nó. Hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega, thành viên Tiểu ban đối ngoại Hạ viện Mỹ phụ trách châu Á-Thái Bình Dương, hồi cuối tháng 6 vừa qua, đã thẳng thắn cho rằng Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013 không phản ánh trung thực về tình hình Việt Nam và bị ảnh hưởng bởi một số người Mỹ gốc Việt thiếu thiện chí với Việt Nam. Hạ nghị sỹ Faleomavaega cho rằng mưu toan lật đổ chính quyền và đưa ra thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền Việt Nam không phải là cách làm đúng đắn. Theo ông, đã đến lúc cần gác bỏ quá khứ và bắt đầu quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh giữa người Mỹ và người Việt.

Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013 được Hạ viện Mỹ thông qua chỉ một tuần sau chuyến thăm Hoa kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chuyến thăm mà cả phía Mỹ và Việt Nam đều ghi nhận là mang lại kết quả hết sức tích cực trong tuyên bố chung giữa hai quốc gia. Theo đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barak Obama đã chính thức xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Vấn đề nhân quyền, một trong những điểm còn khác biệt giữa hai nước, cũng được trao đổi thấu đáo trong chuyến thăm, như những nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa kỳ. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thành viên của Đoàn cấp cao VN thăm chính thức Hoa kỳ, cho biết:Trên lĩnh vực nhân quyền, chúng ta đã trao đổi thẳng thắn về những lĩnh vực còn khác biệt và chúng ta cũng nói rõ những chính sách của chúng ta trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Cũng như trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chúng ta cũng có đại diện của các tôn giáo của VN sang để có thể trao đổi thẳng thắn với phía Hoa kỳ về những gì quan tâm trong lĩnh vực tôn giáo tại VN để có thể trao đổi thẳng thắn để tăng hiểu biết về tình hình tự do tôn giáo tại VN.

Vấn đề nhân quyền rồi sẽ vẫn còn được bàn thảo trong quan hệ Việt- Mỹ, nhưng nó nhất thiết không là yếu tố có thể cản trở được mối quan hệ này đang đi về phía trước. Như ông Murray Hiebert, Phó Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tin tưởng, trong nội dung trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN thường trú tại Hoa Kỳ cho rằng:Triển vọng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ rất tươi sáng. Hai  nước đã mở ra một chương mới và sẽ phải hoàn thành nó. Hai nước đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện và cần xác định những nội dung hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực như quân sự, giáo dục, môi trường…Cơ hội đang rất nhiều nhưng cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều cần có cách tiếp cận tích cực và chủ động để đưa quan hệ đối tác toàn diện đi vào thực chất. Tôi rất lạc quan về quan hệ giữa 2 nước trong tương lai.”  

Như vậy, với việc thông qua Dự luật nhân quyền Việt Nam 2013, Hạ viện Mỹ đã có một hành động đi ngược lại xu thế phát triển tốt đẹp của mối quan hệ Việt Nam- Hoa kỳ. Những hành động này hẳn sẽ bị dòng chảy chủ lưu của quan hệ hai nước cuốn trôi đi, khi mà mối quan hệ Việt Nam – Hoa kỳ vẫn đang trên đà phát triển và những phiên đối thoại về nhân quyền giữa hai nước vẫn tiếp tục được tiến hành để đạt được sự hiểu biết chung về vấn đề này./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác