Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ

(VOV5) - Quy định về đối ngoại trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện tư duy đổi mới, thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chính sách về đối ngoại trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và trong các văn kiện khác của Đảng cộng sản Việt Nam. Những quy định này sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ - ảnh 1


Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các quy định về đối ngoại đã kế thừa được những nguyên tắc cơ bản hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam ghi trong Hiến pháp hiện hành. Đó là hòa bình, hữu nghị hợp tác với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Nếu Hiến pháp hiện hành chỉ nêu Việt Nam thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị thì Dự thảo sửa đổi đã nâng lên thành đường lối đối ngoại. Đây là sự khẳng định ở tầm lớn hơn, không đơn thuần là một chính sách,  đồng thời cho thấy sự Việt Nam cam kết thực hiện một cách nghiêm túc trước sau như một đường lối đối ngoại. Ngoài ra, Điều 12 cũng đặc biệt nhấn mạnh tính chất độc lập, tự chủ, phản ánh tính sáng tạo, sự trưởng thành và vị thế của Việt Nam. Dự thảo cũng lần đầu tiên nhấn mạnh Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.  Đây là sửa đổi quan trọng thay vì giới hạn quan hệ hữu nghị và quan hệ hợp tác như Hiến pháp hiện hành. Điều này sẽ định hướng cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn tới, nói lên tính chất của quan hệ hữu nghị, hợp tác cũng như nói lên phạm vi rộng lớn của mối quan hệ đó. Đánh giá chung về những quy định này, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Dự thảo đã kế thừa các nguyên tắc và truyền thống đối ngoại căn bản của Việt Nam kể từ ngày độc lập và trong suốt quá trình phát triển vừa qua. Nó cũng rất phù hợp với sự phát triển của đất nước trong bối cảnh tình hình mới ở khu vực và quốc tế. Điều này được thể hiện rất rõ ở điều 12 trong Dự thảo về đường lối đối ngoại của đất nước và bổ sung 2 nội dung rất cân đối, xúc tích là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ , là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Và cũng có một phát triển mới là lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ góp phần bảo vệ hoà bình ở khu vực và thế giới, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.


Tuy Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có những bổ sung quan trọng nhưng để đường lối đối ngoại được hoàn thiện hơn, một số ý kiến cho rằng Dự thảo cần bổ sung thêm quy định Việt Nam tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Điều này có cơ sở khi lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam với thế giới ngày càng phong phú, không đơn thuần là hợp tác về kinh tế  - thương mại mà cả về văn hóa, xã hội, quân sự, an ninh; không chỉ hợp tác về từng lĩnh vực mà cả những vấn đề mang tính toàn cầu. Ngoài ra, cũng cần Hiến định việc Việt Nam tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để làm rõ thêm nội dung Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Phương Nga kiến nghị: “Xu hướng chung của các quốc gia hiện nay là rất đề cao vai trò của luật pháp quốc tế để điều chỉnh các quan hệ quốc tế. Hiến pháp của nhiều nước cũng thể hiện cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế như một tuyên ngôn đối ngoại hoà bình, hợp tác của các quốc gia với thế giới. Để thể hiện cam kết là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế của Nhà nước Việt Nam thì cũng nên bổ sung trong Dự thảo sửa đổi một ý mới hoặc một khoản mới trong Điều 12 quy định Nhà nước CHXHCN Việt Nam tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.


Các quy định về đối ngoại trong các chương của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đều tập trung nêu bật vấn đề cốt lõi trong tư duy mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam về đường lối đối ngoại trong tiến trình đổi mới, phát triển đất nước. Những quy định này sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội./

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác